Giáo dục thường xuyên đang đi lạc hướng: Lãng phí tiền của, chất lượng nhân lực kém

00:00 12/10/2020

Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, mọi người dân đều phải học tập để kiến thức không bị cùn mòn, tay nghề không bị lạc hậu, đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, phát triển giáo dục thường xuyên là một nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Thế nhưng, lâu nay, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) đã đi lạc hướng, bỏ rơi những đối tượng cần đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Hệ thống giáo dục của nước ta bao gồm 3 cấp, tương ứng với 3 ngành học, đó là ngành học Mầm non: Thực hiện chức năng giáo dục học sinh 1 - 5 tuổi; ngành học Phổ thông: Thực hiện chức năng giáo dục học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) và ngành học Bổ túc văn hóa, nay là là GDTX.

Thực hiện chức năng GD-ĐT cho người lao động, người lớn (từ 18 tuổi trở lên) và thực hiện phố cập giáo dục cho 1 bộ phận người cơ nhỡ, khó khăn (do ốm đau, bệnh tật...) không có điều kiện học liên tục, được gọi là ngành học không chính quy và phi chính quy. Hệ thống giáo dục không chính quy đã hình thành phát triển từ khi có phong trào "Nhà bình dân học vụ”, năm 1945. Thế  nhưng, hiện nay, ở nhiều tỉnh, ngành học GDTX đã đi lệch hướng, gần như đã bỏ ngỏ nhiệm vụ chính - nhiệm vụ lớn lao của mình, đó là:  Không dạy học văn hóa cho người người lao động (l8 tuổi trở lên);Không làm chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp nông dân. Chương trình này hiện nay chủ yếu do Hội Khuyến học, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân chủ trì thực hiện; phần phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí  được đào tạo thông qua một số trường THCS.

Vậy, thực chất, nhiệm vụ của các TT GDTX  hiện nay là gì?  Đó là các trung tâm đổ xô mở lớp dạy những thanh thiếu niên để gọi là có việc làm, có thu nhập và vì vậy nhiều GDTX đã trở thành THPT trá hình, hay gọi cho đúng là hệ B cho các trường THPT công lập.

Không hiểu vì sao, từ đâu, hay từ sự đổi mới mà ngành GDTX lại rời bỏ nhiệm vụ chính trị ý nghĩa to lớn là không lo cho việc học tập cho khoảng 2/3 dân số Việt Nam (chừng 50 - 60 triệu người dân). Họ là lực lượng hùng hậu, đã và đang có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong sự chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tri thức. Như vậy, lâu nay, GDTX đã không góp phần vào chính sách "lo cho dân", "vì dân", "dân cần gì học nấy". Trong khi, việc đào tạo các cháu thanh thiếu niên  đã có các nhà trường phổ thông thừa sức đảm nhiệm.

Như vậy, khi đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vô tình đẩy GDTX đi lệch hướng, xa rời nhiệm vụ chính trị và đã làm cho Nhà nước lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm do đầu tư không đúng chỗ mà cụ thể là GDTX không dạy cho người lớn mà lại đi dạy thanh, thiếu niên. Các trường quân đội không dạy cho bộ đội xuất ngũ mà lại đi dạy cho dân sự. Các trường dạy cho các cháu mồ côi, khuyết tật thì họ đi chiêu tìm dạy cho các cháu lành lặn.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 trong giờ học văn hóa/ Ảnh: Tấn Thạnh

Đã thế, GDTX lại dạy có 7 môn/ 12 môn bắt buộc thuộc hệ phổ thông. Thanh niên ngày nay không học ngoại ngữ, không học GDCD cũng được sao? Rõ ràng, loại hình học không phù hợp học tập của lóp trẻ thời công nghiệp hóa "hội nhập Quốc tế" dẫn đến một số cơ quan sử dụng lao động đã nhầm lẫn đánh giá không đúng tấm bằng do Bộ GD-ĐT cấp cho GDTX, "tốt nghiệp THPT chính quy chứ không phải bằng bổ túc THPT".

Cách dạy, cách học của nhiều Trung tâm GDTX hiện nay đã gây ra sự lãng phí vì: Người cần đào tạo để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,  nông dân và xây dựng nông thôn mới thì gần như bỏ ngỏ, xem nhẹ hoặc có chỉ là hình thức; GDTX đang chỉ lo dạy cho lớp trẻ thanh niên mà không lo dạy cho người lớn vì lợi ích thiết thực – những người dân đang "đói” về văn hóa và khoa học kỹ thuật.

Sự việc ấy đã "kéo" Bộ GD-ĐT phải "đổi mới" tổ chức kỳ thi chung rất hình thức giữa GDTX với THPT "như 1 món giả cầy" vì chung nhưng lại không chung, vì có 4 môn thi tốt nghiệp thì 2 môn phải thay thế trong đó có 2 môn rất quan trọng là ngoại ngữ và giáo dục công dân; còn chấm cho điểm thì cũng không chung nốt, nhưng oái oăm thay  lại cấp chung bằng THPT chính quy.Tại sao? Ngẫm ra thực vô lý và rất đáng lo ngại. Câu hỏi này chúng tôi xin để lại cho các nhà hoạch định chiến lược giáo dục trả lời cho công luận.

Ngành học GDTX và phổ thông rất khác biệt, song không hiểu sao Bộ GD-DT cho đổi mới "đánh đồng" cho thi tốt nghiệp chung "một rọ" GDTX với THPT - cách làm vô tình Bộ đã bật đèn xanh cho GDTX "thi đua" mở các lớp thanh thiếu niên học THPT để có việc làm, có thêm thu nhập. Vì vậy, đã có một số trung tâm GDTX biến tướng thành trường THPT trá hình. Do mải mê với việc dạy trẻ, GDTX sẵn sàng bỏ ngỏ nhiệm vụ chính (không dạy người lớn hoặc có dạy cũng chỉ hình thức qua loa, chiếu lệ - như đã nêu trên), đã góp phần làm tổn hại trí tuệ một bộ phận thanh niên do đào tạo "què quặt" của GDTX! Và họ cố tình hiểu sai "dân cần gì học nấy" chứ không phải "ai cần gì". Dân phải hiểu là người lao động, họ từ 18 tuổi đến 60 tuổi (họ cần học trong 2/3 cuộc đời còn lại). Và nếu để cho GDTX không dạy cho 2/3 dân số này thì không thể nào có việc "học suốt đời" và "xã hội học tập" theo Quyết định 89/QĐ - TTg và Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng thi Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Và trong thực tế hiện nay, các Trung tâm GDTX đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình theo thông tư liên tịch giữa Bộ Lao động - Bộ Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDDT-BNV. Nhiệm vụ thì nhiều, tham vọng của các cấp quản lý thì rất lớn, nhằm khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, và thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, tức là chỉ một số ít học sinh học lên THPT còn lại đi học nghề ở các TTGDNN-GDTX, các trường dạy nghề và có học Bổ túc THPT. Tuy nhiên các TTGDNN-GDTX không đáp ứng được kỳ vọng đó, bởi lẽ:

Thứ nhất, tổ chức đào tạo nhân lực cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ dưới 03 tháng theo hình thức kèm cặp nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kỹ năng nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp…đào tạo nghề cho nông dân” thì các trung tâm có GV dạy nghề đâu mà kèm cặp, và chẳng có doanh nghiệp nào liên kết đào tạo nghề cho công nhân của họ.

Thứ hai, tổ chức liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với các trường, thì các TTGDNN-GDTX không có xưởng trường, vậy làm gì có máy móc, thiết bị khác để đào tạo thực hành, đơn giản như nghề điện dân dụng cũng không có nỗi một cái máy quấn dây khi lắp một cái quạt, máy biến áp, làm gì có ao hồ để mà đào tạo nghề nuôi thủy hải sản, mà các trường TC, CĐ nghề thì ở xa nên không thể mang xưởng trường về các TTGDNN-GDTX để dạy được, vậy là quanh quẩn lại là nghề Tin học văn phòng, Kế toán doanh nghiệp... mà thôi.

Một điều nữa để minh chứng là Nhà nước rất lãng phí khi công nhận cái bằng trung cấp, cao đẳng nghề mà các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề đã liên kết với các TTGDNN-GDTX cấp cho học sinh. Thời gian học được bằng trung cấp  nghề phải là 24 tháng, cao đẳng nghề phải 36 tháng học liên tục nhưng khi liên kết với TTGDNN-GDTX, học sinh chỉ được học mỗi tuần từ 01 đến 2 buổi chiều, mỗi chiều 3 tiết, thì làm sao đủ kiến thức để được cấp bằng  trung cấp, cao đẳng theo đúng nghĩa. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chi trả tiền cho các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các TTGDNN-GDTX lại được hưởng một phần kinh phí nhà nước cấp cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đây chính là một vấn đề phân phối ngân sách không đúng mà bấy lâu nay các TTGDTX được thụ hưởng. Theo cách lý giải đó thì các TTGDTX chỉ là một trường THPT trá hình mà thôi.

Để ra nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, ngoài các ngành học khác, ngành Giáo dục thường xuyên cần thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ chính của mình.

Đức Viên