Hành trình thu mua gỗ quý “dễ như đi chợ” tại Văn Yên – Yên Bái: Con đường “độc đạo” vào rừng

00:00 12/10/2020

( Kỳ 1) Vừa qua, hàng loạt các vụ chặt phá rừng quy mô lớn lại bị phát hiện tại khu vực Văn Yên – Yên Bái. Năm 2010, việc chặt phá rừng “công khai” ở đây bị phanh phui, những tưởng từ đó đến nay, những lời hứa “có cánh” của lãnh đạo địa phương sẽ khiến vấn nạn này sẽ thuyên giảm, thế nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. “Lá phổi xanh thứ 2” của Tây Bắc đang tiếp tục bị bào mòn , cạn kiệt…

“Thủ phủ” gỗ lậu 1 thời Là một trong những địa phuơng có diện tích rừng rất lớn, trên 93.000ha và có nhiều loại gỗ quý hiếm , đã có thời gian, huyện Văn Yên từng là "điểm nóng" trong chặt phá, khai thác rừng, nhất là rừng tự nhiên. Nhiều diện rừng bị khai thác kiệt quệ, những cây gỗ quý hiếm bị đốn hạ, khai thác không thương tiếc…Tình hình một vài năm gần đây có vẻ như “lắng dịu” hơn khi nguồn lợi đã gần cạn kiệt, tuy nhiên, ở đây vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn… Trong vai những người đi thu mua gỗ lớn, chúng tôi đã có mặt tại Yên Bái vào những ngày giữa tháng 8, sau khi tại địa phương này vừa xảy ra vụ đại án nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ trên đất nước ta. Những bí mật xung quanh vụ án này vẫn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ. Tại Yên Bái, chúng tôi đã mất 2 ngày không thể triển khai công việc được vì trời mưa tầm tã,  người dân ở đây khi nhắc đến những cơn mưa này họ thường nói “Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái” để chỉ sự khắc nghiệt của thời tiết, trời mưa làm những con đường đến rừng trở nên lầy lội, trơn trượt, 2 lần quyết tâm nhưng chúng tôi cũng chỉ vào đến trung tâm xã rồi lại ngậm ngùi đi ra, bởi đến những chiếc xe “Win chiến” của người bản địa còn rất khó khăn mới ra được huống chi là ô tô. Địa điểm chúng tôi chọn là xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, địa phương trước đây được coi là “điểm nóng” của nạn khai thác gỗ lậu. Đây chính là điểm bắt đầu của dãy núi Con Voi, nơi có trữ lượng gỗ quý lớn  khoảng 3000Ha , trải dài từ khe An Bình ( xã Lâm Giang ) đến xã Lang Thíp. Dãy Con Voi là hệ thống núi cổ nằm phía hữu ngạn sông Chảy  với những núi thấp đỉnh tròn, sườn thoải trên độ cao 400 - 700m, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là đường phân thủy của sông Hồng và sông Chảy. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ tập trung tại đầu nguồn và trên vành cao dãy núi Con Voi, có nhiều lâm sản quý hiếm. Điểm cao nhất của dãy núi thuộc xã Long Khánh, ở độ cao 1.120m. Phía bên kia dãy núi là huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Lục Yên (Yên Bái). Theo cách tính của người dân bản địa thì diện tích rừng trải dài từ bờ sông Chảy đến tận bờ sông Hồng. Chính vì nhiều thuận lợi cả về đường xá, sông ngòi, nên nơi đây từng trở thành “thủ phủ” của những kẻ buôn bán gỗ lậu.

co-go

 

Cò gỗ đang “chém”  Theo số liệu năm 2010, Xã Lang Thíp có diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn, với trên 5.889 ha. Tuy vậy, do hậu quả của việc phá rừng, xâm canh đất rừng làm nương rẫy trong thời gian dài nên diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên của xã chỉ còn 505,5 ha, tập trung ở núi Thíp, núi Bùn và trên 1.234 ha rừng trồng. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định sẽ chọn Lang Thíp là nơi bắt đầu cho chuyến hành trình đi sâu vào rừng của mình. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, chỉ đợi tạnh mưa là “lên đường”. Con đường vào rừng “trông gai” Sau 2 ngày chờ đợi, cuối cùng thì thời tiết cũng khá hơn, cái nắng sau cơn mưa bỏng rát như muốn khoét sâu vào da thịt của các thành viên trong đoàn. Những cung đường khi bắt đầu hành trình khá vui vẻ vì tâm trạng ai cũng háo hức sau 2 ngày chờ đợi “mỏi mòn”. Qua khỏi Tp. Yên Bái, chúng tôi di chuyển về hướng Lào Cai theo con đường mòn dọc tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội. Câu chuyện trên xe vẫn rôm rả, sự hưng phấn vẫn hiển hiện trên khuôn mặt từng người… che-chan-cho-go-lau

căng lều che gỗ quý

Sau 2 tiếng đi xe, chúng tôi đã đến được ngã 3 đường rẽ vào xã Lang Thíp, mặt đường trơ đá, gập ghềnh lồi lõm đầy ổ trâu, ổ gà như báo hiệu 1 hành trình đầy gian nan trước mắt. Khi nhìn thấy con đường này, một người trong nhóm đã phải thốt lên : “Có nhầm đường không nhỉ ?”. Sau khi hỏi thăm một vài người dân bản địa cho chắc chắn, chiếc xe ô tô của nhóm PV lầm lũi tiến vào địa phận xã Lang Thíp, lúc này cũng là gần 10 giờ trưa… Tốc độ đi của chúng tôi khá chậm ,đường rất xấu, chưa đầy 3km nhưng chúng tôi đã phải xuống đẩy xe 2 lần vì lớp bùn đặc quánh ngập qua bắp chân khiến xe không thể di chuyển. Ngoài trời nhiệt độ ngày càng tăng, trời nắng trong xanh không một gợn mây, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, quần áo chân tay dính bùn đất lấm lem hết cả. Có những đoạn, bùn bắn lên tận nóc xe nên sau khi vuợt qua con đường, chiếc xe của chúng tôi như được phủ thêm 1 lớp “sơn đất” mà nếu để khô, có thể dùng tay bóc từng mảng được. Dọc đường đi, chúng tôi thấy một điều kỳ lạ là tại nơi đây, hầu như gia đình nào cũng “phủ bạt” trong sân nhà vài cây gỗ có kích thước khá lớn, thậm chí có những thớt gỗ đường kính lớn phải 2 người ôm không xuể. Nhưng nghịch lí ở chỗ, tuy chất đầy gỗ ở sân nhưng những căn nhà vẫn tuềnh toàng, đơn sơ, mà nếu theo lô – gích, chủ nhân của căn nhà này không thể là chủ nhân của số gỗ ở sân được… Theo tìm hiểu từ người dân địa phương, các cánh rừng ở khu vực này thường có các loại gỗ quý như sến, táu, phay, nghiến…và các loại gỗ tạp , chất lượng thấp hơn .Trước đây không khó để bắt gặp một cây gỗ quý nhưng tới thời điểm hiện tại, để có được một thớt gỗ đẹp, phải “cơm nắm muối vừng” đi sâu vào rừng đến 2 -3 hôm thì mới tìm thấy. Bên cạnh nạn lâm tặc xuất hiện chừng vài năm trở lại đây, rừng Con Voi cũng phải chịu sức ép từ nếp  sống du canh, du cư vẫn còn khá phổ biến của đồng bào địa phương. Người dân các xã quanh núi sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phần lớn trong số họ quanh năm chỉ biết đến trồng ngô và vào rừng chặt gỗ, bẫy thú. Nhưng cũng không ít hộ dân đã thay đổi nhận thức hơn, đã biết trồng cây lúa nước, họ tìm nơi nào có thể đưa nước từ khe suối vào là sẽ “vỡ ruộng” ở đó luôn. Nhưng do ở địa hình cao,  việc trồng lúa nước cho năng suất thấp nên việc trồng lúa nương và ngô được bà con nơi đây “ưu tiên” hơn. Khi chưa đến mùa gặt, họ không có công việc phụ nên thường vào rừng kiếm sản vật. Đôi khi họ mang theo cả chăn màn, ở hàng tuần mới xuống. Có những nhà làm giấy xin khai thác vườn rừng nhà mình, nhưng lại vác “đồ nghề” lên rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ mà săn gấu, lấy mật ong và chặt cây đem bán với giá rẻ mạt cho người buôn dưới xuôi lên. Có một thực tế  đáng buồn là bao nhiêu năm qua, người dân địa phương ồ ạt kéo nhau lên núi phá rừng, hy vọng rằng đây sẽ là nguồn thu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng trớ trêu thay, thế hệ này qua thế hệ khác, cuộc sống người dân dưới chân dãy núi Con Voi vẫn không thoát khỏi cái nghèo… Càng đi xa, những nóc nhà càng thưa thớt dần, bóng người cũng vắng hơn, sự xuất hiện của chiếc xe ô tô giữa con đường “độc đạo”khiến người dân ở đây chú ý, gần tới chân núi, qua địa phận các xã Lang Khay, Lang Thíp, Lâm Giang, chúng tôi hầu như không thấy bóng dáng các lực lượng chức năng mà chỉ bắt gặp những ánh mắt dò xét của vài “thanh niên” ngáp ngắn, ngáp dài, khuôn mặt bặm trợn luôn úp thụp sau những chiếc mũ cối… ( Còn tiếp ) PV