Hấp lực trái phiếu doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tiếp tục tăng tốc khi các điều kiện hỗ trợ vẫn còn.

Chi phí vốn cho các khoản vay trái phiếu của nhiều doanh nghiệp trong quý II đã bắt đầu giảm theo xu hướng giảm của lãi suất tiết kiệm, nhưng thay vào đó là kỳ trả lãi và xác định lãi suất cũng được rút ngắn lại. Áp lực lên dòng tiền các doanh nghiệp trong tương lai vì thế còn rất lớn.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng tốc với tổng khối lượng phát hành trong kỳ lên đến 61,3% so với cùng kỳ, bỏ xa mức tăng trưởng 37% trước đó. Nhờ đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791.000 tỉ đồng, tương đương 12,9% GDP.

Theo thống kê của VNDirect, mức lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm cao nhất là lô 1.598 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 18-30 tháng của Công ty Cổ phần City Garden là 13,3%/năm. Tiếp sau đó phổ biến ở mức lãi suất 13%/năm, như Công ty Đầu tư IDJ Việt Nam, Thủy điện Nậm La...

 

Nhưng cũng có thể thấy lãi suất huy động đang giảm dần trên thị trường so với cùng kỳ. Ví dụ, Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt năm ngoái phát hành trái phiếu cao kỷ lục 14%/năm thì năm nay còn 13%/năm.

Ở lĩnh vực bất động sản, theo SSI, quý II/2020 lãi suất phát hành và cả kỳ hạn bình quân ghi nhận giảm, lần lượt ở mức 10,42%/năm và 3,26 năm, so với 10,77%/năm và 3,85 năm của quý I/2020. Mức chi phí vốn của các doanh nghiệp bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm vì lĩnh vực này vẫn giữ ngôi đầu về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo đó, lĩnh vực bất động sản hút 71.600 tỉ đồng từ trái phiếu riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ, trong khi nhóm ngân hàng chỉ chiếm tỉ trọng 27,6% và tăng 31,2%. Trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản gọi vốn với vùng lãi suất từ 10-11%/năm.

Nguồn ảnh: Quý Hòa

Nguồn ảnh: Quý Hòa

Nếu tính chung toàn thị trường, lãi suất bình quân phát hành trái phiếu trong quý II/2020 là 8,89%/năm, giảm 151 điểm cơ bản so với quý trước đó, dù kỳ hạn phát hành bình quân cao hơn (3,71 năm so với 3,64 năm). Một trong những lý do lãi suất bình quân giảm mạnh là vì trái phiếu ngân hàng thương mại thấp hơn đáng kể (chỉ 6,7%/năm).

Còn nếu loại trừ các ngân hàng, lãi suất trong quý II giảm khoảng 14 điểm cơ bản so với quý I, về mức tương đương trong nửa cuối năm 2019. “Diễn biến này phù hợp với xu hướng giảm từ 0,5-2%/năm của lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại trong quý vừa qua”, báo cáo của SSI phân tích.

Trong gần 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi, trong đó đáng kể nhất là từ đầu tháng 7 với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Thống kê cho thấy vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75-1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm 2019.

Lãi suất tiết kiệm giảm làm dao động dòng tiền, đồng thời nới rộng thêm khoảng cách chênh lệch với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia tin rằng đây là một trong những lý do chính khiến dòng tiền từ các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chảy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân mua 14.500 tỉ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% tổng lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm, trong khi các ngân hàng thương mại chiếm khoảng 40%.

Nhưng khi dòng vốn chảy vào nhiều hơn thì lãi suất cũng có xu hướng giảm theo, từ đó giúp các doanh nghiệp giảm một phần chi phí vốn từ kênh trái phiếu. Trên thực tế, có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp khá tự tin khi đưa ra phương án thả nổi lãi suất. Theo đó, lãi suất cố định ở kỳ đầu tiên được thả nổi trong các kỳ tiếp theo, được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng của các ngân hàng cộng với biên độ nhất định. Theo thống kê của SSI, tỉ lệ lãi suất thả nổi tăng mạnh từ 61,4% trong quý I/2020 lên mức 75% trong quý II và cao hơn nhiều so với mức bình quân 67% của cả năm 2019.

 

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh gặp nhiều khó khăn về thị trường và cả cạnh tranh gọi vốn, nhiều trái phiếu doanh nghiệp quy định lãi suất thả nổi các kỳ sau không thấp hơn lãi suất kỳ đầu tiên. Doanh nghiệp cân bằng lại mức độ hấp dẫn trái phiếu bằng cách điều chỉnh kỳ trả lãi và tính lãi suất ngắn lại.

Thống kê cho thấy tỉ trọng số trái phiếu có kỳ trả lãi hàng quý tăng từ mức 35,4% trong quý I lên 57,2% trong quý II, trong khi trái phiếu trả lãi hằng năm và 6 tháng đều giảm đáng kể. Vì vậy, điều này vẫn tạo áp lực lên dòng tiền của chính doanh nghiệp trong tương lai.

Trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tiếp tục tăng tốc, đặc biệt là trước thời điểm đầu tháng 9 khi các quy định về chuẩn mực phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới có hiệu lực. SSI nhận định, sắp tới dòng vốn chảy vào doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ trở về kênh truyền thống là tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, trái phiếu doanh nghiệp thay vì phát hành riêng lẻ thì phải chọn cách phát hành ra công chúng.

Phương Anh