Hoa quả nhập ngoại, ngọt ít đắng nhiều

00:00 12/10/2020

Nho, táo Envy Mỹ, nho không hạt, mận đường Australia, kiwi xanh New Zealand… từ lâu đã là thực phẩm quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Và khi nhu cầu thị trường tăng, thay vì chỉ có thể thấy ở những cửa hàng chuyên doanh, siêu thị lớn như vài năm trước đây, những loại hoa quả này hiện nay được bày bán tràn lan trên thị trường, thậm chí tại nhiều khu chợ, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Khi mà những chuyến xe bán dạo trên đường phố cũng bán đủ các loại trái cây nhập khẩu, điều đó khiến không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi, liệu rằng đâu là trái cây nhập khẩu thật, đâu là hàng giả? Những loại trái cây này chất lượng ra sao?... Cầu tăng, bán rong cũng không bỏ qua cơ hội Là một nước nhiệt đới, từ lâu Việt Nam được biết đến với nhiều loại trái cây. Tuy nhiên,  những loại trái cây nhập khẩu khi vào Việt Nam cũng nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường do hình thức, mẫu mã, bao bì bắt mắt. Cùng là táo, nho, xoài… nhưng trái cây nhập khẩu được xếp trong những khay, thùng đều tăm tắp, quả căng, bóng đã nhanh chóng thuyết phục người tiêu dùng trong nước. Và cũng từ lâu nhiều người tiêu dùng đánh đồng việc sử dụng trái cây nhập khẩu là an toàn. Cùng với tâm lý “sính ngoại”, những lý do trên khiến không ít người sẵn sàng mất thêm tiền để mua trái cây nhập khẩu. “Gia đình tôi một ngày cũng hết ít nhất 3 kilogram trái cây, nhưng cũng sợ vì chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng không tốt nên tôi vẫn tin tưởng trái cây nhập khẩu hơn”. Chị Ngọc Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người. Chính vì thế, mặc dù trái cây Việt Nam rất phong phú, nhưng các DN kinh doanh trong nước vẫn đạt lợi nhuận rất cao từ việc nhập khẩu trái cây từ nước ngoài.
Mua trái cây nhập khẩu tại siêu thị Lotte mart. Ảnh: Thắng Văn
Mua trái cây nhập khẩu tại siêu thị Lotte mart
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNN, trong năm 2015, trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, trái cây còn được nhập khẩu ở các thị trường khác. Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ đạt 24,5 triệu USD (tăng 17%), Nam Phi đạt 8,2 triệu USD (tăng 182%), New Zealand đạt 5 triệu USD (tăng 36%), Chile đạt 3,6 triệu USD (tăng 27%)... Lượng trái cây nhập khẩu từ các nước có mặt ở khắp nơi, từ hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart… cho tới các khu chợ và trên những chiếc xe bán hàng người dân đổ xô kinh doanh. Chị Hồng Anh - chủ tiệm trái cây tại chợ Nguyễn Thái Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Thời gian trước tôi chỉ bán trái cây lấy từ miền Tây và Đà Lạt, nhưng thấy nhiều người hỏi mua trái cây nhập khẩu nên tôi cũng tìm nhà cung cấp để lấy về bán. Dù giá cao, nhưng lượng khách hàng tăng nên thu lại cũng cao”. Vì nhu cầu “sính ngoại” đã khiến đặc sản của nước ta bị bỏ quên, khiến thị trường trái cây không ổn định và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát được đâu là trái cây nhập khẩu thật sự. Cam kết chất lượng bằng… miệng Chị Phạm Thị Thu Hương (khu Tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên mua trái cây nhập khẩu, tuy nhiên chị Hương luôn băn khoăn khi giá bán trái cây nhập khẩu tại cửa hàng, siêu thị không thống nhất. Khảo sát tại các siêu thị như Lotte Mart,  Big C, Metro cho thấy... giá mỗi kilôgram hoa quả chênh nhau từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Tại Big C Thăng Long, táo Fuji Mỹ có giá 74.900 đồng/kg, táo Gala Mỹ 88.900 đồng/kg, táo Rose New Zealand 83.900 đồng/kg, táo Queen New Zealand 83.900 đồng/kg, cam Mỹ 75.900 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand 175.900 đồng/kg. Trong khi đó, siêu thị Lotte Mart (229 Tây Sơn, Hà Nội), hoa quả nhập khẩu nhiều loại có giá tương đương hoặc cao hơn siêu thị Big C. Cụ thể: táo Fuji Mỹ 89.000 đồng/kg, táo Queen New Zealand 98.500 đồng/kg, cam Mỹ 64.500 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand 147.000 đồng/kg, táo Jazz New Zealand 79.000 đồng/kg… Nếu như trước đây hoa quả nhập khẩu được bày bán chủ yếu ở những siêu thị, cửa hàng lớn thì nay những mặt hàng này được bán khá phổ biến tại các chợ dân sinh. Giá bán tại các chợ cũng có sự chênh lệnh đáng kể “Cùng là sản phẩm lê Hàn Quốc ở cửa hàng Klever Fruits trên đường Láng Hạ có giá 249.000 đồng/kg, trong khi ở cửa hàng trái cây nhập khẩu đầu đường Giảng Võ có giá dao động từ 145.000 đồng – 160.000 đồng/kg” - chị Hương thắc mắc. Điều này khiến chị Hương cũng như nhiều người tiêu dùng khác đặt câu hỏi nghi ngờ, liệu đây có phải hoa quả nhập khẩu chính hãng hay là sản phẩm Trung Quốc gắn mác “hàng xịn”? Những nghi ngờ này là điều dễ hiểu khi mà phần lớn hoa quả nhập khẩu bán trên thị trường tự do hiện nay đều có điểm chung: Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là hàng nhập khẩu, không có “dấu hiệu” rõ ràng để chứng minh nguồn gốc. Theo giải thích của một nhân viên cửa hàng hoa quả trên đường Trần Duy Hưng: Giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoa quả nhập khẩu chỉ được cấp cho DN nhập khẩu theo từng lô hàng, khi DN phân phối về các cửa hàng để bán lẻ tới tay người tiêu dùng thì không thể có những giấy tờ này.   (theo ktdt.vn)