Hà Nội cán đích số doanh nghiệp thành lập: Giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Ước tính năm 2018, TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận cho 25.742 DN thành lập mới, nâng tổng số DN trên địa bàn Hà Nội lên 255.280 DN.

Doanh nghiệp tham khảo thủ tục hồ sơ tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Tăng cả số lượng lẫn chất lượng

Tính đến 31/10, TP Hà Nội có 21.452 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 233.416 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng DN và tăng 42% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Số lượng DN tăng cùng với đó có sự gia tăng về số vốn đăng ký cho thấy có sự thay đổi về chất. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2018 đạt 10,88 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, ước tính năm 2018, TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận cho 25.742 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 280.100 tỷ đồng (tăng 5% về số lượng và tăng 31% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Từ đó, nâng tổng số DN trên địa bàn Hà Nội lên 255.280 DN. TP Hà Nội có chủ trương khuyến khích thành lập DN, phát triển kinh tế tư nhân được quan tâm chỉ đạo toàn diện. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ DN. Đặc biệt duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng cũng như đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày. Quyết liệt thực hiện chủ trương này, Hà Nội hiện đang là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN được thực hiện qua mạng (100%). Chủ động đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến quá trình khởi sự DN, nhằm giảm bớt số lần đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN khi thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN. Nhiều DN đánh giá, thủ tục đăng ký DN qua mạng, hay thủ tục hành chính thuế và nhiều thủ tục khác liên quan DN nay đã thuận tiện và dễ làm hơn trước.

Hiệu quả tích cực từ một cửa liên thông 

Với con số 25.742 DN thành lập mới trong năm 2018 Hà Nội đã cán đích mục tiêu đề ra là số DN thành lập mới tăng từ 15% trở lên (năm 2017, TP Hà Nội có 230.000 DN). Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,3 đến 7,8%, vốn đầu tư xã hội tăng từ 10,5 đến 11% trong năm 2018 và hướng đến 400.000 DN đăng ký hoạt động vào năm 2020.

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng DN năm 2018 và những năm tiếp theo của TP Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng hoàn toàn khả thi, nhất là trong bối cảnh môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và của TP Hà Nội nói riêng đang có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Hà Nội khuyến khích, phát triển DN thành lập mới và thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Các nội dung hỗ trợ theo cơ chế chính sách riêng của Hà Nội bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến những chính sách hỗ trợ thành lập DN trên địa bàn (minh bạch, cập nhật và hướng dẫn 100% các thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước); Từ 1/8/2018, Hỗ trợ kinh phí và thực hiện thủ tục thành lập DN mới (hỗ trợ DNVVN thành lập mới về phí công bố nội dung đăng ký DN lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, hỗ trợ kinh phí làm 01 dấu pháp nhân cho DN thành lập mới); Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hộ kinh doanh (hỗ trợ đào tạo kiến thức về khởi sự và quản trị DN cho hộ kinh doanh); Quy định về thanh tra, kiểm tra (không thực hiện thanh tra, kiểm tra DNNVV trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi DN được thành lập). Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trong 3 năm (2018 - 2020) là 72,91 tỷ đồng.

Không dừng lại ở hỗ trợ DN thành lập, để thúc đẩy DN phát triển bền vững, TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực công thương, tài chính, mở rộng thị trường, khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo…

TP tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, thúc đẩy DN phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ từng bước hình thành các điều kiện để phát triển TP thông minh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, giải pháp xây dựng chương trình Chính phủ điện tử, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hấp dẫn… để DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Hà Nội đang có sự khởi động đầy hy vọng cho tương lai trong việc phát triển DN.

Nguyên Anh