Hà Nội: Khẩn trương lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị

00:00 12/10/2020

Sáng nay (24/6), Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo đảm trật tự văn minh đô thị, một số nhiệm vụ trọng tâm của Quý III/2016. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng.
“Không thể lấy người dân làm con tin” Tính đến cuối tháng 6/2016, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa. Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến, tham luận tại Hội nghị tập trung phản ánh, đóng góp và đề xuất những vấn đề còn khó khăn, tồn đọng hiện là rào cản trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hiện nay. Đó là tình trạng hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch hiện nay. Đối với vấn đề người dân đang quan tâm hiện nay là cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà cho các căn hộ ở các khu chung cư, tòa nhà tái định cư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải khẩn trương cấp chứng nhận cho người dân, kể cả các tòa nhà mà chủ đầu tư đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế. “Chúng ta không thể lấy người dân làm con tin để gây sức ép với các chủ tòa nhà nợ tiền sử dụng đất, người dân chỉ mua nhà ở, có hợp đồng, nộp tiền đầy đủ thì phải cấp giấy chứng nhận đầy đủ cho họ. Còn các chủ tòa nhà nợ tiền sử dụng đất thì giao Cục thuế mời lên xử lý, nếu quá hạn vẫn chây ì, chưa chịu nộp tiền sử dụng đất thì xử phạt hành chính. Nếu đã xử phạt hành chính vẫn không chấp hành thì chuyển sang các cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Cần chế tài mạnh hơn Về nội dung bảo đảm trật tự và văn minh đô thị thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Thành ủy, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, tình hình có chuyển biến, nhưng không bền vững, phần do ý thức người dân, phần do sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng. “Đây là việc khó, nếu không cẩn thận sẽ như ném đá ao bèo. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và xử lý nghiêm vi phạm”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi nói. Đồng tình với đề xuất này, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết cho rằng, TP phải có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý. Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp mạnh hơn cho địa phương để làm tốt hơn công tác quản lý, cũng như thu hút đầu tư; thống nhất đầu mối quản lý lực lượng Thanh tra Xây dựng. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tinh thần sẽ tăng cường phân cấp, tuy nhiên chỉ giao những việc quận, huyện có đủ năng lực để làm và nếu làm không tốt, TP sẽ thu hồi lại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, TP Hà Nội thực hiện triệt để việc tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc cho từng trường hợp, loại vụ việc cụ thể; đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với từng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, mỗi cấp, mỗi ngành. “Vừa qua, TP Hà Nội tổ chức cho các cán bộ xã, phường đi học tin học, nhưng tình trạng bỏ học quá nhiều. Nếu học viên nào không đủ điều kiện thi, hoặc thi không đỗ, sẽ bị loại khỏi diện thi công chức, viên chức. TP đã bỏ tiền cho đi học, phải học nghiêm túc”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói. Cụ thể giải pháp, quyết liệt thực thi Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Thành ủy, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, tự nguyện, tự giác của người dân, tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội. Đồng thời, phải có kế hoạch và có giải pháp thực thi, kiểm tra để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Về tổng thể, phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện, hoàn chỉnh quy hoạch, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho cơ sở; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; kiên quyết không để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là ở các tuyến phố mới; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)… Nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng, việc tập kết vật liệu, đổ phế liệu, phế thải không đúng quy định; các điểm trông xe thu phí không đúng quy định,... Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở, các cấp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, các ngành phải xác định đây là thủ tục hành chính quan trọng, làm cơ sở để thống nhất quản lý đất đai, nhà ở và tài sản gắn với đất ở theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế và là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về đất đai, nhà ở. Vì vậy, cần tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về các chính sách, pháp luật của nhà nước về đất đai, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Chính quyền các cấp rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết gắn với chỉ tiêu số Giấy chứng nhận phải hoàn thành theo từng tháng, giao cụ thể cho từng địa bàn, từng đơn vị. "Kết quả công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.
Quốc Toản/kintedothi/vn