Hết thời... “tín dụng dễ dãi”

00:00 12/10/2020

Tín dụng thời gian tới được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 14-15% mỗi năm; mặt bằng lãi suất nhiều khả năng cũng sẽ cao hơn, cho thấy tín dụng đã qua thời “dễ dãi”.

Mặc dù mấy tháng gần đây không thấy cơ quan quản lý công bố con số tăng trưởng tín dụng như thời gian trước. Song không khó để dự báo tín dụng năm nay sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 14%, thấp hơn nhiều mục tiêu 17% đã đề ra.

 Biểu đồ tăng trưởng tín dụng từ năm 2012- 2018

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng từ năm 2012- 2018

Siết tăng trưởng tín dụng

Không chỉ năm 2018 mà trong một vài năm tới, tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng cũng sẽ được khống chế ở mức này khi mà lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại. Việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng phù hợp với khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là IMF. Trong Báo cáo tham vấn Điều IV năm 2018 cho Việt Nam, định chế này khuyến nghị, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nên được thắt chặt bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng nóng.

Theo số liệu của WB, tín dụng khu vực tư nhân năm 2017 tại Việt Nam đã tăng lên tới 130% GDP. Nếu như trong những năm tới, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt tốc độ 15,6%/năm, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 10,2%/năm như giai đoạn 2012 - 2016, thì sau khoảng 10 năm nữa tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ đạt mức 200% - thuộc hàng cao nhất thế giới.

“Khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những biến động về lãi suất. Một sự gia tăng nhỏ của lãi suất có thể khiến nghĩa vụ trả lãi gia tăng đáng kể, khiến tính bền vững của nền kinh tế bị suy giảm”, TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện tài chính cảnh báo.

Một lý do nữa khiến tín dụng khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước là nhu cầu và năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng. Tại Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019 vừa được công bố mới đây, Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%) xuất phát từ cả cung và cầu tín dụng.

Về phía cầu tín dụng, do tăng trưởng kinh tế dự báo chậm lại, chỉ khoảng 6,4- 6,5% năm 2019, nên nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Trong khi cung tín dụng cũng chịu áp lực, trong đó nguồn cung tín dụng bất động sản đang bị siết lại. Bên cạnh đó còn do những yêu cầu khắt khe của Basel II.

Lãi suất sẽ tăng

Tăng trưởng tín dụng thấp hơn cũng đồng nghĩa với việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Một khó khăn nữa đối với cộng đồng doanh nghiệp là mặt bằng lãi suất cũng được dự báo sẽ tăng cao hơn.

“Lạm phát năm tới có khả năng sẽ cao hơn mức hiện nay, cùng với đó là áp lực từ việc FED tăng lãi suất sẽ tạo sức ép lên lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định và cho biết thêm, lãi suất còn chịu tác động từ việc NHNN siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% từ đầu năm 2019.

Nhiều tổ chức trong nước cũng dự báo về xu hướng tăng lãi suất trong năm 2019. Trong đó, Cty Chứng khoán VN Direct nhận định, NHNN đang có xu hướng thặt chắt chính sách tiền tệ và các mức lãi suất cơ bản sẽ tăng lên trong năm 2019. Theo đó, lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75%/năm và 6,75%/năm.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng cho rằng, một số nước sẽ thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, như Mỹ hoặc EU, Nhật Bản, tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới, điều này là rủi ro mà doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong huy động vốn trung, dài hạn khi mà tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn của các ngân hàng được giảm xuống. Trong bối cảnh đó, theo ông Lực, doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn vốn tư nhân, vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, vốn từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu…

Song giải pháp bền vững nhất, theo lời khuyên của các chuyên gia, là doanh nghiệp cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt dòng tiền của mình; đồng thời cần cân nhắc kỹ phương án sản xuất kinh doanh nào thực sự có hiệu quả mới vay vốn để triển khai. Tất cả những điều đó sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.