Giám đốc CSIP Phạm Kiều Oanh: Khơi nguồn cảm hứng, kết nối và tạo dựng quyền năng cho mọi cá nhân

00:00 12/10/2020

Bà Phạm Kiều Oanh- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) được coi là người tiên phong phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, là "bà đỡ" của nhiều sáng kiến xã hội, doanh nghiệp xã hội, đem lại sự thay đổi cuộc sống cho hàng trăm nghìn người yếu thế, thiệt thòi...

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có cuộc trao đổi với bà Phạm Kiều Oanh xung quanh những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xã hội, vai trò của các doanh nhân nữ là chủ doanh nghiệp.

Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)

Bà có thể chia sẻ về hành trình mở đường và thành lập CSIP?

Phạm Kiều Oanh: Suốt 15 năm làm việc cho các tổ chức phát triển, tôi có cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhiều anh chị em có sáng kiến phát triển cộng đồng đầy cảm hứng và sáng tạo. Tuy nhiên, số lượng các sáng kiến có thể phát triển thành công và mang lại tác động bền vững lâu dài cho cộng đồng chưa nhiều. Được truyền cảm hứng về cách tiếp cận doanh nghiệp xã hội (DNXH) của Declan Ryan - một doanh nhân Ireland, cũng là người đồng sáng lập Quỹ Thiện doanh The One Foundation, tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn của DNXH tại Việt Nam. Thách thức của các hoạt động xã hội ở Việt Nam có thể được giải quyết nếu áp dụng được tinh thần và kỹ năng của doanh nhân để đạt được mục tiêu và giá trị xã hội. Tuy nhiên, đã là doanh nhân thì mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, còn hoạt động xã hội thì làm sao mang lại lợi nhuận? Kiên trì và bền bỉ, tôi đã cùng bạn bè đi nhiều nơi để tìm kiếm các mô hình có đặc điểm như DNXH (lúc đó chưa ai, tổ chức nào gọi mình là DNXH cả). Tôi cố tìm câu trả lời về lý do họ tồn tại, về đặc điểm và nhu cầu của họ. Tôi đã được gặp và truyền cảm hứng bởi rất nhiều doanh nhân xã hội thiện tâm và nhiệt huyết. Những cuộc gặp gỡ đó đã củng cố niềm tin của tôi vào DNXH - những đơn vị hoạt động kinh doanh hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội hay môi trường và đem lại những giá trị xã hội bền vững. Tôi tin rằng, đây là thời điểm thích hợp để lan toả DNXH tại Việt Nam như một giải pháp mới cho những vấn đề xã hội nổi cộm hiện nay.

Với những suy nghĩ đó, tôi đã rời bỏ công việc của mình tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc để dấn thân vào con đường đầy thách thức: xây dựng hệ sinh thái cho các DNXH ở Việt Nam, hỗ trợ phát triển cho các doanh nhân và các doanh nghiệp đang áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường.

CSIP là một tổ chức phi Chính phủ và phi lợi nhuận, tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ và thúc đẩy DNXH của Việt Nam. Xin bà cho biết về những hoạt động nổi bật của CSIP?

Phạm Kiều Oanh: CSIP thúc đẩy sự vận động tích cực của hệ sinh thái hỗ trợ DNXH và thực hiện sứ mệnh của mình thông qua 3 trụ cột hành động là “Truyền cảm hứng, Kết nối và Trao quyền”. Chúng tôi khơi nguồn cảm hứng, kết nối và tạo dựng quyền năng cho mọi cá nhân và cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thông qua các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững. Ngoài ra, CSIP còn hoạt động tích cực trong khu vực ASEAN, kết nối với các tổ chức tiên phong nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội trong khu vực, xây dựng các nền tảng chuyên đề cho các sáng kiến khu vực như tài chính, tư vấn, hoặc các doanh nghiệp xã hội xuyên biên giới làm việc trong du lịch bền vững, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe v..v…

CSIP thúc đẩy sự vận động tích cực của hệ sinh thái hỗ trợ DNXH và thực hiện sứ mệnh của mình thông qua 3 trụ cột hành động là “Truyền cảm hứng, Kết nối và Trao quyền”

Tại thời điểm CSIP thành lập (2008), DNXH là một khái niệm gần như chưa được ai biết đến tại Việt Nam, mặc dù nó đã được biết đến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với CSIP, tôi đã cần mẫn đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên phát triển các doanh nhân và DNXH tại Việt Nam. Trong lứa những DNXH được CSIP hỗ trợ phát triển trong giai đoạn đầu tiên, nhiều cái tên đã trở nên nổi tiếng và được cộng đồng biết đến rộng rãi như Tòhe, Vietherb, Sapa O’chau,… Đến nay, CSIP đã hỗ trợ và đầu tư cho khoảng 200 DNXH trong đó có 70% là DNXH khởi nghiệp, trực tiếp và gián tiếp cung cấp 11.000 nghề nghiệp, đào tạo và thay đổi cuộc sống của 108.000 người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 600.000 người có hoàn cảnh khó khăn bằng những sản phẩm và dịch vụ xã hội, 80% số DNXH khởi nghiệp được ươm tạo đã thực sự lớn mạnh cả về quy mô cũng như năng lực điều hành. Điều này cho thấy tính bền vững và hiệu quả của các DNXH sau khi được CSIP hỗ trợ, tạo động lực để phát triển.

CSIP mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm những DNXH do các doanh nhân xã hội tìm thấy giải pháp kinh doanh khả thi để giải quyết các vấn đề xã hội, các tổ chức xã hội dân sự phát triển nhánh kinh doanh xã hội với mục tiêu bền vững thông qua các sáng kiến kinh doanh và tự vững về tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh đưa người có thu nhập thấp vào chuỗi giá trị của mình thông qua tạo việc làm, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho cộng đồng yếu thế, và những doanh nghiệp xã hội cộng đồng do người dân địa tại phương nghèo, khó khăn xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản chưa được giải quyết tại địa phương, hoặc phát triển các sản phẩm bản địa, đem lại giá trị cao hơn, góp phần cải thiện sinh kế và phát triển bền vững tại địa phương…

Qua nhiều năm hoạt động, bà thấy những khó khăn mà các DNXH phải đối mặt hiện nay là gì, thưa bà?

Phạm Kiều Oanh: DNXH bản chất của họ là vẫn phải kinh doanh nên cũng gặp những khó khăn chung như doanh nghiệp nhỏ và vừa và đều nằm ở khúc “vừa và nhỏ” là chính còn khúc “siêu nhỏ” là thiếu những kiến thức về mặt chuyên môn và quản trị, vốn, mối quan hệ… để có thể phát triển được. Đó là những khó khăn chung. Còn khó khăn riêng đối với DNXH là bởi đa phần họ hướng tới thị trường ngách nên hoạt động của họ sẽ khó khăn hơn. Các DNXH bên cạnh mục tiêu phát triển xã hội, phát triển kinh tế, họ còn rất nhiều mục tiêu kép như hỗ trợ cho người yếu thế, giải quyết các vấn đề về môi trường… Điều này làm kế hoạch kinh doanh của họ đôi lúc không rõ ràng về mặt tài chính, giống như các doanh nghiệp thông thường khác.

CSIP mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm những DNXH do các doanh nhân xã hội tìm thấy giải pháp kinh doanh khả thi để giải quyết các vấn đề xã hội, các tổ chức xã hội dân sự phát triển nhánh kinh doanh xã hội với mục tiêu bền vững thông qua các sáng kiến kinh doanh và tự vững về tài chính...

Về nguồn vốn đầu tư, DNXH gặp khó khăn vì thông thường những nhà đầu tư họ thường nhìn vào những thị trường lớn hơn, các ngân hàng hay các cơ sở tín dụng hầu như không đánh giá mặt tác động xã hội của DNXH, mà họ chỉ chú trọng vào kế hoạch tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp nên đa phần các doanh nghiệp xã hội tiếp cận vốn rất khó khăn. Bên cạnh đó là những rào cản trong Luật Doanh nghiệp khiến nhiều đơn vị rất e ngại, thậm chí họ không có động lực khi đăng ký là DNXH. Hiện nay, về mặt vĩ mô, chúng ta đã có khá đầy đủ chính sách, nhưng các chương trình hành động cụ thể, những nghị định để triển khai các vấn đề này lại thiếu…Theo tôi, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ một cách cụ thể, thúc đẩy hơn cho doanh nghiệp xã hội. Chúng tôi đã có kiến nghị và kỳ vọng  rất nhiều vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến ban hành trong năm 2019.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành doanh nghiệp của Việt Nam hiện cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tức là cứ 4 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đây là mức cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 10% của thế giới. Bà có nhìn nhận gì về vấn đề này?

Phạm Kiều Oanh: Điều này cho thấy vai trò của doanh nhân nữ với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước đã ngày càng được khẳng định và tạo được dấu ấn riêng biệt. Tại Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và cũng xuất hiện hàng loạt các nữ tướng có tầm ảnh hưởng lớn và khả năng truyền cảm hứng như  bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); bà Thái Hương TH True Milk; bàNguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam… và đang trông đợi một thế hệ mới các nữ tướng kế nhiệm. Mặc dù số lượng phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đang dần tăng, sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa.

Nhiều DNXH đang giải quyết công ăn việc làm cho người khuyết tật

Ở góc độ doanh nghiệp, bình đẳng giới thường được ghi nhận trong công tác tuyển dụng lao động, khi nam - nữ được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, được đào tạo và trao cơ hội thăng tiến như nhau. Tôi nghĩ, vai trò của phụ nữ trong kinh doanh cũng giống như nam giới, nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng môi trường kinh doanh của phụ nữ thực sự giống nhau.

Theo bà, cần có những giải pháp gì nhằm nâng cao vai trò, vị thế của nữ giới trong các doanh nghiệp?

Phạm Kiều Oanh: Từ trước đến nay vẫn có những rào cản ảnh hưởng đến công việc của người phụ nữ nói chung như phải chăm lo gia đình, tâm lý bất bình đẳng giới… Đối với phụ nữ là doanh nhân nói riêng, thực tế vẫn còn những thách thức như sự bình đẳng giới thật sự tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cấp cao nhất. Để vượt qua, trước hết, phụ nữ phải tự “cải cách” lại bản thân mình. Nhìn những áp lực trong công việc như những thử thách mình nên giải quyết với tinh thần lạc quan, dứt điểm. Không nên thụ động mà phải tự lực làm việc, không sống dựa dẫm và phụ thuộc. Chỉ có như vậy người phụ nữ mới có cuộc sống tốt đẹp và rồi hạnh phúc sẽ đến với mỗi người.

Trao quyền cho phụ nữ là một cách để xã hội trở nên công bằng hơn thông qua việc giúp họ tiếp cận các nguồn lực để đạt được thành công, vì lợi ích không chỉ của riêng người phụ nữ mà còn của con cái, gia đình họ và nhìn rộng ra là toàn xã hội. Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các Hiệp hội kinh doanh. Từ đó, tạo sự tự tin bước vào thị trường cạnh tranh quốc tế và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Công nghiệp 4.0 đang diễn ra và phụ nữ cần tích cực tìm hiểu và nắm bắt cơ hội và giải quyết những thách thức, sử dụng nó trong việc phát triển các chiến lược phát triển kinh doanh… Nữ doanh nhân phải vượt qua nỗi sợ hãi và chủ động nắm bắt thông tin và công nghệ. Tôi nghĩ, điều quan trọng là chúng tôi có dám tiến lên phía trước hay không…

Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Xây dựng một hệ sinh thái tích cực cho các DNXH là một trong những ưu tiên hàng đầu mà CSIP luôn nỗ lực theo đuổi. Việc DNXH được đưa vào điều 10 Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 là một dấu mốc đáng ghi nhận với quá trình phát triển DNXH tại Việt Nam. Cùng với các đối tác, CSIP đã vận động cho sự thừa nhận một cách chính thức vai trò của DNXH trong sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho DNXH tự tin và tự chủ tham gia vào các hoạt động phát triển xã hội và kinh doanh bền vững.

An Thảo- Thu Giang (thực hiện)