“Tôi tên là Thêm – Trần Văn Thêm, bởi tôi là con thêm mà”, cụ ông 80 tuổi mang bản án oan vắt qua hai thế kỷ giải thích về cái tên của mình khi tôi hỏi ông là con thứ mấy trong gia đình. Chào đời trong sự… thêm nếm, lại ở gia đình con đàn nên thân phận của cậu bé tên Thêm không có gì đặc biệt. Vậy nhưng số phận của ông thì ngược lại. Nó quá đặc biệt.

Nhận án tử hình ở hai cấp tòa, suốt 46 năm qua cái “danh” tử tù đeo vào cuộc sống của ông, bám dính vào gia đình, dòng họ của ông. Và vụ án về ông còn đặc biệt ở chỗ, hung thủ thực sự của vụ án đã bị điều tra, bắt giữ.

Mới đây, ngày 6-8, đại diện lãnh đạo TAND Tối cao đã đến thăm hỏi, động viên, hứa hẹn sẽ sớm làm rõ lý do khiến Trần Văn Thêm trở thành cụ ông nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông.

 
Sau khi ra tù đầu năn 1976, ông Thêm sống tại ngôi nhà tổ tiên để lại ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tôi mới gặp ông Thêm vào đầu tháng 8, song được tiếp xúc với một số người tham gia vào việc đi minh oan cho ông từ trước đó khá lâu. Đó là người của Công ty luật Hòa Lợi – nơi đồng hành miễn phí cho ông; là cán bộ TAND Tối cao, là những người cháu trong họ.

Qua câu chuyện với họ, tôi đã thấy ông Thêm là người đặc biệt không chỉ vì bản án tử hình mà ông “mang” hơn 40 năm qua mà còn bởi sự ly kỳ cũng như cái tình, cái lý mà những người dưng ông có duyên gặp trên hành trình đi đòi lại sự công bằng cho mình.

Cuộc sống mãi bình yên với anh nông dân Trần Văn Thêm, quê ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nếu như anh chỉ an phận với ruộng vườn, với đàn con nheo nhóc bữa đói, bữa no. Nhưng, vốn là người nhanh nhẹn, tháo vát, nên ngay từ năm 1970 Thêm đã biết đi buôn. Hết vụ mùa, anh lại cùng người em con cô, con cậu tên là Nguyễn Khắc Văn đi buôn. Mùa nào thức nấy, họ buôn nông sản bán kiếm lời.

“Vợ chồng tôi có 5 đứa con, nghèo đói lắm. Hồi đó đi lại khó khăn nhưng anh em tôi vẫn lên tận Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ) để buôn thuốc lào, quả trám”, ông Thêm tâm sự. Và cái vụ trám năm 1970 đánh dấu sự thay đổi số phận của ông.

 
Ông Trần Văn Thêm đã gần nửa thế kỷ phải chịu nỗi oan khiên thấu trời.

Nhắc lại mùa trám cách đây 46 năm, cụ ông nhỏ thó, da đen sắt với vầng trán cao, đôi tai to giọng trầm xuống. “Tháng 7-1970, hai anh em tôi đạp xe đạp có cọc thồ từ Bắc Ninh lên vùng Tam Dương (Vĩnh Phúc bây giờ) để mua quả trám. Bình thường, chúng tôi đến nhà một người đàn ông ở xã Đồng Tĩnh ngủ trọ. Nhưng lần này, do trong làng có chiếu bóng nên chủ nhà không cho ngủ. Tôi cũng định bụng vào nhà khác xin ngủ nhờ nhưng hai anh em bàn nhau, mình khỏe mạnh thế sợ gì nên cứ liều ra lều cắt tóc ngủ”, ông Thêm kể. Không ai có thể ngờ, người em thì mất mạng, người anh thì trở thành tội nhân.

“Nửa đêm, tôi dậy cuốn thuốc hút. Bỗng nhiên nghe tiếng sột soạt và bị ai đó đập mạnh vào đầu. Tôi vội la lên, “cướp”. Chú em cũng bật dậy nhưng cũng bị đập vào đầu. Trong tình thế đó, anh em chúng tôi đánh lại, còn tên cướp thì nhảy xuống sông. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kịp nhận ra kẻ đánh mình”, giọng ông Thêm trùng xuống.

Cũng theo ông Thêm, ngay sau đó sự việc được lập biên bản và hai anh em ký vào. Ông và người em được đưa lên Bệnh viện Tam Dương. Tại đây, ông Thêm được đưa lên cơ quan Công an, sau đó ông biết tin chú em chết qua người cấp dưỡng khi đang bị tạm giam.

 
Ông Thêm cùng hai người cháu họ và ông Nguyễn Văn Hoà, Công ty luật Hoà Lợi - những người đồng hành trong hành trình minh oan với ông.

Trong đơn yêu cầu kêu oan gửi Chủ tịch nước ngày 29-1-2015, ông Thêm nêu: "Năm 1973, Viện Kiểm sát nhân dân và TAND tỉnh Vĩnh Phú xử tôi tội tử hình. Tôi kêu oan, chống án, TAND Tối cao xét xử y án sơ thẩm. Tôi tiếp tục kêu oan nên chưa phải thi hành án. Gần 6 năm sau, tháng 1-1976, tôi được ra khỏi phòng biệt giam của Trại giam Phủ Đức. Sau đó tôi được đưa về Hà Nội. Rồi 2 ngày sau, tôi còn nhớ là ngày 29 Tết, tôi được cho về quê với tờ giấy “miễn lao động nặng”. Suốt 40 năm qua, tôi sống ở quê với nỗi oan sai khổ nhục, chịu tiếng xấu với gia tộc, với bà con làng xóm…".

Tại nhà ông Thêm ở thôn Lại Đức, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, trò chuyện với phóng viên, ông cho biết: “Ở quê có nhiều điều tiếng về tôi lắm. Người biết chuyện thì bảo tôi bị oan, nhưng người không hiểu thì vẫn nghĩ tôi là người xấu. Nhưng tôi vẫn khổ tâm nhất là bên nhà thím Văn (vợ ông Nguyễn Viết Văn). Thím ấy vẫn nghĩ tôi giết chồng mình, các cháu nhà thím ấy cũng nghĩ xấu cho tôi. Thím ấy mất 2-3 năm nay rồi…”.

Ông Trần Văn Năm, cháu gọi ông Thêm bằng chú và cả người cháu họ Trần Văn Được – những người đã cùng ông đi kêu oan suốt nhiều năm qua cũng cho biết: "Làng xóm người thông cảm thì không dị nghị, nhưng bên nhà ông Văn thì vẫn nghĩ xấu cho ông tôi. Chúng tôi cùng ông đi kêu oan, có người bên gia đình ông ấy còn bảo, nếu không đúng ông Thêm bị oan sai họ sẽ trách cứ chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong, ông tôi được minh oan, xóa hết nghi ngờ để gia đình hai bên được vui vầy".

“Khi ở tòa, tôi cũng nói với thím ấy, anh không làm hại chú Văn. Rồi anh sẽ được về. Thế nhưng thím ấy không tin. Kể cả khi tôi được về và cho đến bây giờ, gia đình bên ấy cũng chưa nghĩ đúng về tôi. Mà cũng phải thôi, đã có cơ quan nào công bố tôi bị oan đâu”, ông Thêm nói.

 
Suốt 46 năm qua cái “danh” tử tù đeo vào cuộc sống của ông Trần Văn Thêm...

Không phải vô cớ, tại các phiên tòa ở cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm, ông Thêm tự tin nói với người em dâu điều ấy. Và thực tế đã chứng minh bởi sau đó, Công an tỉnh Vĩnh Phú đã điều tra, bắt giữ hung thủ Phùng Thanh Nhàn, quê ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Chỉ có điều, hung thủ thực sự đã bị bắt giữ, xét xử nhưng 40 năm sau, nỗi hàm oan của ông Thêm vẫn chưa được hóa giải (?!)

80 tuổi, 6 người con (sau khi ra tù, vợ chồng ông Thêm sinh thêm người con út, đặt tên là Sáu), với hàng chục cháu, chắt nội ngoại, việc mong mỏi được minh bạch mọi việc của ông Thêm là hoàn toàn chính đáng. Hiện nay, sức khỏe của ông không tốt. Vết thương ở đỉnh đầu vẫn làm ông đau nhức, những năm bị giam giữ cộng với tuổi già khiến ông như ngọn đèn trước gió.

Việc ngày 6-8, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án TAND Tối cao cùng đại diện TAND tỉnh Bắc Ninh, TAND huyện Yên Phong đã đến nhà ông để thăm hỏi, động viên và hứa hẹn sớm làm rõ vụ việc này như một liều thuốc tiếp thêm tinh thần cho ông Thêm. Để có được thành quả bước đầu này, ngoài niềm tin vào công lý của ông Thêm, còn có những người bạn đồng hành. Mà khi nghe câu chuyện của họ, chúng tôi luôn thấy tình người thật ấm áp.

Cao Hồng/cand.com.vn