Hành động để cứu giống nòi

00:00 12/10/2020

Vụ việc hơn 600kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc “tuồn” vào bán tại chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vừa bị phát hiện một lần nữa khiến dư luận bất bình, nhất là khi thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc đang đầu độc giống nòi chẳng khác thảm họa hiện nay.

 
Đây không phải lần đầu, thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc được đưa về chợ Phùng Khoang mà gần nhất là tháng 12/2015, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an TP đã phát hiện 700kg thịt lợn đã bốc mùi ở phường Trung Văn, chuẩn bị đưa về chợ Phùng Khoang. Những vụ việc trên cho thấy, chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng, trong đó có đội ngũ cán bộ thú y đang buông lỏng trách nhiệm, và dư luận đặt câu hỏi liệu có sự bảo kê để tư thương trục lợi hay không? Theo quy định, sản phẩm động vật được đưa ra lưu thông trên thị trường bắt buộc phải lấy từ các cơ sở giết mổ đã được cấp phép hoạt động và được cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nơi nào cũng làm tốt quy định này. Biện minh cho việc thực phẩm không rõ nguồn gốc  vẫn bày bán ở chợ, ngành thú y cho rằng, do đặc thù thương lái thường đi lấy thịt và đưa về chợ tầm nửa đêm, sáng sớm nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn vì “thiếu nhân lực”. Tuy nhiên, lý do này bị phản bác bởi Hà Nội đã triển khai từ rất sớm đề án bố trí cán bộ thú y về tận tuyến xã, phường. Chỉ tính riêng ngành thú y Hà Nội đến nay đã có trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (tính cả nhân viên thú y cấp xã) và 2.640 thú y viên thôn bản. Ngay như Trạm Thú y quận Nam Từ Liêm, địa bàn có chợ Phùng Khoang cũng có gần 20 cán bộ, nhân viên. Rõ ràng, quân số này không thể nói là thiếu để thực thi nhiệm vụ.
thuc-pham-ban- Trở lại câu chuyện về thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại chợ Phùng Khoang, Ban quản lý chợ cho là trách nhiệm thuộc cán bộ thú y vì đã thiếu sót trong khâu kiểm dịch thú y. Trong khi đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Chi cục Thú y Hà Nội lại nêu quan điểm, Ban quản lý chợ chưa làm tròn trách nhiệm! Ví như nhiều quầy hàng không đủ điều kiện kinh doanh cũng như không bảo đảm ATTP vẫn hoạt động bình thường tại chợ. Như vậy có thể thấy, thực phẩm độc hại, thực phẩm không rõ nguồn gốc đang hàng ngày len lỏi vào các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tới mâm cơm của các gia đình, bếp ăn tập thể..., phần lớn là do sự thiếu trách nhiệm trong khâu quản lý. Nhiều bộ, ngành cùng chung tay "lo một mâm cơm" nhưng lại làm không đến nơi đến chốn, để rồi “quả bóng” trách nhiệm vẫn bị đẩy qua đẩy lại. Có lẽ trong khi chờ các hình phạt nghiêm khắc đối với vi phạm ATTP được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) thì ngay bây giờ chính quyền các cấp và các lực lượng chuyên ngành phải hành động ngay với sự quyết liệt để chặn đứng những hành vi vô nhân tính của những cá nhân, tổ chức đang kinh doanh thực phẩm độc hại, và quan trọng hơn là hành động để cứu giống nòi. Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm, bảo kê tiếp tay cho tư thương vì lợi ích cá nhân.
(theo ktdt.vn)