Giảm lãi vay từ 2-4,5%: Bỏ điều kiện gây khó và đánh đố doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Giảm lãi vay đối với cả khoản dư nợ cũ, không bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải… là những điều kiện mới được các ngân hàng áp dụng trong đợt giảm lãi suất lần này.

Doanh-nghiep-da-duoc-cuu-8511-1585826969

Từ ngày 1/4, các ngân hàng mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ 2 - 4,5% và loại bỏ những điều kiện "gây khó", "đánh đố" doanh nghiệp (Ảnh Tư liệu)

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là thời điểm hơn lúc nào hết, ngân hàng và doanh nghiệp xác định cùng nhau trên một "con thuyền vượt qua sóng to, gió lớn” để hướng tới đích chung. Vì vậy, việc ngân hàng cần hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực như lúc này chính là để hai bên cùng "sống", ngân hàng cũng có điều kiện để nuôi được nguồn thu, thúc đẩy lực hấp thu mới.

Doanh nghiệp đã thực sự được “cứu”

Các ngân hàng vừa công bố giảm sâu lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay sau quyết định "cách ly xã hội" 15 ngày được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Có thể thấy, chưa bao giờ ngành ngân hàng có những động thái mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm hiện nay. Chỉ riêng trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi, giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, ngày 13/3, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng.

Tiếp đó, ngày 16/3, NHNN giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần.

Tại thời điểm đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết: “NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ TCTD trong trường hợp cần tiếp cận vốn”.

Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó TCTD thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi vay, cơ cấu và giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo phản ảnh của doanh nghiệp, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch rất lớn, trong khi các điều kiện được hưởng hỗ trợ còn “xa vời” với tình hình thực tế của nhiều doanh nghiệp, lãi suất dù giảm vẫn còn khá cao so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Vì vậy, gói hỗ trợ này được đánh giá dường như chưa đủ sức “ngấm” để vực dậy các doanh nghiệp đang “chết chìm”. Và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sẽ có chính sách đột phá hơn, lãi suất được giảm sâu hơn, các điều kiện ràng buộc “dễ thở” hơn.

Trước tình hình trên, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, từ ngày 1/4, các ngân hàng mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ 2 - 4,5% và đặc biệt là đã bỏ những điều kiện "gây khó", "đánh đố" doanh nghiệp như: không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19, giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu và giảm lãi vay cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp, không cần tài sản đảm bảo…

Cứu doanh nghiệp để cứu mình

Động thái trên của các ngân hàng được coi là biện pháp “mạnh tay” nhất từ đầu mùa dịch đến nay, được giới chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực.

"Với những quy định “gây khó”, “đánh đố” doanh nghiệp đã được bãi bỏ, chắc chắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 đã thực sự được "cứu"", một chuyên gia cho hay.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu chia sẻ, đây sẽ sự tiếp sức thiết thực đến cộng đồng doanh nghiệp, gói hỗ trợ lần này không còn dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận được.

Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho biết: "Chúng tôi áp dụng giảm lãi đến 2% trong 6 tháng cho mọi khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, ở tất cả các phân khúc, ở tất cả ngành nghề, cho mọi khoản vay trung-dài hạn bằng tiền đồng, không kể trái phiếu, với lãi suất hiện hữu từ 9,5%".

Đại diện VIB cũng khẳng định sẽ thông báo chính sách này đến khách hàng, tự động giảm lãi vay mà không cần doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải.

Trong khi đó, HDBank cho biết sẽ tự động giảm lãi vay mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng “nới” điều kiện cho vay trong bối cảnh doanh nghiệp “hấp hối” là cần thiết, nhưng nguồn hỗ trợ này cần hướng đến các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như với du lịch, hàng không, chế biến chế tạo...

“Hiện, lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn, nhưng lại không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, nên cần thận trọng trong hỗ trợ, nhất là khi các khoản vay bất động sản lớn hầu hết là vay trung và dài hạn. Nếu việc hỗ trợ để giảm lãi suất ngay trên dư nợ hiện hữu cho các khoản vay địa ốc nhìn từ góc độ ngân hàng, cũng có những khó khăn nhất định. Đặc biệt khi chưa có chính sách nào "tiếp sức" cho chính các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh việc huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn”, một chuyên gia phân tích.

Thanh Hoa