Hàng trăm lao động điêu đứng vì chủ rời khỏi Việt Nam

00:00 12/10/2020

Chiều 4.6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp với một số đơn vị để giải quyết những vấn đề liên quan đến Công ty CP đường Bình Định (BISUCO - ở H.Tây Sơn, Bình Định).

Tháng 7.2018, lãnh đạo BISUCO thông báo cho người lao động (LĐ) tạm nghỉ nhưng đến nay vẫn không giải quyết bất kỳ khoản chế độ nào. Hiện BISUCO đang nợ 327 người LĐ tại công ty hơn 19 tỉ đồng, gồm: tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội (BHXH)... và nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Bình Định hơn 24,8 tỉ đồng. Chủ của BISUCO là người Ấn Độ đã rời khỏi VN khiến nỗ lực giải quyết chế độ cho người LĐ từ các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Bình Định bị “đóng băng”.

Nhà máy đường Bình Định đang đóng cửa, dừng hoạt động

Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở BISUCO, cho biết nhiều LĐ tại công ty đang gặp khó khăn nên rất bức xúc. Vì vậy, Công đoàn cơ sở BISUCO và người LĐ đã gửi đơn kiện chủ công ty đến TAND H.Tây Sơn để đòi quyền lợi.

Trong khi đó, ngày 30.1.2018, TAND H.Bến Lức (Long An) tuyên buộc BISUCO phải trả cho Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Vietnam (SCB Việt Nam) 131,4 tỉ đồng tiền nợ. Để thực thi bản án này, ngày 13.11.2018, Chi cục Thi hành án dân sự H.Tây Sơn đã có quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp đối với tất cả công trình xây dựng trên đất được ghi trong hợp đồng thế chấp tài sản và quyền tài sản được lập giữa công ty với SCB Việt Nam.

Theo Chi cục Thi hành án H.Tây Sơn, người đứng tên đại diện pháp luật của BISUCO là ông Arunachalam Nandaa Kumar. Tuy nhiên, hiện việc thi hành bản án của TAND H.Bến Lức phải tạm dừng do vấp vụ kiện đòi nợ, sau đó chuyển thành yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của người LĐ tại BISUCO.

Tại cuộc họp, ông Trần Châu cho rằng trước khi các ông chủ người Ấn Độ rời đi, BISUCO làm ăn có hiệu quả, không lỗ nhưng tiền chuyển về tài khoản ở nơi khác. Ông Châu yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh và H.Tây Sơn ưu tiên giải quyết đời sống của người LĐ tại BISUCO. Trong đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định phải phối hợp với các đơn vị khác xem xét, tạo điều kiện để chi trả BHXH, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người LĐ. Ông Châu cũng giao Sở Công thương nắm lại tổng số nợ hiện có của BISUCO để báo cáo lên lãnh đạo tỉnh Bình Định, đồng thời Chi cục Thi hành án dân sự H.Tây Sơn phải có biện pháp để bảo vệ tài sản hiện có tại công ty này.

“TAND H.Tây Sơn đã thụ lý đơn khởi kiện đòi quyền lợi của người LĐ nhưng do các ông chủ người Ấn Độ của BISUCO không có mặt tại VN nên việc xét xử gặp nhiều khó khăn. Tại cuộc họp chiều 4.6, chúng tôi đã hỏi được địa chỉ của họ ở Ấn Độ rồi. Sắp tới, TAND H.Tây Sơn gửi công văn qua bên đó, nếu gửi 2 lần mà họ vẫn không đến giải quyết thì sẽ tiến hành xét xử vắng mặt, sau đó sẽ có những biện pháp pháp lý tiếp theo để đòi quyền lợi cho người LĐ”, ông Trần Châu nói.

Kiến nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Ngày 4.6, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người LĐ tại doanh nghiệp (DN) phá sản, chủ bỏ trốn, do Tổng liên đoàn Lao động VN (TLĐLĐVN) tổ chức, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ LĐ (TLĐLĐVN), cho biết tình trạng DN phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh ngày càng tăng. Theo số liệu của BHXH VN, tính đến tháng 9.2018, số DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn là 2.270. Số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỉ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người LĐ. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là các DN khó khăn về kinh tế hoặc lựa chọn ngành nghề đầu tư không phù hợp, dẫn đến trốn tránh nghĩa vụ về thuế. Thậm chí, có những DN FDI kinh doanh không lành mạnh, lợi dụng kẽ hở của pháp luật VN cũng như chính sách "trải thảm đỏ" trong thu hút đầu tư để tận dụng ưu đãi, chiếm đoạt tiền lương, các khoản trợ cấp của người LĐ rồi bỏ trốn.

Nhận định tình trạng này còn phức tạp hơn trong thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi của người LĐ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch TLĐLĐVN, kiến nghị: “Cần phải sửa đổi luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong thời gian tới, quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ DN bỏ trốn. Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ DN bỏ trốn”.

Ông Hiểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT và UBND các tỉnh khi thu hút đầu tư cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản trị DN, đặc biệt là những DN có ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội.

T.Hằng

Tags: