Hồ sơ Panama liên quan Việt Nam: Vô tội, lách thuế hay rửa tiền?

00:00 12/10/2020

Cục Thuế lập tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.
Ngày 9/5, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng Internet một phần bộ dữ liệu mật trong vụ rò rỉ được gọi là "Hồ sơ Panama", bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do Công ty Luật Mossack Fonseca tại Panama thành lập và điều hành. Dữ liệu Hồ sơ Panama vừa được công bố có đề cập tới 189 tổ chức, cá nhân liên quan tại Việt Nam. Trong hồ sơ Panama công bố có nhiều doanh nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng như bà Đàm Bích Thủy - người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Vietjet Air; ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Đại gia Việt đua nhau trần tình Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ khẳng định việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. Có thể thông tin này với người Việt Nam là mới, ở nước ngoài thì chuyện này rất bình thường. Bà nói: "Cũng vì vậy mà khi thấy danh sách có tên tôi, rất nhiều người quen hỏi thăm, tôi cũng vui vẻ chia sẻ để mọi người hiểu".
189 cá nhân tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh minh họa: TNW.
189 cá nhân tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh minh họa: TNW.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế. “Việc mở tài khoản tại nước ngoài liên quan đến hoạt đồng đầu tư ra nước ngoài đã được cấp phép”- ông Hưng nhấn mạnh. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - lãnh đạo của tập đoàn Sovico và đồng thời là Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air lý giải, năm 2005, chúng tôi là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance. “Công ty Furama có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới. Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường”- Tổng giám đốc Vietjet Air nói. Phải làm công khai, minh bạch vụ việc Chiều tối ngày 10/5, báo chí dẫn lời TS Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: “Phải làm rõ vụ này. Một khi đã có tên trong danh sách được công bố công khai, dư luận sẽ đòi hỏi phải làm cho rõ ràng, minh bạch”. Tuy nhiên, nguyên thống đốc ngân hàng cũng nhấn mạnh rằng, việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái. Tuy nhiên đây có thể coi là một kênh thông tin để các bên liên quan tìm hiểu làm rõ. Ông cũng cho rằng tại thời điểm này, "chưa thể nói gì về họ. Trong thanh toán quốc tế có rất nhiều khoản có thể người ta chuyển ra, chuyển vào. Các khoản đó có thể chính đáng, có thể không chính đáng, và phải làm rõ mới kết luận được”. Trả lời báo chí ngày 10/5, ông  Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV, cho rằng người Việt trong Hồ sơ Panama chỉ là ...lách thuế một chút. Bình luận về danh sách 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này, ông Lực cho rằng nếu rửa tiền, tài trợ khủng bố, cấm vận,.. sẽ bị Mỹ điều tra ngay và  xử phạt rất nặng. “Nên cơ bản tôi cho rằng ở đây là lách một chút thuế”. Do đó, không nên vội vàng và có nên điều tra hay không và không biết điều tra ra thì kết quả sẽ như thế nào. Đây là các cá nhân, tổ chức có nguồn thu nhập chính đáng và số lượng tiền gửi cũng không phải quá nhiều. Chúng ta là nước nhỏ thì cũng nên nghe ngóng xem các nước cũng có bối cảnh giống Việt Nam xử lý ra sao, không nên phản ứng một cách thái quá, gây hoang mang. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hồ sơ vừa được công bố chỉ là những thông tin ban đầu, cần có xác minh rõ ràng. Hiện ngành thuế chưa thể đưa ra những đánh giá hay nhận định nào cụ thể. Đây là vấn đề không chỉ riêng của ngành thuế mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, thậm chí cả cơ quan quốc tế. Được biết, Tổng Cục Thuế đã lập ngay một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này. Trao đổi với PV báo Lao Động chiều ngày 10/5, ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng nhà nước cho biết “Ngân hàng nhà nước đang tra soát lại danh sách các đối tượng được công bố trong hồ sơ Panama vì số lượng được công bố vô cùng lớn”. Cho tới thời điểm hiện tại, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, chưa thể khẳng định những người có trong danh sách đó đều là tội phạm hoặc hoàn toàn vô tội.
(theo ktdt.vn)