Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump sẽ lần đầu gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump sẽ lần đầu gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.
Việc các chính trị gia của Mỹ sốt sắng trước cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump và người đồng cấp Putin là điều dễ hiểu. Cuộc thảo luận song phương diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Nga có những khác biệt rõ rệt trong các động thái tại Syria và Ukraine, cũng như vụ điều tra Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tuy nhiên, điều khiến chính trường Mỹ lo ngại hơn cả là sự chênh lệch giữa lãnh đạo hai nước.

Trong khi, ông Putin có kinh nghiệm chính trị dày dặn, từng đối mặt với hai cựu Tổng thống Mỹ và loạt các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, ông Trump rõ ràng chỉ là “tay mơ” trong vai trò một chính trị gia, dù đã sành sỏi trên thương trường.

Một mặt, Tổng thống Mỹ phải “gồng mình” để tránh ánh mắt quan sát trong nước về thái độ của ông với Nga sau cáo buộc chiến dịch của ông thông đồng với Moscow trong bầu cử Mỹ 2016; rõ ràng, nước Mỹ muốn ông Trump cứng rắn hơn với Nga. Mặt khác, ông Trump phải đối phó với sự sành sỏi của một chính trị gia có hàng thập niên ngồi ở vị trí cao nhất một cường quốc. Theo Reuters, trước cuộc họp của ông Trump và ông Putin, ba Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện; gồm Johnny Isakson và Marco Rubio của đảng Cộng hòa, cùng Jeanne Shaheen của đảng Dân chủ; viết thư gửi ông Trump, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc chính quyền của ông Trump lên kế hoạch thảo luận trở lại các hợp đồng ngoại giao với Nga ở Maryland và New York mà chính quyền Obama đã thu hồi năm ngoái vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Theo đó, ba thượng nghị sĩ quan ngại, việc khôi phục lại hợp tác sẽ “khuyến khích” Putin và các nỗ lực của Nga để can thiệp vào các cuộc bầu cử ở phương Tây. Hiện chưa rõ chi tiết những yêu cầu mà ông Trump mong muốn từ Putin, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng hé lộ, chủ nhân Nhà Trắng muốn bàn bạc về việc hai nước có thể chung tay để ổn định nội chiến Syria. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, Triều Tiên cũng là chủ đề không thể thiếu, nhất là trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). “Tôi muốn thấy ngài Tổng thống tìm cách liên kết Nga với Triều Tiên. Tôi chỉ muốn nhắc nhở ngài ấy là vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn với Nga và thực tế là họ đã lấy Crimea (từ Ukraine). Tuy nhiên, đây có lẽ là cơ hội để thiết lập lại mối quan hệ với Nga một cách tích cực hơn”, Francis Rooney, thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói trong một cuộc phỏng vấn. (Theo Tú Oanh - Tienphong.vn)