Gói 16.000 tỷ đồng vướng ở đâu?

00:00 12/10/2020

Lãnh đạo một DN cho rằng, yêu cầu DN chứng minh “không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” mới thuộc đối tượng hỗ trợ là khá khó khăn đối với DN...

Ảnh minh họa

Ngày 24/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (Quyết định 15) về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại Quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0%/năm từ NHNN Việt Nam.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã bố trí đủ 16 ngàn tỷ đồng để cho vay tái cấp vốn với NHCSXH theo Quyết định 15. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định 15 về điều kiện, đối tượng được vay gói này.Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN (Thông tư 05) quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 16.000 tỷ đồng. NHCSXH sẽ thực hiện giải ngân cho khách hàng đến ngày 31/7/2020. Nếu không giải ngân hết gói 16 ngàn tỷ đồng này, chậm nhất đến ngày 15/8/2020, NHCSXH phải hoàn trả số tiền còn lại về NHNN.

Chính sách đã có, vốn cũng được bố trí đầy đủ, song cho đến giờ vẫn chưa có người sử dụng lao động nào vay tiền từ gói hỗ trợ này. Vì sao? Theo một số DN, điều kiện, thủ tục cho vay của gói hỗ trợ này có bất cập. Đơn cử, việc duyệt cho vay theo quy định của Quyết định 15 là theo từng tháng và DN phải gửi hồ sơ trước ngày mùng 5 hàng tháng. Tháng sau, muốn vay tiếp DN lại phải chờ xét duyệt. 

Theo Điều 13 Quyết định 15, người sử dụng lao động muốn vay vốn từ gói hỗ trợ này cần phải đảm bảo các điều kiện: Thứ nhất, có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; Thứ hai, đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; Thứ ba, không có nợ xấu tại TCTD tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Ngoài việc đáp ứng được các điều kiện theo Điều 13 của Quyết định 15, cơ sở để NHCSXH duyệt cho vay là dựa vào danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh - nơi khách hàng gửi đề nghị xác nhận đủ điều kiện vay gói 16 ngàn tỷ đồng từ cấp huyện. “Điều kiện, đối tượng vay vốn theo Quyết định 15 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đến nay dù NHCSXH rất sẵn sàng cho vay, nhưng vẫn chưa giải ngân được món vay nào trong gói vay này”, bà Trần Lan Phương – Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho biết.

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhưng ông Tạ Ngọc Thảo – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi có Quyết định 15 đến nay ngân hàng vẫn không nhận được đề nghị chính thức nào từ DN. NHCSXH tỉnh cũng đã đề nghị các phòng giao dịch của ngân hàng cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện lập danh sách các DN đề nghị vay. Nhưng đến nay, NHCSXH tỉnh chưa nhận được bất kỳ danh sách phê duyệt nào từ UBND tỉnh”.

Bà Lê Ngọc Hân – quản lý nhân sự một DN trên địa bàn Hà Nội cho biết, công ty có sử dụng một số lượng lao động thời vụ, bán thời gian, khoán việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, đơn vị đã buộc phải cho toàn bộ lao động thời vụ nghỉ việc do DN không có việc làm, không có nguồn thu để trả lương. Tuy nhiên, các lao động này lại không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên công ty không thuộc đối tượng hỗ trợ vay vốn.

Trong khi ông Đinh Văn Ninh – Giám đốc Công ty TNHH DV và TM Nhân Tâm Việt lại nêu lên một khó khăn khác cho dù Công ty đang rất mong muốn được tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng. Số là theo quy định, người lao động phải “ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên”, công ty mới được vay để trả lương. Nhưng do muốn giữ chân lao động có tay nghề nên công ty thoả thuận với người lao động chỉ giảm 50% lương và giảm thời gian làm việc để cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn. Do đó, công ty không được hỗ trợ từ chính sách này.

Trên thực tế giải pháp giữ chân lao động theo cách này hiện khá phổ biến. Vì để đào tạo được lao động có tay nghề không dễ, nên DN không muốn chỉ vì khó khăn trước mắt mà để người lao động nghỉ việc không lương dài ngày, họ sẽ tìm nơi làm việc mới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một DN cho rằng, yêu cầu DN chứng minh “không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” mới thuộc đối tượng hỗ trợ là khá khó khăn đối với DN. Hơn nữa mức cho vay theo Quyết định 15 khá thấp, với mỗi lao động ngừng việc, DN chỉ có thể vay được 50% lương cơ bản (khoảng 2 triệu đồng/lao động). Một DN dù có quy mô lên đến 100 lao động ngừng việc cũng chỉ vay được khoảng 200 triệu đồng. Theo vị này, điều kiện cho vay khắt khe, lượng vốn vay ít ỏi… trong khi đó, nếu DN công khai thông tin khó khăn đến mức không trả được lương cho người lao động thì có thể chẳng còn ai muốn hợp tác kinh doanh nữa.

Minh Tú