Hiệp định CPTPP - cơ hội và thách thức

00:00 12/10/2020

Với những nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP, Việt Nam và một số nước châu Á đã trở thành lá cờ đầu của tự do thương mại khu vực. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh hội nhập cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc mạnh dạn tiên phong tham gia những sân chơi lớn với nhiều khó khăn, nhằm nắm bắt cơ hội do hội nhập mang lại. Bên cạnh những ưu đãi “vàng” mà Hiệp định CPTPP mang lại, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh. Sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cung cách làm ăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam bước vào “sân chơi lớn” CPTPP

Có mối quan tâm về việc CPTPP đi vào hiệu lực sẽ có tác động như thế nào đến cuộc sống người dân và nền kinh tế Việt Nam, liệu thật sự nó sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực như được hứa hẹn?

Đối với CPTPP hay với bất cứ một thỏa thuận thương mại tự do lớn nào khác, nó giống như một con dao hai lưỡi. Nếu nội lực của một nền kinh tế mạnh, có nền sản xuất và dịch vụ đa dạng với hiệu suất cao, sản phẩm làm ra cần được mở rộng thị trường hơn nữa để xuất khẩu thì CPTPP là một bước “cất cánh” cho nền kinh tế quốc gia đó. Do vậy, trong một sân chơi phẳng với các hàng rào thuế quan đều được gỡ bỏ như CPTPP, thì một nền kinh tế không có nội lực, thiếu bản sắc và hầu hết mọi thứ đều phải nhập bên ngoài sẽ đối mặt nguy cơ bị “nhấn chìm” trong dòng xoáy của hội nhập…Việt Nam là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi. Song, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực đột phá trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại trỗi dậy.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tham gia Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam củng cố vị thế

Trong buổi họp trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết:Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia CPTTPP vừa giúp nước ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước.

Việt Nam tham gia vào CPTPP góp phần khẳng định vị thế trước tiến trình hội nhập với thế giới và là cơ hội để Việt Nam tăng khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác. Mặt khác, Việt Nam tham gia vào hiệp định đa phương này sẽ dẫn đến một loạt các thay đổi chính sách để buộc nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa này phải linh hoạt hơn. Việt Nam sẽ được tiếp cận tới những thị trường mới và mở rộng xuất khẩu tại các nước như Canada, Mexico và Peru, những nước hiện tại chưa có thỏa thuận thương mại với Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Khi CPTPP chính thức đi vào thực hiện sẽ giúp các nền kinh tế tham gia Hiệp định tăng trưởng tốt hơn nhờ việc mở ra một không gian mới về sự phát triển. Đồng thời, sẽ có nhiều sản phẩm, mặt hàng và nhiều loại dịch vụ được mở ra, góp phần làm mức tăng trưởng phát triển hơn. Mặt khác, yếu tố việc làm cũng sẽ được giải quyết tốt hơn do có nhiều nhu cầu về việc làm được mở ra; xuất khẩu cũng sẽ tăng thêm, trong đó có nhiều thị trường mới như Peru, Mexico, và nhiều nước khác. Thậm chí những thị trường Việt Nam đã có FTA thì nhiều loại hình dịch vụ cũng được mở ra, giúp tình hình xuất khẩu tốt hơn; thúc đẩy đầu tư nước ngoài và trong nước do nhu cầu của sự phát triển. Nhiều nước trong hiệp định sẽ đầu tư vào Việt Nam.Đồng thời, Hiệp định thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.

"Đà tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài là những tăng trưởng quan trọng và kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam sau khi CPTPP chính thức được thực thi", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức khi Hiệp định này được phê chuẩn. Một trong số đó là việc thể chế pháp luật phải sửa đổi để phù hợp hơn. Tuy nhiên, Chính phủ đã có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu này.

Đánh giá tổng quan về những tác động từ Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định rằng, những tác động tích cực của Hiệp định CPTPP tương đối toàn diện, tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Cụ thể, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào năm 2019 sẽ có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp và người dân. Bởi, từ thực tiễn hội nhập cho thấy, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực. Ngược lại “nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập thì tất yếu sẽ phải trả giá” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Khi tham gia Hiệp định CPTPP, đối với Việt Nam, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến. Ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân là do lĩnh vực này được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất thấp so với các quốc gia khác. Điều này cho thấy Hiệp định CPTPP sẽ tác động rất nhiều chiều cả tích cực và tiêu cực tác động tiêu cực sẽ tạo ra nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội…Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.

 PGS. TS Trần Ðình Thiên

Theo PGS. TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì đây là cơ hội lớn, là cơ sở mang đến lạc quan dài hạn từ những tác động của CPTPP: "Áp lực thay đổi thể chế, cải thiện khung khổ pháp lý theo những tiêu chuẩn của thị trường minh bạch, hiện đại sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp. Thậm chí, cả việc phải tham gia, đối mặt các cuộc chiến thương mại cũng là cách để hoàn thiện năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và doanh nghiệp".

Cơ hội và thách thức mà CPTPP có thể đem lại cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam không phải nằm trong câu chữ của cam kết. Việc hiện thực hóa cơ hội, thậm chí biến thách thức thành cơ hội cũng không phải nằm trong bản khuyến nghị mà trong tay từng doanh nghiệp, từng công chức, từng cơ quan quản lý nhà nước. "Chúng ta đều phải thay đổi tư duy với nguyên tắc thống nhất là cải cách, đổi mới là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Các cam kết hội nhập chỉ là chất xúc tác để tiến trình này đi nhanh hơn" PGS. TS Trần Ðình Thiên nói.

Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế của CPTPP

 Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các “sân chơi” hội nhập đã và đang giúp cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp

Tác động của CPTPP về mở cửa thị trường là áp lực, cơ hội và những chuẩn mực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Các doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn, CPTPP không chỉ liên quan đến giá trị xuất khẩu nhập khẩu, mà mở ra nhiều “sân chơi, cách kiếm tiền mới”, không chỉ thị trường các nước tham gia CPTPP mà cả các nền kinh tế khác.

Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các “sân chơi” hội nhập đã và đang giúp cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN).

Để tận dụng những lợi ích mang lại từ CPTPP, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam -Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại; có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhằm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để nắm bắt được các cơ hội từ CPTPP, trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: CPTPP là cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước thành viên tại thị trường trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa ngay từ “sân nhà”. Trong khi đó, "sức khoẻ" của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước còn nhiều phức tạp, cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp…Các doanh nghiệp Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có thể dung hòa với các hiệp định thương mại tự do khác. Thể chế kinh tế và hệ thống pháp luật không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cần phải mau chóng sửa đổi và cải thiện để phù hợp với môi trường và điều kiện của CPTPP

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Tham gia CPTPP một số sản phẩm của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, đặc biệt là thực phẩm. Vì vậy, DN Việt Nam phải đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP trên thị trường trong nước; đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội mới để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các nước tham gia Hiệp định.

TS. Lê Đăng Doanh:: CPTPP là thành tựu đáng trân trọng. Không có Mỹ tham gia Hiệp định này là thiệt thòi cho Việt Nam bởi hiện nay, Mỹ chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Song CPTPP vẫn rất quan trọng bởi thành viên lớn nhất trong CPTPP hiện nay là Nhật, Canada, Chile đang có mối quan hệ tốt, bổ sung với Việt Nam. Thị trường Mỹ là miếng bánh to nhất, hấp dẫn nhất nhưng 10 thị trường còn lại cũng rất tiềm năng nếu chịu khó khai thác.

 Thu Giang (tổng hợp)