Giải pháp phát triển doanh nghiệp trong làng nghề gỗ đồng kỵ

00:00 12/10/2020

DNHN: Làng nghề Gỗ Đồng Kỵ hiện có trên 18.000 dân, trong đó  trên 200 doanh nghiệp và hàng nghìn xưởng sản xuất hộ gia đình. Đã nhiều năm qua, làng nghề gỗ Đồng Kỵ là nơi tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động cả các vùng lân cận và tiêu thụ phần lớn các sản phẩm đồ gỗ tại địa phương với nguồn hàng xuất khẩu, chủ yếu là hàng thô, cho thị trường Trung Quốc và cung cấp cho thị trường trong nước. Hiện nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu sụt giảm, các DN tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ đang rơi vào tình trạng khó khăn.

lang-go-truyen-thong-dong-ky-bac-ninh

một góc cửa hàng gỗ đông kỵ ( ảnh internet) Theo tôi, có mấy nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đó là: Lâu nay, Làng nghề gỗ Đồng Kỵ đang bị phụ thuộc chính đến 90% vào thị trường Trung Quốc và sản phẩm chủ yếu là xuất thô. Văn hóa Đồ gỗ lại không phải là văn hóa Việt Nam mà là văn hóa đồ gỗ của người Trung Quốc.Trang thiết bị máy móc sản xuất, làm tinh, đánh bóng, hoàn thiện thì nghèo nàn, lạc hậu, không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cho thị trường Quốc tế. Do phụ thuộc vào thị trường thương mại của Trung Quốc nên những năm gần đây sản phẩm đồ tinh bị bỏ qua, các doanh nghiệp  chạy theo sản phẩm đồ thô, giá trị hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu là buôn gỗ, nhập nóng, bán nóng...không còn giữ được ý nghĩa làng nghề sản xuất mà trở thành làng nghề thương mại. Do đó, hầu hết các Nghệ nhân, thợ có tay nghề cao không còn hào hứng làm nghề nữa, càng ngày càng bị mai một, sản phẩm tinh không bán được mà nghiễm nhiên bị chuyển giao sang thị trường Trung Quốc. Tay nghề thợ bị đi xuống. Sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ chưa với tay xuất khẩu sang được thị trường Quốc tế. Mặt khác, Nhà nước và địa phương chưa có chính sách dành riêng cho khôi phục, duy trì và phát triển Làng nghề gỗ Đồng Kỵ; chưa có chế độ đãi ngộ cho Nghệ nhân làng nghề, nên thu nhập của thợ có tay nghề thấp, không có thù lao hỗ trợ để duy trì nghề. Sản phẩm làm ra không gắn hồn người Việt.  Để doanh nghiệp trong Làng nghề gỗ Đồng Kỵ tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các doanh nghiệp đồ gỗ trong cả nước phát triển bền vững cần thực hiện các giải pháp như sau: - Nhà nước và tỉnh cần có chính sách đặc thù riêng cho Làng nghề gỗ Đồng Kỵ; chính sách cần được minh bạch, rõ ràng không đùn đẩy, thái độ phục vụ giữa chính quyền địa phương với Doanh nghiệp cần được cải thiện hơn; Tránh gây phiền hà, sách nhiễu cho các doanh nghiệp. Đó là chính sách về đất đai (quỹ đất sạch có quy hoạch ngay tại làng nghề); Chính sách cho vay ưu đãi đối với làng nghề; Hỗ trợ kinh phí công tác đào tạo nghề, trong đó đào tạo nâng cao tay nghề tại chỗ cho thợ lành nghề (được thực hành tại xưởng) để duy trì giữ nghề, phát triển làng nghề lâu dài; Tổ chức thường niên các cuộc thi tay nghề cho các thợ lành nghề để vinh danh các làng nghề, các nghệ nhân, các doanh nghiệp có uy tín. Đặc biệt có chính sách, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, khích lệ quan tâm các nghệ nhân đã được phong tặng, để các nghệ nhân yêu nghề, giữ nghề, truyền nghề cho các thế hệ sau v.v.

nghe-nhan-go-dong-ky

Nghệ nhân Vũ Văn Quý TGĐ Công ty mỹ nghệ gỗ Hưng Long

- Tỉnh cần đứng ra tổ chức hỗ trợ kinh phí cho các cuộc Hội thảo chuyên đề về phát triển làng nghề, trong đó đi sâu vào các chuyên đề như: Bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa cổ, mang tính dân gian. Nhằm thổi hồn vào các tác phẩm gỗ, để nâng cao giá trị sản phẩm Đồ gỗ mỹ nghệ  lên một tầm cao mới; Chuyên đề gìn giữ những nét truyền thống văn hóa cổ của làng nghề do các nghệ nhân thế hệ trước lưu truyền và cần có đề án quy hoạch khu trung tâm Hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm cho làng nghề, trong đó quy hoạch toàn bộ hệ thống hạ tầng như khu đi bộ, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, khu trưng bày sản phẩm Mỹ nghệ gỗ Đồng Kỵ đồng thời chỉ đạo đưa chương trình tham quan tour Du lịch tâm linh gắn với Du lịch làng nghề gỗ Đồng Kỵ vào một trong những chương trình tham quan du lịch về nguồn, du lịch văn hóa tại địa phương nhằm quảng bá cho thương hiệu làng nghề gỗ Đồng Kỵ cho khách tham quan trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở mang thị trường trong và ngoài nước. Đối với các hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, đặc biệt doanh nghiệp tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ, tỉnh cần hỗ trợ cho có kinh phí thường niên để được đi khảo sát thị trường, tổ chức tập huấn kiến thức quản lý Doanh nghiệp, tổ chức tham quan, xúc tiến thương mại, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm đối tác và thị trường xuất khẩu ổn định.v.v. Nghệ nhân Vũ Văn Quý  TGĐ Công ty mỹ nghệ gỗ Hưng Long