“Anh Hoàng Xuân Thảo, Tiên Bồng đấy”…

00:00 12/10/2020

 Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo là một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Công nghệ thông tin;  đã có công đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác giáo dục và đào tạo Việt Nam.

thao-1

 TS. Hoàng Xuân Thảo trao tặng Bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin (Ảnh: Website Trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ)

Tôi cùng quê với TS. Hoàng Xuân Thảo. Anh ở làng Tiên Bồng; tôi ở làng Xuân Đào. Hai làng nằm trong vùng chiêm trũng thuộc huyện Yên Thành (Nghệ An). Trước đây, khi chưa có công trình thủy lợi Kênh Vách Bắc, sau những trận mưa lớn, nước từ vùng bán sơn địa dồn về, cánh đồng làng tôi nước ngập mênh mông; Nghĩa địa Cầu Vồng cũng chỉ còn loi thoi mấy cồn mả. Có năm, lụt ngập cả vùng, hàng nghìn người dân ngoi lên Rú Đót, chờ máy bay thả bánh mì. Những lần ngập úng kéo dài hàng tháng, dân quê tôi chẳng có việc gì làm mà nom ai cũng hớt ha hớt hải như đang rất bận.

Vùng đất khắc nghiệt, nghèo đói này đã sinh ra nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo là một trong những người ở quê tôi nổi tiếng về sự thông minh, tài hoa và thành đạt.

thy-thao

TS. Hoàng Xuân Thảo

Tôi kém anh 15 tuổi. Thời bé, tôi đã thấy, ở quê tôi có câu khẩu hiệu: “Quyết tâm học tập vượt Hoàng Xuân Thảo”. Anh em tôi, mỗi khi lười nhác, học hành sa sút, bố mẹ tôi thường đưa anh Thảo ra để răn dạy: “Đấy, chúng mày xem anh Thảo bên Tiên Bồng đấy (làng Tiên Bồng, xã Phú Thành). Anh ấy vừa đi học, vừa đi cày, đi bừa, bắt dam (cua đồng) mà học giỏi nhất tỉnh”! Ngày đó, tôi chưa hiểu anh “học giỏi nhất tỉnh” là đã đạt thành tích gì trong học tập? Cấp nào khen thưởng? Chỉ biết rằng, đông đảo người dân quê tôi ngưỡng mộ anh, tự hào về anh. Thi thoảng, tôi còn được nhìn thấy anh, người gầy khô, đi trên con đê vênh sống trâu. Dân quê tôi chỉ về phía anh, trầm trồ: “Anh Hoàng Xuân Thảo, Tiên Bồng đấy”…

Sau này, khi đã thành nhà báo, tôi cũng chỉ biết về anh với những thông tin ngắn ngủi: Thời học phổ thông, anh từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh (tôi không biết là kỳ thi học sinh giỏi lớp nào, năm nào?). Năm 1970, trong  kỳ thi tuyển học sinh đi học ở nước ngoài, anh đỗ thủ khoa, được sang CHDC Đức học ngành máy tính. Về nước, anh làm cán bộ giảng dạy tại Đại học sư phạm Hà Nội…

Mỗi lần về thăm quê, qua bà con, tôi biết thêm, anh Thảo là người thơm thảo. Anh Thảo đã giúp đỡ nhiều gia đình nghèo; hỗ trợ nhiều trường học, cơ sở y tế…gặp khó khăn. Tuyệt nhiên, tôi không thấy ai nhắc đến những thành tích; những công trình nghiên cứu khoa học của anh. Tôi nghĩ, có lẽ do anh làm việc trong môi trường sư phạm, lại giảng dạy bộ môn không phải là chủ lực nên hạn chế đến năng lực nghiên cứu, sáng tạo chẳng? Nhưng tôi đã nhầm!

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, tôi có đứa cháu dự thi vào Trường Đại học Kinh doanh – Công nghệ Hà Nội. Tôi bảo cháu, bây giờ nhiều trường đại học đào tạo về kinh doanh, kinh tế quá. Sao cháu không chọn trường có thương hiệu lớn  mà thi? Cháu hào hứng, trường này (Đại học Kinh doanh – Công nghệ Hà Nội) “hot” lắm, chú ơi. Trường của Giáo sư Trần Phương đấy (do Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, làm Hiệu trưởng). Cháu quen nhiều anh chị, khi tốt nghiệp trường này, xin việc dễ lắm vì nhà trường đào tạo kinh tế thực hành và kỹ thuật thực hành. Sinh viên tốt nghiệp ra trường, “bập” vào công việc là làm được luôn; các doanh nghiệp tuyển dụng lao động họ “chấm” luôn.

Nghe cháu nói, tôi vào google gõ cụm từ “Trường Đại học Kinh doanh- Công nghệ”. Trong 0,42 giây, công cụ tìm kiếm cho 1 triệu 560 nghìn kết quả về Nhà trường. Theo đó, Trường thành lập năm 1996, đã khẳng định được sứ mệnh và vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo “các nhà kinh tế thực hành và các nhà kỹ thuật thực hành” tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho các doanh nghiệp. Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; hạng Hai và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thật bất ngờ! Qua trang website của Nhà trường, tôi được biết, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin của Trường là TS. Hoàng Xuân Thảo - người con làng Tiên Bồng một thời là thần đồng toán học như đã nêu trên. Thông tin web của nhà trường cho hay, đây là khoa mũi nhọn của Trường với cơ sở vật chất hiện đại. Khoa thu hút số lượng sinh viên học tập lên tới hơn 2500 em. Đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của khoa gồm 140 giảng viên, trong đó có 1 giáo sư, 7 Tiến sĩ và gần 100% có trình độ thạc sĩ.

Và đây, càng bất ngờ hơn: “Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo là một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Công nghệ thông tin. Ông đã có công đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác giáo dục và đào tạo Việt Nam.”.

Quá trình học tập, cống hiến của TS. Hoàng Xuân Thảo được trang thông tin chính thức của Nhà trường nêu rõ: “TS. Hoàng Xuân Thảo được học tại Trường Đại học TU Dresden, Cộng hoà dân chủ Đức - một trong 2 trường đại học có bề dày khoa học lâu đời nhất của Đức. Thời gian học tại đây, anh đã miệt mài nghiên cứu, ngoài ra còn dành thời gian để làm thêm ở hãng máy tính điện tử ROBOTRON. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Trường đại học TU Dresden với tấm bằng đỏ, anh được điều động về dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy ngành Máy tính - Tin học. Đây là ngành học mới mẻ, máy móc chưa có. Thầy Hoàng Xuân Thảo đã đề xuất với Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn – khi đó là Hiệu trưởng nhà trường - xin Bộ Giáo dục - Đào tạo cho mua máy tính (thế hệ 2) từ Cộng hoà dân chủ Đức. Ngày đầu tiên nhận máy về, bạn bè bên Đức cử một giáo sư sang hướng dẫn. Duyên kỳ ngộ, thầy Hoàng Xuân Thảo gặp lại vị giáo sư đã giảng dạy, hướng dẫn anh tại Trường Đại học Bách khoa Dresden và Công ty Ro-Bo-Tron nên rất thuận lợi. Sau một thời gian, anh được phân công làm chủ nhiệm bộ môn máy tính điện tử và là người đầu tiên được phân công điều hành hệ thống máy tính điện tử mạng LAN 32 chiếc đặt tại 15-Hai Bà Trưng (Hà Nội) của Bộ Giáo dục Cộng hoà Pháp tặng Bộ Giáo dục - Đào tạo nước ta. Ít năm sau, thầy Hoàng Xuân Thảo tiếp tục được cử sang Đức học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ngành Công nghệ thông tin. Về nước, TS. Hoàng Xuân Thảo vừa giảng dạy, vừa miệt mài nghiên cứu khoa học và trở thành một chuyên gia thiết kế phần mềm giáo dục bao gồm: công tác quản lý giáo dục, thi trắc nghiệm trên máy, đào tạo trực tuyến v.v. Những công trình của Tiến sĩ  Hoàng Xuân Thảo được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao và đang được ứng dụng ở một số trường đại học.”

TS. Hoàng Xuân Thảo là một trong những người sáng lập Trường Đại học Kinh doanh- Công nghệ Hà Nội. Hiện, anh là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin của 2 trường đại học và làm Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Anh còn là giám đốc 2 khách sạn Hoa Biển ở Diễn Thành (Diễn Châu) và đang trực tiếp đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Hoan Châu (đặt tại Diễn Châu, Nghệ An)...

...Đọc những thông tin về anh, tôi lặng người. Không biết hơn 40 năm qua, dân làng tôi còn ai dõi theo những bước đi âm thầm và vinh quang của anh? Dân quê tôi bây giờ đã no đủ, nhiều nhà giàu có. Bất giác, tôi chợt nhớ  dáng anh gầy khô, đi trên con đê vênh sống trâu. Sau lưng anh, bà con trầm trồ, thán phục: “ Anh Hoàng Xuân Thảo, Tiên Bồng đấy”…

 Cao Thâm