Góc nhìn: Chứng khoán cạn tiền, thoái vốn thành ám ảnh

00:00 12/10/2020

Ngay cả ở thương vụ mới nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, rủi ro cũng đã manh nha bộc lộ...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuối tuần qua, quy mô giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam liên tiếp những phiên vốn nội nằm dưới mốc 2.000 tỷ đồng, vùng thấp kỷ lục của nhiều năm. Sự mất hút của dòng tiền được nhìn sang hoạt động thoái vốn.

Không phải cận Tết Nguyên đán dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi, hoặc áp lực rút vốn vay tránh chịu lãi suất trong kỳ nghỉ dài. Sự mất hút dòng tiền trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay không mang tính thời điểm.

Tháng 4/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, VN-Index vượt mốc lịch sử trên 1.200 điểm, quy mô giao dịch lên tầm 7.000 - 8.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng đó cũng là thời điểm dòng tiền bắt đầu thoái trào, đi cùng với sự đứt gãy của chỉ số và giá chứng khoán nói chung.

Tính từ thời điểm đó, đã có gần 9 tháng, một quãng thời gian đủ dài để nói về một quá trình, dòng tiền dần dần mất hút. Quy mô giao dịch giảm xuống còn quanh 4.000 tỷ/phiên, rồi quanh 3.000 tỷ/phiên và đến nay là những phiên dưới 2.000 tỷ nói trên.

Ngoại trừ một vài phiên cá biệt, gắn với một số thương vụ lớn qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn ở các cổ phiếu cụ thể để vẫn xuất hiện thi thoảng những khiên có quy mô giao dịch khá lớn. Nhưng, trượt dần qua 9 tháng, xu hướng dòng tiền ra đi và èo uột thể hiện rõ.

Trong thời gian đó, nhà đầu tư vẫn bàn luận, tìm hiểu với câu hỏi: tiền lớn đã đi đâu?

Trong khi đó, với sự đứt gãy mạnh và suy giảm kéo dài, thị trường chứng khoán Việt Nam bộc lộ rủi ro lớn và khó lôi kéo nhà đầu tư mới, dòng tiền mới, cả nội lẫn ngoại.

Thử nhìn sang hoạt động thoái vốn để góp phần định hình câu trả lời.

Thoái vốn trên thị trường chứng khoán gắn với hoạt động bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, cũng như thoái vốn của các tổ chức khác. Không còn những thương vụ kỷ lục và hoành tráng như tại Sabeco và Vinamilk, nhưng năm 2018 cũng có một số điểm đáng chú ý.

Từ đầu năm 2018, hoạt động thoái vốn nổi bật quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng ở cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), với chính Sacombank bán cổ phiếu quỹ, lẫn Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thoái vốn.

Tiếp tục, kéo dài trong năm, cũng quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thoái vốn tại loạt tổ chức tín dụng, như tại OCB, Eximbank và MBBank.

"Siêu tổng công ty" SCIC và Viettel cùng lúc thoái vốn quy mô khoảng 7.400 tỷ tại cổ phiếu VCG của Vinaconex…

Điểm qua một số thương vụ lớn đó cho thấy, một lượng tiền lớn đã được rút về các đầu mối là ngân hàng thương mại, tổ chức nhà nước. Nguồn tiền này tại Vietcombank, SCIC, Viettel, Sacombank, Eximbank… không trở lại làm con thoi trên sàn giao dịch chứng khoán như nguồn vốn của một nhà đầu tư cá nhân thông thường.

Vấn đề là, các thương vụ hàng chục nghìn tỷ đó cần nguồn tiền đối ứng khi thoái. Để đối ứng, các tổ chức tham gia phải huy động nguồn. Không "suy diễn", nhưng để tạo nguồn, có thể họ phải bán ra ở các cổ phiếu khác để dồn lực lại.

Tiếp đến, nguồn tiền lớn rút ra qua thoái vốn như trên không chỉ là con số và quy mô nguyên bản. Những con số này khi tham gia trên sàn có thể tạo quy mô giao dịch lớn hơn nhiều nữa, qua đòn bẩy nếu được sử dụng.

Cũng với góc nhìn đó, những thương vụ lớn trong giao dịch tại nhóm cổ phiếu Vingroup năm qua, hoặc tại một số doanh nghiệp lớn, có sự tham gia mạnh của khối đầu tư nước ngoài, để tham gia họ phải cơ cấu nguồn, kể cả bán ra ở các mã khác tạo đối ứng. Và nguồn tiền sau những vụ chuyển nhượng đó có trở lại sàn hay không, hay doanh nghiệp rút ra đưa vào các dự án… cũng là một miếng ghép cho câu hỏi trên.

Song song, năm 2017 và 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp đón những "khủng long" tham gia niêm yết, đặc biệt ở ngạch ngân hàng và dầu khí với quy mô hàng tỷ đơn vị cổ phiếu. Nguồn hàng khổng lồ này từng chờ thời trên thị trường OTC, khi niêm yết kéo một lượng vốn lớn trên sàn vào đổi vai.

Với những thương vụ thoái vốn lớn, cung hàng niêm yết lớn, sự đổi vai về nguồn và hụt đi khi vốn thoái không trở lại sàn, ô xi bị hút bớt và thanh khoản ngột ngạt, nó góp phần lý giải cho một thị trường thiếu lực kéo dài quãng suy giảm từ nửa cuối 2018, cũng như những nỗ lực phục hồi không bền vững vừa qua. Trong khi đó kinh tế vĩ mô Việt Nam về cơ bản vẫn tốt, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn khởi sắc.

Các mối quan hệ đan xen. Thoái vốn và tiền rút đi, giá chứng khoán giảm sâu, hoạt động đầu tư thua lỗ, môi trường đầu tư xấu đi và khó kích thích, lôi kéo nguồn vốn mới hoặc gia tăng vốn.

Nhìn lại, cũng ngay ở hoạt động thoái vốn, sau loạt thành công lớn loạt thương vụ Nhà nước bán được giá cao, đến nay nhiều nhà đầu tư nhận thoái vốn, tham gia những thương vụ đó, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đều lỗ lớn nếu so sánh đơn thuần về giá.

Rộng ra, nhìn một loạt các thương vụ từ Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, hay cả trường hợp nhận thoái vốn ở Sacombank, Eximbank, MBBank… thời gian qua đến nay đều lỗ lớn nếu xét về so sánh giá và còn nắm giữ.

Tương tự, loạt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại HDBank, Techcombank, VPBank…, nếu so với giá niêm yết hiện nay thì cũng có rủi ro lỗ lớn. Ngay cả thương vụ mới nhất, Vietcombank vừa bán cho GIC, đến cuối tuần qua rủi ro lỗ cũng manh nha bộc lộ khi giá cổ phiếu VCB trên sàn đã thủng mốc 55.000 đồng.

Tất nhiên, nhà đầu tư tham gia những thương vụ trên có mục tiêu, lộ trình và thời gian nắm giữ khác nhau, việc lỗ lãi chỉ cụ thể tại thời điểm họ hiện thực hóa kết quả khoản đầu tư. Nhưng, nhìn lại, giá vốn của họ đến nay đều cao hơn nhiều so với giá trên sàn.

Ở khía cạnh đó, tính hấp dẫn đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy giảm, thậm chí rủi ro lớn bộc lộ. Và điều này hạn chế thu hút những khoản đầu tư mới. Ví như tại Vietcombank, hai năm trước GIC muốn mua hơn 7%, nhưng lần này họ thận trọng và chỉ mua 2,55% mà thôi.

Bớt hấp dẫn và rủi ro lớn bộc lộ, thị trường chứng khoán Việt Nam khó thu hút vốn đầu tư mới. Trong khi đó, thêm một năm nữa kế hoạch và mục tiêu thoái vốn Nhà nước lại đặt ra, sau năm thất bại 2018.

Với cung hàng tiềm năng lớn, thoái vốn và rút tiền đi, nguồn đối ứng để đảm bảo lượng ô xi cần cho thị trường sống khỏe vẫn đang mất hút. Mà như trên, mất hút không mang tính thời điểm vì đã thể hiện xu hướng, thực tế trong gần 9 tháng qua - một khoảng thời gian đủ dài.

Theo Hoàng Vinh/VnEconomy