Hàng nghìn doanh nghiệp hiến kế phát triển bứt phá kinh tế tư nhân

00:00 12/10/2020

Với vai trò là "rường cột" của kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện phát triển để đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030.

Với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày 2- 3/5 tại Hà Nội.


Khu vực kinh tế tư nhân trong nước hiện đóng góp tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế.

Theo đó, Diễn đàn gồm 1 Phiên toàn thể và 7 Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề, hoạt động triển lãm và kết nối doanh nghiệp. Đặc biệt, Diễn đàn có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên toàn thể.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp lớn tiêu biểu như Vietjet Air, VinFast, Tập đoàn TH... cùng 2.500 doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, khu vực tư nhân đã phát triển mạnh mẽ những năm qua với hơn 700.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận. Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng.

Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức. Các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua.

Trong số 700 ngàn doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Quy mô nhỏ, không có được lợi thế về quy mô, nên chúng ta chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và quy định đặc thù. Đây là một cơ cấu kinh tế có vấn đề nghiêm trọng”, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Từ thực tiễn - hiệu quả hoạt động - đóng góp của khối kinh tế tư nhân cho nền kinh tế, cho đến triển vọng phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã và đang định hướng chỉ đạo, đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm nội địa. Con số mục tiêu tăng gấp rưỡi vào năm 2025 với 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân và tăng tỷ lệ đóng góp lên 55% GDP.

Năm 2030, mục tiêu tối thiểu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và tổng sản phẩm nội địa khối này đóng góp ước đạt từ 60-65%. Đây được nhận định là mục tiêu khả quan nếu như những bất cập trên sớm được quan tâm giải quyết – trở thành động lực thúc đẩy “vai trò không thể thay thế” của kinh tế tư nhân.

Nói như Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: “Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”.

Do đó, tại Diễn đàn, khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội kiến nghị, đối thoại trực tiếp với người làm chính sách để đề xuất sáng kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy sự đóng góp của khu vực này. Tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm gồm Du lịch, Nông nghiệp, Kinh tế số, Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế. Các sáng kiến được thảo luận và tổng hợp từ 6 phiên hội thảo chuyên đề diễn ra sáng cùng ngày, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019.

Trên cơ sở ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ khu vực tư nhân, Đại diện Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương sẽ cùng thảo luận, phản hồi về từng hiến kế.

Hàng loạt những khó khăn, vướng mắc trên từng lĩnh vực kinh tế sẽ được mổ xẻ, nhằm đưa ra hướng giải quyết cho từng vấn đề nóng, như xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch, chuẩn hóa chuỗi nông, lâm, thủy sản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hay cân bằng giữa định chế ngân hàng và phi ngân hàng.

Các hiệp hội và doanh nghiệp tư nhân thuộc các ngành tiêu biểu như Dệt may, Logistic, Hàng không... sẽ nêu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, cùng tìm lời giải để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Phiên thảo luận còn ghi nhận đóng góp từ nhiều tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài và đại diện từ địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng.

Phiên đối thoại cấp cao cuối cùng sẽ đề cập tới những vấn đề lớn, then chốt đối với việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là luật liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

6 hội thảo chuyên đề của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Tăng cường thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam;  Phát triển kinh tế sốTận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP; Khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế; Tạo lập và phát triển các chuỗi nông - lâm - thuỷ sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm; Các mô hình kinh doanh mới.