Hòa Bình: Cơ hội và khát vọng phát triển

00:00 12/10/2020

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo nền tảng để tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra dự án khu tái định cư, Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình)

Với tư duy mới và hành động cụ thể, sự nỗ lực phấn đấu của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH, QP- AN và xây dựng hệ thống chính trị. Trong 05 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hòa Bình khá cao, bình quân hàng năm đạt 7,59%, gấp 1,27 lần so với mức trung bình toàn quốc (6,64%/năm); quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 54,956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 45,58%, dịch vụ chiếm 29,32%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du và miền núi phía Bắc, bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả, tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục có bước phát triển.

Cơ sở hạ tầng thành phố Hòa Bình được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại

Từ định hướng xuyên suốt và nhất quán là không để tuột mất cơ hội, nguồn lực phát triển, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ động kết nối, làm việc với những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược để thuyết phục, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Thực hiện không giao việc chung chung, giao việc cụ thể gắn với trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh nhằm khắc phục sự chậm trễ trong cải cách hành chính, cơ chế phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 334 dự án sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh .Tỷ lệ đất công nghiệp được lấp đầy tại các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư phát triển hạ tầng đạt 56,9%, các cụm công nghiệp đạt 46,7%. Nhiều công trình, dự án quan trọng đang được tháo gỡ khó khăn, hoàn thành bảo đảm tiến độ đề ra. Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm tỉnh với thành phố Hà Nội chỉ còn 1 giờ xe chạy, đang tạo sức nóng thu hút các dự án đầu tư. Đường 435 mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển du lịch vùng hồ; đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12 B đi quốc lộ 1 tạo động lực phát triển KT-XH các xã vùng khó khăn Lạc Sơn, Yên Thủy; dự án cầu Hòa Bình 3 được đưa vào khai thác, cầu Hòa Bình 2 đang gấp rút hoàn thiện, mở ra không gian phát triển đô thị cho trung tâm TP Hòa Bình...

Những thành tựu phát triển KT-XH, cải thiện đời sống dân sinh là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, Hòa Bình đang tập trung vào 4 mũi nhọn: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản địa phương có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho vùng Thủ đô và xuất khẩu; phát triển công nghiệp tại những khu vực được quy hoạch.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì du lịch gắn với thế mạnh hồ Hòa Bình và các giá trị văn hóa truyền thống cũng đang là một hướng đi hiệu quả

Kết quả bước đầu đã đạt được đang tạo đà vững chắc cho công cuộc đổi mới của Hòa Bình. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối năm 2018 đến nay, một làn sóng đầu tư, nghiên cứu triển khai dự án sôi động chưa từng có vào địa bàn Hòa Bình với tổng số vốn lên tới hàng tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, địa phương khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực đô thị, sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp phụ trợ. Điển hình là T&T Group - Tập đoàn kinh tế lớn đã quyết định đề xuất triển khai 7 dự án đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, tại TP Hoà Bình có 5 dự án. Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang đầu tư khu đô thị du lịch sinh thái thuộc xã Phú Minh - Hợp Thành (Kỳ Sơn); Công ty Xuân Thiện; Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng (dự án sân gofl 36 lỗ tại xã Lâm Sơn); Công ty Lạc Hồng, Công ty Hoàng Sơn đầu tư vào khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa - vùng lõi quy hoạch hồ Hòa Bình...

Đường Hoà Lạc - Hòa Bình góp phần thúc đẩy KT - XH và thu hút đầu tư của tỉnh

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Vấn đề hiện nay cần tiếp tục chỉ đạo sát, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư triển khai dự án theo kế hoạch. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, từng bước giải quyết những nút thắt, cản trở sự phát triển. Tập trung cải cách hành chính thực chất hơn nữa, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, người dân. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư và doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

 Nhận thức rõ những khó khăn, yếu kém, quyết liệt triển khai những giải pháp khắc phục, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, thiết thực chăm lo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách thiết thực nhất, đang mở ra những cơ hội lớn để Hòa Bình tăng tốc phát triển trong tương lai gần.

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 -2025

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 tăng từ 9% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng bình quân 18% trở lên.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%; có 10 bác sỹ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 95% dân số trở lên; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%.

- Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch dân cư thành thị là 100% và nông thôn là 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh và đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 100%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên.

Trương Minh