Khi lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài “chảy về nước mẹ” cao hơn tăng trưởng GDP Việt Nam

00:00 12/10/2020

Phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về “nước mẹ”.

GDP Việt Nam dựa nhiều vào kinh tế cá thể

Xét trong giai đoạn 10 năm từ 2007 - 2017, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong nước) bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6%, mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Xét về cấu trúc sở hữu trong GDP, đóng góp vào GDP của Việt Nam cơ bản là từ khu vực cá thể. Trong giai đoạn từ 2010 - 2017, tỷ lệ này giảm được 2,7%. Tỷ trọng kinh tế nhà nước cũng chỉ giảm nhẹ từ 29,34% trong năm 2010 xuống 28,63% năm 2017 (giảm khoảng 0,7%).

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) tăng chưa được 1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) tăng khoảng 3%.

Cấu trúc về sở hữu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam manh mún và hầu như không có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực sở hữu này trong GDP rất thấp (dưới 10%) và hầu như không thay đổi trong suốt 8 năm (2010 - 2017).

Điều này cho thấy khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là sự thay đổi về số lượng, còn giá trị dường như không thay đổi.

Góc nhìn: Khi lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài “chảy về nước mẹ” cao hơn tăng trưởng GDP Việt Nam - Ảnh 1.
 

Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 15,2% trong năm 2010 lên 19,6% trong năm 2017.

Đóng góp vào GDP lớn nhất vẫn là khu vực kinh tế cá thể. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì tăng trưởng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) có tốc độ tăng trưởng và ổn định nhất.

Góc nhìn: Khi lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài “chảy về nước mẹ” cao hơn tăng trưởng GDP Việt Nam - Ảnh 2.
 

Tốc độ tăng trưởng theo thành phần kinh tế: Kinh tế tư nhân và Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh nhất - Nguồn: TCTK.

Thu nhập quốc gia trên GDP ngày càng giảm, nợ vay tăng

Theo nguyên tắc về thường trú của Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA), phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp trong khu vực này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về “nước mẹ”.

Như vậy, tuy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi chuyển lợi nhuận về nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2007 - 2017, tăng trưởng bình quân GDP theo giá hiện hành là 22% trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%, từ đó làm tỷ lệ GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97,2% năm 2007 xuống còn 95,2% năm 2017.

Đây là lý do mà một số chuyên gia cho rằng càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Góc nhìn: Khi lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài “chảy về nước mẹ” cao hơn tăng trưởng GDP Việt Nam - Ảnh 3.
 

Nguồn lực thực sự của nền kinh tế là tiết kiệm (saving). Tiết kiệm bắt đầu hình thành từ GDP cộng phần thu được từ sở hữu trừ phần chi trả sở hữu cộng chuyển nhượng thuần túy trừ tiêu dùng cuối cùng.

Nếu “thu được từ sở hữu trừ chi trả sở hữu – chi trả sở hữu thuần” là một số âm và số âm này ngày càng lớn dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại.

Trong khi, tiết kiệm là nguồn cơ bản để đầu tư, nếu tiết kiệm luôn nhỏ hơn khoản cần đầu tư thì nhu cầu vay sẽ càng lớn. Đấy phải chăng là lý do tại sao GDP tăng cao mà nợ phải trả ngày một nhiều. Như vậy, việc GDP tăng cao nhưng vẫn không thể che giấu được những tồn tại nội tại của nền kinh tế?

Theo TS Bùi Trinh

Tags: