'Hái tỷ đô' ở thị trường khó tính, rau quả sẽ hết phụ thuộc Trung Quốc?

00:00 12/10/2020

Nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng sang các thị trường khó tính. Ngành hàng này kỳ vọng sẽ giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong tương lai gần.

Tăng tốc vào Mỹ, Nhật...

Sau trái vải thiều tươi 'lấy lòng' được người Nhật và Singapore, quả sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng đã rất thành công tại thị trường Úc. Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, 7 tấn sầu riêng vừa xuất sang thị trường này đã tiêu thụ hết và chuẩn bị nhập thêm lô hàng mới.

XK-trai-cay-sang-thi-truong-kh-8479-2820

Xuất khẩu trái cây tăng mạnh sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc (Ảnh: TL) 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, trị giá XK hàng rau quả đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi XK sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh (đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3%), XK sang các thị trường khác lại tăng mạnh.

Cụ thể, XK hàng rau quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%...

Tỷ trọng XK sang các thị trường này chiếm 40,6% tổng trị giá XK hàng rau quả, vẫn thấp hơn tỷ trọng XK sang thị trường Trung Quốc, nên mức tăng mạnh từ các thị trường này vẫn chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan khi thị trường XK truyền thống đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu.

Phân tích về một số thị trường tiềm năng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, Thái Lan là thị trường XK hàng rau quả lớn nhưng cũng được xem như là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó Việt Nam là thị trường rau quả mà Thái Lan đang rất quan tâm.

Việc quả vải thiều "bán hàng đắt như tôm tươi" tại thị trường Nhật Bản và Singapore không chỉ mở ra cơ hội cho quả vải thiều mà còn với nhiều loại trái cây tươi khác.

Hay EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà XK từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA được xem là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất để đưa rau quả Việt vào EU.

Trong khi đó, dịch COVID-19 làm gián đoạn việc XK nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên, nhập khẩu chủng loại quả xoài, ổi và măng cụt của Mỹ từ Việt Nam vẫn tăng rất mạnh, cho thấy chủng loại quả này đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng.

5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp chủng loại quả xoài, ổi, măng cụt lớn thứ 12 cho thị trường Mỹ, đạt 302 tấn, trị giá 850 nghìn USD, tăng tới 177,9% về lượng và tăng 176,1% về trị giá.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh XK chủng loại quả này vào Mỹ trong thời gian tới, do tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp. Thị phần mặt hàng xoài, ổi, măng cụt của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 0,1% trong 5 tháng đầu năm 2020.

Thay đổi thói quen sản xuất

TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhìn nhận: "Việt Nam đang sản xuất rất nhiều chủng loại rau quả khác nhau. Trung Quốc trước là thị trường dễ tính nên Việt Nam có thể XK tiểu ngạch, nhưng bây giờ mọi việc đã thay đổi, yêu cầu phải XK chính ngạch, thời gian tới sẽ có khó khăn hơn cho Việt Nam. Vì vậy, bà con nông dân cần đẩy mạnh sản xuất rau quả đạt những yêu cầu nhất định, như VietGAP, GlobalGAP để có thể XK đến các thị trường khó tính".

Ngoài các yêu cầu này, các nhà sản xuất phải chú trọng việc đóng gói, đa dạng sản phẩm... Hơn nữa, Việt Nam có nhiều loại cây ăn quả tốt nhưng phải xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới, mà điều này mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.

"Ví dụ, một loại quả thanh long hay xoài muốn xuất đi Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật và doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu trong 10 - 15 năm", ông Hòa cho biết.

Đồng thời, trước những khó khăn nhất định của ngành rau quả, mỗi hộ nông dân sản xuất nhỏ phải liên kết lại với nhau để cùng tuân theo một quy trình. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới đạt số lượng lớn và đồng nhất về chất lượng.

Theo ông Hòa, việc lập HTX sẽ giúp bà con nông dân định hình được sản xuất, đặc biệt giám đốc HTX sẽ là người phụ trách công việc bán hàng, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để XK. Khi đó, người nông dân sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng, sản xuất ra rau quả mà thị trường cần. Điều này rất quan trọng.

Về vấn đề nâng cao giá trị cho mặt hàng rau quả Việt Nam, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Bắc Kỳ cho biết, ông có cơ hội sang Quảng Châu (Trung Quốc) đi thăm chợ rau củ quả lớn nhất là Giang Nam. Mỗi ngày, Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 container thanh long, Thái Lan cũng xuất khẩu hàng trăm tấn sầu riêng sang khu chợ này.

Tuy nhiên, từ quan sát cá nhân, ông Nam cho biết, hàng hóa của Thái Lan được ghi tên của nước họ, trong khi hàng của Việt Nam đều do thương lái Trung Quốc đem sang, hộp đựng trái cây đa phần là tiếng Trung, chỉ số ít là tiếng Việt.

Điều này cho thấy giá trị mà rau quả Việt thu về rất thấp. Không chỉ thị trường Trung Quốc, với các thị trường khó tính, rau quả Việt cần phải xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, chú trọng phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị hơn. 

Ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật

Sau trái vải vào được Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đang xúc tiến mở cửa thêm nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính khác. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là các vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn, nhất là các hoạt chất cấm lưu hành. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành rà soát nghiên cứu nhằm tiến tới cắt giảm hơn nữa một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao để thay thế bằng thuốc sinh học. 

Ông Nishitohege Yasuo Tổng giám đốc Aeon Việt Nam

Các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam đang rộng cửa xuất sang Nhật. Vấn đề cốt lõi là sản phẩm Việt muốn tiêu thụ tốt tại Nhật cũng như các thị trường khác thì phải cạnh tranh được về giá cả, chất lượng, mẫu mã. 

Ông Nguyễn Đình Tùng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T

Rau quả Việt vào được thị trường khó tính nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Làm thế nào để chúng ta nâng cao thị phần ở đây mới là điều quan trọng và phải làm cố gắng để làm. Lượng trái cây Việt Nam XK sang Mỹ hiện chưa cao, chỉ chiếm 2 - 3% thị phần, dao động khoảng 10.000 tấn mỗi năm. Muốn nâng cao thị phần, rau quả phải đạt chất lượng mà họ yêu cầu, cũng như trong quá trình XK tuyệt đối không được để tồn dư chất bảo quản.

Lê Thúy