Giải thưởng Cánh diều - khuyến khích nội lực phim Việt

00:00 12/10/2020

Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2018 một lần nữa muốn chứng minh giá trị thẩm định và tôn vinh tác phẩm nghệ thuật thứ bảy của một tổ chức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường điện ảnh đang mở cuộc chạy đua làm phim phục vụ thị hiếu nhất thời của một bộ phận khán giả trẻ, thì chất lượng nghệ thuật luôn là một câu hỏi hóc búa. Bằng thái độ từ chối cơ hội ứng thí của những bộ phim làm lại từ phim nước ngoài (mà giới chuyên môn gọi là phim remake) có lẽ điểm sáng đáng hoan nghênh của Cánh Diều 2018 là chủ trương khuyến khích nội lực phim Việt.


 
Giải Cánh Diều được tổ chức hàng năm, có cơ cấu giải thưởng đủ mọi thể loại, nhưng công chúng cũng chỉ tập trung vào sự vinh danh dành cho Phim truyện điện ảnh xuất sắc. Nếu như tại Liên hoan phim Việt Nam, bộ phim Em chưa 18 được trao Bông Sen Vàng, thì Cánh Diều 2018 đưa bộ phim Cô Ba Sài Gòn lên vị trí cao nhất. Ở hai sân chơi mang hai đặc tính khác nhau, sự chạm trán giữa Em chưa 18Cô Ba Sài Gòn nói cho cùng chỉ phụ thuộc vào quan niệm thẩm mĩ của những người cầm cân nảy mực. Cánh Diều Vàng muốn dị biệt với Bông Sen Vàng chăng? Rất có thể, nhưng thực tế lại có đắn đo thỏa hiệp. Nếu bộ phim Cô Ba Sài Gòn được vinh danh Phim truyện điện ảnh xuất sắc kèm giải thưởng Biên kịch xuất sắc, thì hai giải thưởng Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc lại thuộc về bộ phim Em chưa 18.

Cánh Diều năm ngoái có đến 40 phim truyện điện ảnh tham gia tranh tài, thì Cánh Diều 2018 chỉ có 13 ứng viên. Lí do cũng đơn giản, khi không cho phép thể loại phim remake có mặt thì số lượng phim truyện điện ảnh cũng sụt giảm ngay. Dù là tín hiệu không vui, nhưng ai cũng thấy nhiều nhà sản xuất đang hồ hởi mua bản quyền những phim ăn khách nước ngoài để làm lại, hòng tận dụng danh tiếng bản gốc mà dễ dàng bán vé tại Việt Nam. Ví dụ rõ nét là doanh thu đầy hoan hỉ từ Em là bà nội của anh đến Tháng năm rực rỡ đều dựa trên hai bộ phim từng hốt bạc tại Hàn Quốc.

Cánh Diều 2018, nếu đánh giá cho sòng phẳng, thì sự vắng mặt của những bộ phim đáng chú ý như Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hoặc Lôi Báo của đạo diễn Victor Vũ… cũng khiến người hâm mộ tiếc nuối. Đặt ba bộ phim kể trên bên cạnh Em chưa 18 hoặc Cô Ba Sài Gòn thì sự chọn lựa giải thưởng Phim truyện điện ảnh xuất sắc càng gay go và càng hấp dẫn hơn.

Cần thừa nhận, Ban giám khảo Cánh Diều 2018 đã bỏ phiếu chính xác cho hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc. Bởi lẽ, bộ phim Cô Ba Sài GònEm chưa 18 hoàn toàn nhỉnh hơn so với các đối thủ còn lại như Giấc mơ Mĩ, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Dạ cổ hoài lang hoặc Yêu đi, đừng sợ.

Bộ phim Em chưa 18 được trao tặng Bông Sen Vàng từng gây sốt trong công chúng vì cách làm phim y hệt… Hollywood. Từ cách xây dựng tình huống, cách thiết kế bối cảnh cho đến cách xử lí âm thanh đều mô phỏng công nghệ làm phim của Mĩ. Tiết tấu phim nhanh, nhiều chi tiết bất ngờ, nhưng lại xa lạ với văn hóa Việt. Tôn vinh bộ phim Em chưa 18 là sự vỗ tay cho ý thức học hỏi thiên hạ, chứ không phải biểu dương giá trị sáng tạo tự thân. Vì vậy, Cánh Diều 2018 quyết định đặt cược cho Cô Ba Sài Gòn dù khả năng chiếm lĩnh thị trường kém hơn Em chưa 18.

Phải thừa nhận, đã lâu lắm điện ảnh tư nhân mới chịu đầu tư một đề tài khai thác yếu tố truyền thống dân tộc như bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Nói về vẻ đẹp áo dài, trước đây đạo diễn Lưu Huỳnh đã tạo ấn tượng không nhỏ với bộ phim Áo lụa Hà Đông, mà nếu chỉ xây dựng câu chuyện áo dài theo chiều dài lịch sử thì Cô Ba Sài Gòn không thể nào theo kịp về trình độ dàn dựng. Bộ phim Cô Ba Sài Gòn pha trộn thể loại phim tâm lí và phim giả tưởng, hơi có khuynh hướng bắt chước bộ phim The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích đồ hiệu) sản xuất vào năm 2006, một dạo xôn xao trên thị trường phim Mĩ. Bộ phim Cô Ba Sài Gòn công khai bảo vệ nét đẹp văn hóa Việt, nhưng lại hơi phóng đại về… cái bí kíp may áo dài truyền từ đời nọ sang đời kia. Sự phóng đại ấy, vừa “giả” lại vừa “tưởng”. Trong gia tộc có nghề may áo dài, người thì nỗ lực gìn giữ người thì thờ ơ buông bỏ, cuối cùng thì… giác ngộ sự quý giá của trang phục này. Điểm yếu của bộ phim Cô Ba Sài Gòn nằm ngay ở kịch bản văn học, kết cấu lỏng lẻo, chi tiết ngây ngô, tính cách nhân vật mờ nhạt… nhưng lại nhận luôn giải thưởng Biên kịch xuất sắc thì thật khó hiểu! Vai diễn Như Ý trong phim cực kì lúng túng và đơn điệu, nên diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc diễn xuất hơi… kịch!

Thành công của bộ phim Cô Ba Sài Gòn nằm ở đâu? Nằm ở khả năng tổ chức của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Phải thừa nhận, từ sự đầu tư trang phục cho đến quy trình quảng bá đều rất công phu và tốn kém. Thế nhưng, bộ phim Cô Ba Sài Gòn không đọng lại nhiều về mặt thẩm mĩ. Xem Cô Ba Sài Gòn ngoài sự mãn nhãn về những bộ áo dài đẹp mắt thì không còn gì để nhớ thương hay thổn thức với một tác phẩm điện ảnh đích thực!

Điện ảnh nước ta đang trong giai đoạn hưng thịnh của loại hài nhảm. Công thức làm phim mà các đạo diễn tự cảm thấy mình khôn khéo, cũng chỉ là phép cộng của sex, chọc cười, hành động và yêu đương. Tìm một hướng đi mới cho phim Việt không đơn giản, và không thể trông chờ ngày một ngày hai vào lớp đạo diễn hiện nay. Và một điều đáng lo ngại nữa là thế lực của hệ thống rạp chiếu. Nếu không hợp tác hoặc bắt tay với CJ Entertaiment, thì không thể chiếm thế thượng phong trong cụm rạp CGV đang chi phối toàn bộ thị trường điện ảnh. Với 52 cụm rạp khắp cả nước, CGV muốn bộ phim nào trở thành hiện tượng thì tăng xuất chiếu bộ phim ấy với mật độ dày đặc hơn. Do vậy, Cánh Diều 2018 dù muốn thổi Cô Ba Sài Gòn bay bổng lên vòm trời điện ảnh Việt nhưng cũng đành thúc thủ trên con đường tìm đến công chúng, nếu nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không nhận được sự gật gù tán thưởng của chủ nhân cụm rạp CGV. Nội lực phim Việt đang bất ổn trước… hệ thống rạp chiếu do doanh nhân nước ngoài điều hành, là một sự thật cần phải cảnh báo nghiêm túc.

Lê Thiếu Nhơn