Grabcar có thể phải đeo mào taxi

00:00 12/10/2020

Từng được đề nghị xếp vào loại hình taxi điện tử, Grabcar lại đứng trước nguy cơ phải đeo mào nhận diện và bị quản lý giống như taxi truyền thống.

Không có taxi điện tử

Không còn khái niệm taxi điện tử trong Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) mới nhất (tháng 10/2018) vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo này được Bộ Giao thông - Vận tải gửi kèm báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Grabcar đứng trước nguy cơ bị quản lý giống như taxi truyền thống

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, dự thảo mới đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; Công ty và Đảng ủy Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam; Công ty TNHH Thành Bưởi. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong Dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa.

Đối với quy định về quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) - vấn đề vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trên cơ sở hiện trạng về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ, việc kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử (cước chuyến đi được tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng) so với hoạt động của xe taxi truyền thống có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, cần có những quy định chung để quản lý, nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định cũng như điều kiện kinh doanh như nhau. 

Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đồng thuận với đề xuất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Công ty và Đảng ủy Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam. Theo đó, xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm (như Grab) sẽ được quản lý như xe taxi (phương án này sẽ bỏ quy định xe taxi điện tử) và bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi như sau: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng”. 

Nếu theo phương án này, toàn bộ các ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh của xe taxi. 

Grabcar phải đeo mào taxi

Trong trường hợp quy định trên được thông qua, toàn bộ xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab, sẽ phải gắn phù hiệu “XE TAXI” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định; đồng thời phải có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe.

Theo dự thảo vừa được Bộ Giao thông -Vận tải trình Thủ tướng, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng phần mềm phải đảm bảo kết nối và cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả (VND). Phần mềm phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trước khi thực hiện và phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế.

Cần phải nói thêm rằng, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ vào cuối tháng 7/2018,  xe sử dụng các phần mềm ứng dụng kết nối đặt xe như Grab… chỉ phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ”. 

Trước đó, trong quá trình góp ý, một số cơ quan gồm Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải Thái Nguyên, một số chuyên gia kinh tế… cho rằng, trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống. 

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ứng dụng kết nối là mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, có sự tham gia của tiến bộ khoa học - công nghệ. Việc phân loại “phần mềm kết nối” có tham gia công đoạn vận tải vào hoạt động kinh doanh vận tải - một dịch vụ truyền thống là chưa hợp lý, có thể triệt tiêu sự sáng tạo, động lực đổi mới của doanh nghiệp, mà đối tượng chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng.

Theo quan điểm này, cần có “hợp đồng vận tải điện tử” và “taxi điện tử”, bỏ một số quy định như thông báo danh sách hành khách về Sở Giao thông - Vận tải; 1 chuyến xe chỉ có 1 hợp đồng; doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hợp đồng điện tử phải có bộ phận an toàn giao thông; đề nghị cả hộ kinh doanh cũng được thực hiện hợp đồng vận tải điện tử.

Anh Minh

Tags: