Gỗ Việt làm gì với "miếng bánh" 37 tỷ USD tại thị trường Mỹ?

00:00 12/10/2020

Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ riêng mã hàng đồ gỗ, nội thất có code 41000, năm 2017, Hoa Kỳ nhập khẩu từ các nước đến 36,8 tỷ USD.

Giới phân tích kỳ vọng ngành sản xuất đồ gỗ, nội thất xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội nắm được thị trường nhập khẩu đồ gỗ, nội thất gần 37 tỷ USD tại Hoa Kỳ

Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ áp thuế cao đối sản phẩm gỗ từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để các nước trong khu vực được nhận các đơn hàng từ các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.  

Cơ hội "vàng"

Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Trung Quốc vào Mỹ là nhóm hàng bị Hoa Kỳ áp thuế 10% trong gói hàng 200 tỷ USD có hiệu lực từ ngày 24/09/2018. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ riêng mã hàng đồ gỗ, nội thất có code 41000, năm 2017, Hoa Kỳ nhập khẩu từ các nước đến 36,8 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 20,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 56%; nhập từ Việt Nam đạt hơn 4,6 tỷ USD.

Giới phân tích kỳ vọng ngành sản xuất đồ gỗ, nội thất xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội nắm được thị trường nhập khẩu đồ gỗ, nội thất gần 37 tỷ USD tại Hoa Kỳ. Bởi, các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ dịch chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro, đồng thời có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Để kiểm soát được thị trường, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay vẫn có sự tăng trưởng khá, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm nay, tương đương trên 4,3 tỷ USD. Đến thời điểm này, những tín hiệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn ổn định và các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay. 

Nhưng thận trọng kẻo bị "vạ lây"

Tuy nhiên, thách thức đặt ra, Việt Nam không phải là quốc gia có nguồn cung gỗ nguyên liệu mạnh nên ngành chế biến gỗ trong nước vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong đó bao gồm nhóm gỗ tròn và gỗ xẻ. Hoa Kỳ có quy định chặt về tính hợp pháp của gỗ, nguồn gốc gỗ... Hơn 55% giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đến từ doanh nghiệp FDI. 

Vẫn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, khi Mỹ đưa mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào danh sách thì sẽ có nguy cơ Trung Quốc chuyển hàng hóa sang Việt Nam. Bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Trung Quốc ở Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ rất mạnh sang Mỹ. 

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ nội thất Bình Dương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty đồ gỗ nội thất Hiệp Long bày tỏ, trước mắt, xung đột và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể gây nên tác động tức thời tới các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành đồ gỗ nội thất của Bình Dương nói riêng. 

Tuy nhiên, tiên liệu cho tương lai của ngành đồ gỗ xuất khẩu sẽ là rất khó khăn, nhất là với những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Tới đây, các cơ quan hải quan và những đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sẽ có nhiều việc phải làm. 

Điều đáng lo ngại có thể nhìn thấy rõ, là tới đây sẽ có xu hướng các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc "tràn" sang Việt Nam; đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Hay Trung Quốc dịch chuyển xí nghiệp sản xuất sang nhằm tranh thủ thị trường Việt Nam để có chứng nhận xuất xứ mới cho sản phẩm. Đồng thời, hưởng các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới; cộng thêm lợi thế về chi phí lương nhân công giá rẻ... 

Ngoài ra, ông Huỳnh Quang Thanh cũng quan ngại khi xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ sẽ gia tăng đột biến với sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất đồ gỗ Trung Quốc có thể gây "tổn thương" tới các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. 

Trước những lo ngại của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có các giải pháp từ lâu.

Đó là không để cho các doanh nghiệp Trung Quốc hay các nước khác coi Việt Nam là điểm trung chuyển đồ gỗ để xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà đầu tư chế biến gỗ đó phải thực sự sản xuất ở Việt Nam chứ không phải lấy mác Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Nguyễn Việt