Hiệu quả từ sau chính sách cắt giảm thuế kỷ lục của Mỹ

00:00 12/10/2020

Cuộc cải cách chính sách thuế lớn nhất trong ba thập kỷ qua tại Mỹ đã tạo ra những kết quả 'kỷ lục' cho nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ khi nó được thực thi.

Cải cách thuế tạo ra nền kinh tế "kỷ lục" của Mỹ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong ngày thứ Sáu (26/4), Cục Phân tích Kinh tế Mỹ đưa ra số liệu sơ bộ về nền kinh tế, trong đó GDP quý 1/2019 của nước này tăng trưởng 3.2%, vượt xa dự báo tăng trưởng 2.5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, GDP quý 1 tăng trưởng vượt mức 3%. Nếu sự tăng trưởng được duy trì trong quý 2/2019, kinh tế Mỹ sẽ có chuỗi 10 năm tròn đi lên, quãng thời gian tăng trưởng dài kỷ lục.

Hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon ngày 25/4 báo khoản lãi quý lớn chưa từng có trong quý 1/2019. Công ty này lãi 3,6 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, tăng gấp hơn 2 lần so với mức lãi 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ sáu liên tiếp Amazon lãi trên 1 tỷ USD, đồng thời là quý thứ tư liên tiếp lãi kỷ lục, cổ phiếu của Amazon tăng 26% kể từ đầu năm nay. Doanh số bán hàng của Amazon ước tính khoảng 60 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2019, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Một trong các chính sách nổi bật góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Mỹ được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra chính là kế hoạch cắt giảm thuế quy mô 1,5 nghìn tỷ USD triển khai từ đầu năm 2018, sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2017. Ông Trump cho rằng kế hoạch giảm thuế này rốt cục sẽ giúp tăng thu ngân sách vì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảng Cộng hòa tại Quốc hội và Nhà Trắng kỳ vọng đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 như một biện pháp để thúc đẩy việc làm, tăng lương và khuyến khích các công ty đầu tư và sản xuất tại Mỹ, các công ty sẽ xây dựng các nhà máy mới, họ sẽ thuê thêm nhân công, mua thiết bị mới…

Các doanh nghiệp Mỹ thực sự đã được hưởng lợi lớn, theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 21%. Báo cáo hàng năm từ bốn công ty: Apple, Walt Disney, Visa International và Starbucks cho thấy dòng tiền tự do của các doanh nghiêp này đã tăng trung bình 33,7% từ năm tài chính 2017 đến 2018.

Với các khoản lợi nhuận khổng lồ có được từ chính sách cắt giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp của chính phủ, hãy cùng xem các doanh nghiệp đã sử dụng số tiền đó như thế nào.

Mở rộng đầu tư và tăng chi trả cổ tức

Theo báo cáo từ 500 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất của Standard & Poor, các khoản đầu tư vào thiết bị và nhà máy mới đã tăng gần 19% trong ba quý đầu năm 2018, lên khoảng 475 tỷ USD. Các công ty cũng tăng chi tiêu nghiên cứu và phát triển lên 34%, lên gần 175 tỷ USD. Một thống kê của Fed cho thấy đầu tư kinh doanh độc lập tăng với tỷ lệ hàng năm là 16% trong năm 2018, năm cao nhất kể từ năm 1993. Cổ tức, là khoản thanh toán lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, cũng tăng theo. Dựa trên các khoản thanh toán trong 11 tháng đầu năm 2018, cổ tức đã lập kỷ lục mới hàng năm ở mức 420 tỷ đô la, cao hơn con số cả năm 2017 là 419,7 tỷ đô la.

“Chúng ta đã nhận được tiền mua và cổ tức cao hơn nhiều”, ông Jared Bernstein, người từng là cố vấn kinh tế cho Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là Joe Biden. Thu nhập trung bình của nhân viên khu vực tư nhân Mỹ đã tăng 2,8% trong năm 2018, theo Cục Thống kê Lao động.

 Mua lại cổ phiếu

Đảng Dân chủ và các nhà phê bình tại Mỹ cũng chỉ ra một thống kê quan trọng khác, một điều họ coi là đi ngược lại mục đích của ý định cắt giảm thuế: đa số các doanh nghiệp đã tăng chi tiêu cho việc mua lại cổ phiếu. Việc mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp có thể làm tăng giá cổ phiếu mà không cần đầu tư xây dựng bất cứ điều gì hoặc thuê bất cứ ai. Các nhà điều hành doanh nghiệp thích mua lại cổ phiếu vì lợi ích của họ thường được gắn liền với giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Các công ty hàng đầu của Mỹ đang tham gia vào hành động này, Apple dẫn đầu, với gần 64 tỷ đô la mua lại, tiếp theo là Qualcomm (34 tỷ đô la), Cisco (19 tỷ đô la), Oracle (18 tỷ đô la) và Bank of America (15,8 tỷ đô la). Warren Buffett đã mua lại gần 1 tỷ đô la cổ phiếu Berkshire Hathaway. Kể từ quý đầu tiên của năm 2008, các doanh nghiệp Mỹ đã mua lại 5,7 nghìn tỷ đô la cổ phiếu của họ, theo Birinyi Associates.

Nhà kinh tế học William Lazonick, thuộc Đại học Massachusetts tại Lowell, cho biết: “Tôi không nghĩ các công ty nên được cho phép thực hiện bất kỳ sự mua lại nào, một phần trong số các khoản tiền đó nên được chi trả để công nhân có mức lương cao hơn và đảm bảo công việc hơn.” Những người ủng hộ việc mua lại cổ phiếu nói rằng việc tăng giá cổ phiếu là tốt cho mọi người ngay cả khi họ không đầu tư vào cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ. Họ chỉ ra các quỹ hưu trí, có cổ phần tăng theo giá cổ phiếu, giúp họ thực hiện nghĩa vụ với người nghỉ hưu mà không yêu cầu nhà tuyển dụng cho thêm tiền hoặc chính phủ để được cứu trợ.

Thống kê chi tiêu năm 2018 của 4 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ: Apple, Walt Disney, Visa International và Starbucks.

Apple: Apple với khối tiền mặt khồng lồ đã mua rất lớn cổ phiếu của chính mình, nhưng họ cũng đầu tư rất nhiều vào hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo Apple chi 14,2 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển năm 2018, tăng 23% so với một năm trước. Nhà sản xuất iPhone đã tuyên bố cam kết sẽ thuê 20.000 nhân viên mới vào năm 2023, tính đến nay để đáp ứng mục tiêu công ty đã thuê thêm 9.000 nhân viên. Apple dự kiến đầu tư 1 tỷ đô la để xây dựng một khuôn viên công ty thứ hai tại Austin, nơi 15.000 nhân viên có thể làm việc. Công ty cam kết sẽ đầu tư 350 tỷ đô la tại Mỹ trong 5 năm tới.

Walt Disney: Với mức giảm thuế hiệu quả lớn nhất trong năm, Disney đã tăng chi tiêu vốn lên tới 842 triệu đô la trong năm tài khóa 2018. Các nhà phân tích cho rằng con số này khó có thể tăng thêm nhiều trong những năm tới vì các khoản thu từ quảng cáo chậm lại, tăng chi tiêu cho các khoản nội dung, công nghệ và công viên chủ đề. Không giống như một số công ty khác, Disney đã giảm mua lại cổ phần, thay vào đó họ đầu tư mua lại tài sản của hãng truyền thông 21st Century Fox.

Visa Inc: Visa Inc. đã tăng chi trả cổ tức khoảng 22%, từ 1,58 tỷ đô la năm 2017 lên 1,9 tỷ đô la năm 2018. Visa đã thực hiện một động thái tương đối hiếm hoi là tăng các khoản đầu tư của mình vào các tài khoản hưu trí. Chi phí nhân sự tăng 21% so với một năm trước đó, gắn với số lượng đầu tư lớn hơn và thưởng khuyến khích cao hơn.

Các nhà đầu tư vào Starbucks đã được hưởng lợi từ việc mua lại cổ phiếu nhiều hơn gấp ba đến 7 tỷ đô la, so với 2 tỷ đô la trong năm 2017. Cổ tức và chi tiêu vốn tăng. Công ty cũng cho biết họ đã tăng chi tiêu cho các khoản trợ cấp ốm đau của nhân viên và tăng thời gian nghỉ phép có lương cho nhân công vì lợi ích đem lại từ việc cắt giảm thuế. Với các thông tin tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn dự đoán, thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới, các doanh nghiệp báo lãi chưa từng có, rõ ràng đang phần nào chứng minh tính đúng đắn trong các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Dương Thái