Giải quyết đơn từ Phú Lương Thái nguyên "xin đừng câu giờ"

00:00 12/10/2020

Không có bất cứ quy định nào khi mua bán đất phải xin ý kiến người dân trong khu vực. Chưa có nhà mới được giải quyết cho mua? Chuyện tưởng "như đùa" này lại xảy ra ở Phú Lương, Thái Nguyên. 24 năm đi đòi quyền lợi chính đáng Đã xảy ra quá lâu, năm 1992, ông Nguyễn Văn Mỵ có mua của bà Vũ Thị Thơm mảnh đất có chiều bám mặt đường quốc lộ 3 là 20m, chiều sâu thửa đất 25m. Lúc mua mảnh đất này thuộc xã Động Đạt, sau tách về thị trấn Đu, huyện Phú Lương. Cùng năm 1992, ông Mỵ nhượng lại mảnh đất này cho 5 người. Thủ tục mua bán đều viết tay và có xác nhận của UBND xã Động Đạt, nộp thuế trước bạ tại Chi cục Thuế huyện Phú Lương. Trong số những người mua của ông Mỵ, 3 người đã làm nhà ở ổn định từ đó đến nay. Riêng phần đất bán cho ông Cường và 1 hộ nữa ngay sau đó xã Động Đạt lấy làm đường dân sinh mới, thay thế con đường dân sinh cũ đi vòng phía sau với lời hứa sẽ đền bù chỗ ở mới?

Mất đất làm nhà, ông Cường phải đi ở thuê. Từ đó đến nay (24 năm) ông Cường liên tục có đơn đòi giải quyết quyền lợi chính đáng của mình nhưng chưa được cấp có thẩm quyền là UBND huyện Phú Lương giải quyết xong? Giải quyết theo kiểu "câu giờ" Hàng chục lá đơn của ông Nguyễn Công Cường gửi tới UBND huyện Phú Lương và những nơi khác. Suốt 24 năm qua, chính quyền nếu thật sự vì dân thì không thể mất quá nhiều thời gian như vậy bởi những căn cứ để xem xét sự việc vẫn còn nguyên vẹn. Những người chuyển nhượng thửa đất này vẫn đang cư trú tại thị trấn Đu. Những người thay mặt chính quyền cho phép chuyển nhượng lúc bấy giờ đều đang ở tại địa phương, mặc dù có một số người đã nghỉ chế độ. Căn cứ rất quan trọng là những người mua chung mảnh đất này, 3 người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà kiên cố, ở ổn định từ đó đến nay. Con đường dân sinh cũ chính quyền quy hoạch bán đất cho các hộ xây nhà. Con đường dân sinh mới rộng 8,4m phù hợp với thửa đất ông Mỵ mua của bà Thơm có kích thước bám mặt đường quốc lộ 3 là 20m (3 hộ làm nhà bằng 12m, còn lại 8m hiện trên đường dân sinh). Khi bị lấy đất làm đường dân sinh, ông Nguyễn Công Cường đã có đơn đề nghị giải quyết. Ngay năm 1994, UBND thị trấn Đu đã thành lập đoàn kiểm tra để xác định lô đất này. Ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Chúa, nguyên là thành viên Đoàn kiểm tra lúc bấy giờ trong cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất của ông Nguyễn Công Cường (ngày 07/08/2016) khẳng định: Biên bản Đoàn kiểm tra kết luận ông Nguyễn Công Cường có mảnh đất 100m2 (4mx25m=100m2) mua của ông Mỵ nằm trên đường dân sinh hiện tại vào kho 31 quân đội. Lúc đó ông Cường đã tập kết vật liệu xây dựng để làm nhà ở. Chứng cứ hiển nhiên là vậy nhưng không biết vì lý do năng lực thực thi công việc yếu kém hay còn lý do nào khác nữa mà UBND huyện Phú Lương để kéo dài mấy chục năm qua? Huy động cả một bộ máy tham mưu từ các Phòng Tài nguyên - Môi trường; Xây dựng - Công nghiệp; Phòng Kinh tế hạ tầng; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, UBND thị trấn Đu; Tiểu khu cầu Trắng; bà con khu dân cư..., cùng hàng loạt những văn bản chỉ đạo giải quyết việc này mà vẫn không xử lý được?

Để thanh minh cho sự chậm trễ của mình, UBND huyện Phú Lương đưa ra hàng loạt lý do, khó khăn...

Dư luận cần có câu trả lời thấu đáo, đó là: Thứ nhất: Lý do đưa ra "Quá trình thay đổi đơn vị hành chính thị trấn Đu tách ra từ xã Động Đạt, quản lý hồ sơ không chặt chẽ nên việc xác minh, thu thập thông tin hồ sơ phục vụ cho việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn". Nói như vậy liệu có tính thuyết phục không, khi mà bộ máy hành chính của huyện rất chính quy và hùng hậu? Ở đây có hay không sự thiếu trách nhiệm, vô cảm với nỗi khổ của người dân? Vì sự việc này đã có kết quả kiểm tra ngay từ khi thành lập xong thị trấn (1994). Không phải lúc chuyển giao thì lí do chia tách đơn vị hành chính là không thể chấp nhận? Thứ hai: Lấy lý do xác minh trên bản đồ 299 không có thửa đất diện tích 447m2 ông Mỵ mua của bà Thơm để bán trong đó có ông Cường? Dư luận đặt câu hỏi ngược lại là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 hộ cùng mua với ông Cường thì căn cứ vào thửa đất nào, nguồn gốc ra sao? Nếu nó cũng không nằm trong thửa đất ông Mỵ mua của bà Thơm thì chắc chắn phải có khuất tất nào đó cần phải được làm rõ? Thứ ba: Để có căn cứ giải quyết, Phòng Tài nguyên - Môi trường yêu cầu ông Cường cung cấp thêm những văn bản pháp lý và chỉ ra được thửa đất của mình trên bản đồ thì thật không còn gì để bàn. Bởi họ thừa biết ông Cường chỉ mới có được hồ sơ chuyển nhượng xong thì đã bị mất đất làm đường đi do chính quyền thu hồi mà chỉ có lời hứa đền bù bằng miệng? Bản thân ông Cường học chưa hết phổ thông, chỉ hàng ngày phụ vợ bán bánh cuốn ăn sáng thì làm sao biết được bản đồ mà chỉ ra đất của mình?Đưa lý do "đánh đố" không giải quyết là sự coi thường, vô cảm trước nỗi khổ của người dân.

luat-dat-dai

Thứ tư: Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, UBND huyện Phú Lương cho rằng vị trí con đường dân cư mới thuộc thửa 121, tờ bản đồ 35, diện tích 350m2 đã được thu hồi làm khu dân cư nhưng không nói rõ thuộc bản đồ nào, địa chính hay 299 đường đi này có khớp với diện tích 350m2 hay không? Mối liên hệ giữa 2 bản đồ này có sai sót gì không? "Khổ chủ" than trời? Một trăm mét vuông đất mua làm nhà từ lúc tóc còn xanh, 24 năm mỏi mòn chờ đợi đến nay vẫn xác minh đợi chờ? Nhưng bức xúc hơn việc kiểm tra nơi ở của công dân lấy lý do để "xác minh sự việc", bỏ phiếu tín nhiệm để xác minh nguồn gốc đất mua thì chỉ còn biết ngửa mặt kêu cứu trời xanh.Dân đã khổ quá rồi xin đừng "câu giờ" thêm nữa! PV: N.B Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có thêm thông tin mới.