Hà Tĩnh: Vì đâu chợ Kỳ Anh xây trăm tỷ “vắng như chùa Bà Đanh”?

00:00 12/10/2020

Chợ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) do Cty xuất nhập khẩu Châu Tuấn xây dựng hết hơn 160 tỉ đồng, khánh thành vào cuối tháng 10.2015 nhưng hiện ế ẩm, khách “vắng như chùa Bà Đanh”. Nhiều tiểu thương khẳng định, đây là một kết cục đã được báo trước.

cho-ky-anh

Toàn bộ đình chính tầng 2 rộng 3.660m2 với hàng trăm kiốt bỏ trống

Chợ trăm tỷ vắng tanh
Như Lao Động online ngày 15.5 đã phản ánh, chợ Kỳ Anh (trung tâm TX.Kỳ Anh – Hà Tĩnh) dù được đầu tư rất nhiều tiền, xây dựng hoành tráng nhưng vắng khách đến não nề. Nhiều dãy kiốt nhưng khách rất thưa thớt, người mua ít hơn người bán. Một tiểu thương bán hàng tạp hóa than thở: “Em thuê kiốt này (khoảng trên dưới chục m2) giá hơn 300 triệu, được sử dụng trong 10 năm. Nhưng khách ế lắm, em cố cầm cự mà xem ra ngày càng đuối”.
Chợ Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. 
Dãy hàng thịt chỉ có một số người thuê kiốt, còn rất nhiều vị trí bỏ trống, cả dãy hàng mênh mông vắng lặng. Chị Lý, người bán thịt lợn bức xúc: “Tôi thuê vị trí này một miếng như chiếc chiếu nhỏ, giá trăm triệu, nay có ai trả 20 triệu là tôi bán ngay”.
Toàn bộ tầng 2 của chợ chưa có gian hàng nào, nhiều kiốt ở các vị trí khác nhau của chợ đóng cửa, phía ngoài dán dòng chữ “bán kiốt” kèm theo số điện thoại.
Chợ mới Kỳ Anh buôn bán ế ẩm.
Bà Bạch Thị Hường - Giám đốc Cty Châu Tuấn, chủ đầu tư chợ Kỳ Anh - cho biết, khi xây chợ, tính đến sự phát triển tương lai nên hiện nay mới có khoảng 550 kiốt cho thuê (tổng số khoảng hơn 1.200 ki ốt), hiện Cty vẫn lỗ. Về tình trạng ế ẩm như tiểu thương phản ánh, bà Hường cho rằng, chợ Kỳ Anh vẫn hoạt động bình thường, do sức mua của người dân yếu, và đây là tình trạng chung của nhiều chợ khác. Bà Hường từ chối cung cấp số tiền cho thuê kiốt thu được đến thời điểm hiện tại.
Được biết, chợ Kỳ Anh do Cy Châu Tuấn xây dựng gồm 1.200 kiốt. Đình chính 2 tầng, diện tích mỗi sàn 3.660m2, có 403 kiốt; 4 đình phụ rộng hơn 3.600m2, bố trí 672 kiốt; 4 dãy kiốt có diện tích hơn 18.000 m2, bố trí 134 kiốt. Chợ có kho đông lạnh rộng 204,75 m2, khu vực chợ trời 1.000 m2.
Kết cục tất yếu
Không chỉ chợ Kỳ Anh, mà nhiều chợ hiện đại, sau khi xây với mục đích dẹp chợ cũ xuống cấp, thì trở nên “vô duyên” ít khách, kinh doanh thua lỗ. Chợ Hội (Cẩm Xuyên) cùng có "số phận" tương tự. Nhà đầu tư bỏ số tiền lớn xây chợ, nhưng số tiểu thương vào thuê kiốt ít, chợ vắng, thua lỗ trầm trọng.
Nguyên nhân, do hiện nay các kiốt, điểm kinh doanh mở tự do khắp nơi, hàng hóa tràn ngập các tuyến phố, với chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh, phục vụ, bảo hành chu đáo. Trong khi đó, hàng hóa tại chợ thường có độ tin cậy thấp hơn, thái độ phục vụ, bảo hành…đều thua kém so với các hộ kinh doanh tại các tuyến phố.
Theo chân một người dân TX.Kỳ Anh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cửa hàng, kiốt bán tạp hóa chất đầy hàng hóa dọc quốc lộ 1A và đường liên gia tổ dân phố Châu Phố, phường Sông Trí, người mua bán khá nhộn nhịp. Người mua hàng tại các kiốt này rất thuận tiện vì gần nhà, và không mất chi phí, thời gian gửi xe như tại chợ mới của thị xã.
Một số kiốt chuyên kinh doanh một số mặt hàng như văn phòng phẩm, đồ nội thất, quần áo, sắt thép...với số lượng lớn, chất lượng bảo đảm và giá cả phải chăng do nhập trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn. Đây là mô hình kinh doanh ngày càng khẳng định sức hấp dẫn, mà các kiốt tại chợ truyền thống ngày càng lép vế.
Một số kiốt đã phát triển với quy mô lớn, tương tự siêu thị, khiến cho chợ truyền thống ngày càng kém hấp dẫn.
"Phố buôn bán" gần chợ cũ lại rất sầm uất .
Một lực lượng kinh doanh khác khá đông đảo là các "kiốt di động", các loại hàng hóa như tạp hóa, rau quả, thực phẩm...được bán rong, chở đến tận cửa ngõ các gia đình. Hoặc nếu có mối quen, chủ nhà chỉ cần gọi điện sẽ có người đưa hàng đến tận nơi.
Mặt khác, chợ mới được giao cho một doanh nghiệp đứng ra đầu tư, không có sự tham khảo ý kiến bà con tiểu thương. Tiểu thương cũng không được tham gia đầu tư, sau đó, chủ doanh nghiệp thường cho thuê kiốt với giá cao, nhiều tiểu thương gặp khó khăn.
Tại Kỳ Anh, nhiều tiểu thương đã phản đối việc di dời chợ rất quyết liệt, nhưng không thành công. Để phản đối, nhiều người sau đó không thuê ki ốt của doanh nghiệp Châu Tuấn, mà về tự mở kiốt tại nhà, hoặc thuê đất mở kiốt dọc các tuyến đường của TX.Kỳ Anh, gần vị trí chợ cũ.
Nhiều tiểu thương bức xúc cho rằng việc giao cho doanh nghiệp Châu Tuấn xây dựng chợ Kỳ Anh là có biểu hiện của “lợi ích nhóm”, o ép người dân từ bỏ chợ cũ.
Tuy nhiên, đông đảo tiểu thương không đồng tình và việc đặt vị trí chợ mới không phù hợp, nên chợ mới rơi vào tình cảnh "vắng như chùa Bà Đanh” và chủ doanh nghiệp cho biết đang thua lỗ.
Tại TX.Hồng Lĩnh, một “mô hình” tương tự đang được thực hiện, với việc chính quyền giao cho doanh nghiệp tư nhân Như Nam xây dựng chợ thị xã mới, tiểu thương không được tham gia bàn bạc, đầu tư.
Kịch bản cũ sẽ lặp lại, khi chợ mới hoàn thành, dân sẽ bị “cưỡng chế” để phá dỡ chợ cũ “xuống cấp”, chuyển sang chợ mới “hiện đại”.
Nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ TX.Hồng Lĩnh cho biết, nếu chính quyền giải thể chợ cũ, họ sẽ không mua kiốt của Cty Như Nam mà sẽ tự mở kiốt để kinh doanh.
Mặt khác, TX. Hồng Lĩnh dân cư ít (khoảng 4 vạn người), sức mua kém. Hiện nay các kiốt chuyên kinh doanh các mặt hàng đã mọc lên ở khắp các tuyến đường, cho nên, dù chợ mới được xây dựng, các ki ốt ở trong chợ sẽ có lợi thế cạnh tranh rất kém so với các ki ốt đã có hiện nay.
Tại Nghệ An, chợ lớn đầu mối nhất vùng là chợ Vinh "một thời vang bóng" nay cũng ngày càng hiu hắt, vì không cạnh tranh nổi với các kiốt, siêu thị với phương thức kinh doanh hiện đại.
 QUANG ĐẠI/laodong.com.vn