Gốm Chu Đậu

00:00 12/10/2020

(DNHN/12/2015).  Từ khi phát hiện năm 1980 đến nay, di chỉ gốm sứ cổ Chu Đậu đã qua 9 lần khai quật thuộc địa phận 2 thôn: Chu Đậu xã Thái Tân và Mỹ Xá xã Minh Tân (Nam Sách – Hải Dương). Người trong nước và nước ngoài ngày càng hiểu thêm giá trị quý giá của dòng gốm đạo, gốm cao cấp Chu Đậu Việt Nam.   Họa sĩ Hạ Bá Định, người gắn bó với Chu Đậu nhiều năm qua. Họa sĩ Hạ Bá Định, người gắn bó với Chu Đậu nhiều năm qua.  Chu Đậu ở một vùng đất trồng lúa nước ven sông Kinh Thầy, một dòng sông chở đạo, sông chở sách của thầy, một vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những chiến công hiển hách của đức thánh Trần Hưng Đạo, 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, một miền quê mà người dân 2 xã Thái Tân & Minh Tân không những chăm chỉ trồng lúa nước giỏi mà họ còn có công lớn tạo ra một làng nghề truyền thống độc đáo, nổi tiếng từ thế kỷ 14, phồn thịnh thế kỷ 15 và 16, tàn lụi thế kỷ 17. Làng nghề sản xuất gốm cao cấp ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đã có cả thời kỳ dài gốm Chu Đậu hưng thịnh và phát triển rực rỡ, từ thời Lý, Trần đến Lê, Mạc… Chu Đậu là một dòng gốm đẹp của Việt Nam và thế giới. Gốm sứ Chu Đậu lung linh tỏa sáng văn hóa Việt, là đặc sản là tinh hoa của đất nước ngàn năm văn hiến, như cha ông ta đã từng nói: đất nước tôi lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa, trong và thật sáng hai bờ suy tưởng, sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa. Chính gốm sứ Chu Đậu đã làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho một vùng quê thuần nông, là ước mơ có việc làm  của lớp thanh niên mới lớn. Ngồi đối thoại với ông Nguyễn Thanh Bình – Trợ lý giám đốc của công ty CP gốm sứ Chu Đậu, ông Bình nói vanh vách về lịch sử làng nghề còn uyên bác hơn cả những giáo viên dạy sử cấp 3; ông kể ra những đại gia gốm sứ Chu Đậu từ xa xưa như Đặng Sỹ, Đặng Phúc, Đặng Chính, Đặng Hoa, Bùi Thị Hý, Đặng Huyền Thông với vợ là Nguyễn Thị Đỉnh…; mặc dù với công nghệ sản xuất gốm thủ công, nhưng trình độ đạt đến đỉnh cao về kỹ mỹ thuật và nghệ thuật trang trí hoa văn chìm nổi, sản phẩm đa dạng mẫu mã, hình vẽ hoa văn tinh xảo… Ông Bình cho biết: Việc nghiên cứu sự ra đời gốm Chu Đậu là chìa khoá mở đường cho sản xuất gốm sứ Chu Đậu đương đại, mang ý nghĩa thiết thực về kinh tế, xã hội và văn hoá của đất nước trong thời kỳ hội nhập, nhất là Việt Nam gia nhập TPP thì việc nghiên cứu để sản xuất các mặt hàng thuần Việt càng trở nên có ý nghĩa quảng bá những nét văn hoá Việt Nam trên các sản phẩm gốm sứ tới bạn bè quốc tế, được xem là một trong những đơn vị mở đường, tiên phong phục hưng gốm Chu Đậu, công ty CP gốm sứ Chu Đậu đã đạt được một số thành tựu đáng kể, từ cơ sở vật chất nhà xưởng sản xuất gốm sứ, phòng trưng bày, đến việc đào tạo nhiều thợ lành nghề, thu hút nhiều nghệ nhân, hoạ sĩ có tên tuổi về phục dựng gốm sứ Chu Đậu như nghệ nhân Hạ Bá Định, nghệ nhân Đặng Thành Long và nhiều thợ giỏi khác, với một thời gian không dài (khoảng 2 năm 2014 – 2015), doanh nghiệp đã trụ vững trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm gốm sứ làm ra ngày một nhiều đáp ứng được nhu cầu cho người tiêu dùng, phục vụ được những người sưu tầm sành điệu và cả những thượng đế khó tính nhất sử dụng và trưng bày đồ gốm đương đại phỏng cổ trong tư gia, trong các công sở từ Trung ương đến địa phương, trong phòng khách, phòng họp của các bộ, các ban ngành, các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, Gốm sứ Chu Đậu đã lớn mạnh vượt bậc và rất đáng kính nể, nó đã hồi sinh trong một thời gian ngắn rất ngoạn mục. Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu ra đời với tên gọi là Gốm sứ Lưu gia Chu Đậu (những người bạn, những người anh em với nghệ nhân gốm sứ Nguyễn Văn Lưu).  Sau khi phục hồi được nghề gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Văn Lưu (chủ tịch HĐQT) tập hợp anh em, bạn bè, con cháu, những thợ lành nghề, các nghệ nhân với chủ trương từng bước xây dựng Chu Đậu thành làng nghề, vùng nghề rộng lớn hơn và có sức cạnh tranh để cùng phát triển, nhanh chóng phục hưng nghề gốm sứ truyền thống đã bị thất truyền, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài cho nhiều con em, nhất là con em 2 xã Minh Tân & Thái Tân. Sự hình thành Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu do ông Nguyễn Sơn Tùng làm Giám đốc đã được hoạch định theo lộ trình khoa học, Công ty được xây dựng tại địa danh Chu Đậu, trên trục quốc lộ 5B cách cầu Hàn Giang khoảng 2km nay đã trở thành quần thể khu sản xuất gốm sứ sầm uất nhộn nhịp và địa chỉ du lịch làng nghề gốm cổ Việt Nam hấp dẫn cho khách trong và ngoài nước. Ngày 18/6/2014 công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu ra đời, anh Nguyễn Sơn Tùng đã được định hướng đào tạo chính quy bài bản tại khoa silicat của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, sau đó anh được cử đi tu nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại ĐH Úc, nhận bằng thạc sỹ kinh tế loại ưu anh lại trở về Nam Sách – Hải Dương với hoài bão quyết tâm nối nghiệp cha ông phục dựng bằng được nghề gốm sứ Chu Đậu tại quê hương yêu dấu của mình, quyết chí làm sống lại làng nghề vùng nghề gốm cổ Chu Đậu đã thất truyền trên 500 năm nay. Mục đích của Công ty là tập trung sản xuất hàng truyền thống thuộc 3 dòng sản phẩm: gốm sứ tâm linh, gốm sứ dân dụng & gốm sứ mỹ nghệ, hàng phục chế phỏng cổ như chum, vại, chĩnh, bình, lọ, đồ thờ cúng, hoa văn hoạ tiết gắn liền với văn hoá người Việt, nền văn hoá lúa nước châu thổ đồng bằng sông Hồng như cỏ cây, hoa lá, chim muông đều gắn liền với đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Công ty còn tập trung sản xuất các mặt hàng gia dụng đương đại phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như ấm, chén, lọ hoa, bát đĩa…. với mẫu mã đẹp, ngoài ra còn mở rộng kinh doanh các mặt hàng: gốm, sứ, thủ công mỹ nghệ của các vùng nghề, làng nghề khác, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các địa phương khi họ có nhu cầu phát triển làng nghề. Chiến lược sản xuất của Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu với các tiêu chí Bền đẹp - an toàn khi sử dụng với những sản phẩm sạch, không có chất độc hại, mang tính nghệ thuật caoSau 2 năm thành lập (2014-2015), Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu do Giám đốc Nguyễn Sơn Tùng phụ trách đã bắt nhịp rất nhanh với thị trường, khách hàng ngày một đông, doanh thu từng bước được nâng cao, đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong quá trình sản xuất bên cạnh những thuận lợi có con người say mê yêu nghề với làng nghề truyền thống. Song còn khó khăn hạn chế về mặt bằng để mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như là vấn đề về vốn, nhưng cơ bản mấu chốt vẫn là con người phải được đào tạo thạo việc, lành nghề. Ở nước ta chưa có điều kiện như ở Trung Quốc hay Nhật Bản họ đào tạo kỹ sư ở trường đại học, ở viện nghiên cứu, thợ giỏi ở trường dạy nghề rất bài bản. Ở Việt Nam đào tạo theo tính chất tự phát, theo kiểu cha truyền con nối, sản xuất theo kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc. Hàng thủ công mỹ nghệ như gốm sứ Chu Đậu được ưa chuộng trên thị trường, nhưng năng suất sản xuất chưa cao. Đó là khó khăn chung không chỉ riêng Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu mà là sự cảnh báo về công tác đào tạo lớp thợ có tay nghề cao, nhất là đào tạo ra các nghệ nhân thợ giỏi để thay thế lớp nghệ nhân thợ giỏi cao tuổi. Đây là hồi chuông báo động về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, không những là những trăn trở của các nhà sản xuất gốm sứ & thủ công mỹ nghệ nói riêng mà là những câu hỏi lớn cho làng nghề Việt Nam nói chung trong xu hướng hội nhập thế giới ngày nay để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Bài và ảnh: Quang Minh