“Hoa chanh” – câu chuyện tình thời chinh chiến

00:00 12/10/2020

Bài thơ “Hoa chanh” của nhà thơ Nguyễn Bao là một câu chuyện tình không có cái kết bi thương như “Màu tím hoa sim”của Hữu Loan, “Núi đôi” của Vũ Cao hay “Quê hương” của Giang Nam. Nó kết thúc có hậu, nhưng cũng đầy lãng mạn và thấm đẫm chất thi ca…

Nhà thơ Nguyễn Bao

Mùa hè năm 2002 khi lên Tâm Đảo dự một trại sáng tác văn học, tôi có may mắn được ở cùng với nhà thơ Nguyễn Bao, bấy giờ vừa đến tuổi nghỉ hưu, thôi không làm Phó giám đóc Nhà xuất bản  làVăn học. Ông thật hiền và rất dễ gần. Ông tặng tôi tập thơ của ông có tên Sang thu (1995) và bảo: “Em là người làm công việc nghiên cứu văn học, anh có bài thơ làm từ thời sinh viên in ở báo Văn. Rất tiếc đến nay chưa có điều kiện tìm lại. Bài thơ có tên “Hoa chanh” in kín hai cột báo”…

Tôi hứa với anh sẽ tìm kiếm sớm. Một hôm đi trên phố cổ, tình cờ tôi mua được một sưu tập báo Văn năm 1957, trên măngset– ghi rõ: Tuần báo của Hội Nhà văn Việt Nam, trụ sở 51- Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, Thư ký tòa soạn Nguyên Hồng. May thay là ở ngay trang 5 của Văn số 2, ra ngày 17 tháng 5 năm 1957 có bài “Hoa chanh” của nhà thơ Nguyễn Bao – bài thơ mà tôi đang đi tìm.

Báo Văn số ra ngày 15/5/1957

Bài thơ in kín hai cột báo thật. Bài thơ như một chuyện thơ kể câu chuyện tình yêu giứa một anh bộ đội với một cô thôn nữ. Họ yêu nhau trong hương bưởi, hương chanh :

Hai chúng mình

Biết nhau từ thuở nhỏ

Nhà em bên nhà anh

Đường xóm ra vào chung ngõ

Cách nhau chỉ một rào thưa

Bấm chân ngõ lội ngày mưa

Chung một cầu ao

Khỏa chân rửa vội

Những bữa cơm đèn

Dậy từ mờ tối

Gọi nhau xin lửa qua rào…

Nhà em có một giàn trầu

Lá tốt xanh trùm bể nước

Vườn anh lối vào ngõ trước

Hoa trắng ngần thơm một gốc chanh…

Rồi người con trai ra lính, bỏ lại người yêu, bỏ lại mái tranh, bỏ lại những kỷ niệm tươi đẹp và bình yên nơi quê nhà để lên đường đi chiến đấu :

Tám năm xa gốc chanh

Giàn trầu, cầu ao vắng bóng

Anh nhớ ngày đi

Hai đứa nhìn nhau yên lặng

Chúng mình chưa hẹn một lời

Dặm đường hành quân

Những chiến dịch dài

Nỗi nhớ quê nhà

Giục chân anh bước gấp

Tiếng em thầm thì đêm ngày vẫn nhắc:

Khi Tổ quốc cần

Chúng mình biết hy sinh!

Ảnh minh họa

Chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì cả những cái gì thật gần gũi thân thương như cái cầu ao, vườn trầu, gốc chanh, mái tóc:

Giữ lấy cầu ao

Giữ lấy gốc chanh

Giữ lấy giàn trầu

Giữ xanh mái tóc!

 …Và cái kết của bài thơ không bi thương như “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Núi Đội” của Vũ Cao, “Quê hương” của Giang Nam…:

-Nhưng không chết

người trai khói lửa

Mà chết

người gái nhỏ hậu phương

Tôi về

không gặp nàng

 Mà tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

thành bình hương

tàn lạnh vây quanh !

(Màu tím hoa sim)

-Mới đến cầu ao tin sét đánh

Giặc giết em rồi dưới gốc thông

Giữa đên bộ đội vây đồn Thứa

Em sống trung thành, chết thủy chung !

(Núi Đôi)

-Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc giết em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích em ơi !

(Quê hương)

Mà rất có hậu, có hậu:

 Hôm nay trở về, một chân anh mất

Nhưng quê hương tất cả vẫn còn…

 Và:

Có một xóm vui

Đám cưới mùa xuân

Trầu hái vườn nhà thắm môi hai họ

 Có anh thương binh

Đêm ngồi bên vợ

Tóc ai dài thơm nước lá chanh!

Nhà thơ Nguyễn Bao và người bạn đời của  mình 

Tác giả bài “Hoa chanh”, nhà thơ Nguyễn Bao sinh ngày 18 tháng 11 năm 1932 tại làng Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông còn có các bút danh khác là Mạc Tú, Thùy Anh. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng là sinh viên khoa sư phạm Văn  (1955), Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn học… và là anh trai ruột của nhà thơ Định Hải – tác giả “Bài ca về trái đất” nổi tiếng được phổ nhach với những câu:

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến

Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho trái đất quay....

Nhà thơ cho biết thêm, bài Hoa chanh được ông viết tháng 2 năm 1957 khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài thơ có lời đề: “Tặng tuổi trẻ thôn Sét quê hương”.

Và chúng tôi được biết thêm, có lẽ vì bài thơ này mà ông được mời dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lầ thứ nhất (1957) – đại hội thành lập và được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng . Năm ấy ông mới 25 tuổi. 

Ngô Vĩnh Bình