Hình ảnh mất mỹ quan của Thủ đô

08:30 29/11/2020

Hình ảnh “Chị lao công” và “Tiếng chổi tre” (tên bài thơ của Tố Hữu) “Như sắt/Như đồng/Chị lao công/Đêm đông/Quét rác...” đã đi vào văn chương, nhạc họa với vẻ đẹp bình dị và bất tử. Nhưng, khi tiếp xúc với họ, nghe họ kể về công việc, về chế độ đãi ngộ...mới thấy nỗi cơ cực của nghề này; mới hiểu, vì sao vừa rồi hàng loạt công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội “đình công”, rác thải ngập ngụa bên các đường phố rợp bóng cây - một hình ảnh mất mỹ quan của Thủ đô.

Công việc gian khổ của họ thì ai cũng biết. Hàng ngày, kể cả Giao thừa, dù gió rét, mưa bão, nắng gắt, các chị vẫn len lỏi tới từng ngõ ngách thu gom rác, tập kết một chỗ để phân loại; chịu mùi hôi thối nồng nặc. Công việc nguy hiểm của họ, báo chí đã nêu. Nhiều chị bị chết, bị thương do xe xe ô tô, xe máy đâm; nhiều chị bị chó dại cắn; nhiều chị bị người dân hành hung... Ngay đoạn đường trước sân vận động của Bộ Công an, thuộc phố Thanh Liệt, Thanh Trì, mấy ngày qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông. Một vụ, xe máy đâm trực diện vào chị lao công đang đẩy xe rác, khiến chị bị gãy 3 xương sườn; vụ khác, do tài xế ô tô ngủ ngật, đâm vào xe rác, chị lao công may mắn thoát chết... 

Hình ảnh xấu xí của Thủ đô
Hình ảnh xấu xí của Thủ đô. (Ảnh: minh họa)

Hàng ngày, các chị phải chịu gian khổ, hiểm nguy như vậy nhưng chế độ đãi ngộ thì không tương xứng. Các chị thu gom rác ở trước sân bóng Bộ công an cho chúng tôi biết, mỗi ngày, họ đi làm từ 12h trưa đến 8h tối, thu nhập mỗi ngày 144 nghìn đồng và mức lương này duy trì từ nhiều năm nay. Tôi hỏi, sao trong các cuộc họp, các chị không nêu ý kiến đề nghị lãnh đạo công ty nâng cao đời sống cho công nhân? Các chị bảo, họ không có cổ phần trong công ty nên không được dự họp. Các chị chia sẻ, chẳng qua, các chị đã nhiều năm gắn bó với công ty nên cố làm việc vài năm nữa để nhận sổ hưu, chứ nghề này, chẳng ai muốn làm...

Dù lương thấp, nhưng các chị lao công ở đây còn được lĩnh lương đều; không như các nơi khác, bị nợ lương. Tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân - đơn vị đang thu gom rác trên địa bàn 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì – hiện đang nợ lương công nhân khoảng 140 tỷ đồng, khiến công nhân “đình công” và rác ngập thành phố như báo chí đã nêu.

Lí do nợ lương công nhân được lãnh đạo Công ty Minh Quân giải thích, do khối lượng rác thải phát sinh quá lớn. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, theo gói thầu thực hiện chỉ vận chuyển với khối lượng 207 tấn/ngày, số lượng công nhân thực hiện 297 công nhân. Thực tế, Cty Minh Quân phải thực hiện vận chuyển khoảng 320 đến 370 tấn/ngày nên phát sinh chi phí do thuê thêm nhân công và đầu tư phương tiện. Mặt khác, đơn giá thu gom, vận chuyển rác ban hành các năm 2016, 2018, hiện nay không còn phù hợp. Những chi phí phát sinh quá lớn, vượt năng lực của công ty, nên công ty chưa đủ nguồn tài chính trả lương cho công nhân.

Lí do trên có là có thật. Nhưng tại sao, vấn đề này xảy ra đã lâu, không được Thành phố và các ngành liên quan giải quyết nhanh chóng để hậu quả người công nhân phải gánh chịu? Nhân đây cũng nói thêm về tình trạng người dân chặn đường, ngăn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn khiến rác thải ngập ngụa ở Thủ đô. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng vì sao đến nay chưa giải quyết dứt điểm để người dân lĩnh hậu quả? Xem ra, Hà Nội có vẻ hăng hái việc lát vỉa hè hơn là chăm lo dọn rác? Và, nếu có vị khách quốc tế lần đầu tới Thủ đô hòa bình, có lẽ hình ảnh xấu xí nhất đối với họ là rác thải ngập ngụa trên những đường phố rợp bóng cây xanh.

Nếu tình trạng rác thải chất đống bên các đường phố do công nhân “đình công”; do người dân chặn xe rác... không được chăm lo giải quyết, mà trước mắt là chính sách đối với người lao động và quyền lợi chính đáng của người dân xung quanh khu bãi rác, thì tình trạng này ngày càng trầm trọng.

 Cao Thâm