Giấc mơ nhà máy thông minh vẫn xa vời

00:00 12/10/2020

Một nhà máy thông minh xem ra đang là “giấc mơ” quá xa vời với các doanh nghiệp Việt. Nhiều khảo sát cho thấy Việt Nam chưa có nhiều mô hình về nhà máy thông minh trên thực tế, có chăng chỉ một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn làm được điều này.

Theo khảo sát với 500 doanh nghiệp (DN) và 200 hộ gia đình trong ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp Việt Nam của Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc, thiếu thông tin và thiếu vốn là 2 rào cản chính cho công cuộc số hóa ở cấp độ DN trong các ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp tại Việt Nam.

Việc không nhận thức rõ các lợi thế kinh tế và tác động của việc áp dụng công nghệ cũng như chi phí đầu tư cao là những thách thức quan trọng nhất đối với việc số hóa ở Việt Nam, đặc biệt là cho các DN vừa và nhỏ (DNVVN).

Chưa sẵn sàng chuyển đổi

Đáng chú ý, về sản xuất thông minh, chỉ 20% DN được khảo sát cho biết thiết bị sản xuất kết nối của họ cho phép truy cập công nghệ thông tin (CNTT) và cung cấp thông tin tức thời về quá trình sản xuất. Khoảng 30% DN đang áp dụng các công nghệ mới như dây chuyền sản xuất tự động, hệ thống sản xuất linh hoạt, sản xuất tích hợp trên máy tính hoặc trồng cây trong nhà, canh tác theo chiều dọc, canh tác bằng nước biển, nông nghiệp chính xác.

Chỉ có 20% trong số các DN này thường xuyên thu thập dữ liệu từ tất cả các khâu của quá trình sản xuất và lưu trữ dữ liệu điện tử. Một tỷ lệ nhỏ hơn (dưới 18%) có đầu tư hệ thống giám sát tức thời về quy trình sản xuất và có hệ thống cho phép điều chỉnh sản xuất tức thời theo những thay đổi về nhu cầu.

Nhìn chung, đa số DN được khảo sát đang trong quá trình xem xét lựa chọn chuyển đổi số và một số (35%) đã có kế hoạch chi tiết và phân bố kinh phí cho việc ứng dụng số. Các DN sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất về cơ sở hạ tầng và hậu cần (40%), mức độ chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh vẫn còn thấp (20%).

Khảo sát trên 2.000 DN thuộc 17 nhóm ngành của Bộ Công Thương cũng cho thấy kết quả tương tự, như: chưa có các mô hình về nhà máy thông minh trên thực tế tại Việt Nam. Điểm sẵn sàng về nhà máy thông minh thấp (0,35 điểm) do tính sẵn sàng của 3 trụ cột (khả năng kết nối thiết bị theo yêu cầu trong tương lai, áp dụng các mô hình kỹ thuật số và tính năng kiểm soát, kết nối thiết bị hiện tại còn thấp.

Bà Phạm Thị Hương, Giám đốc CTCP Chế tạo máy Autotech Việt Nam – đơn vị thiết kế chế tạo các dây chuyền máy móc tự động hóa trong công nghiệp, chia sẻ nhà máy thông minh là sự tiến bộ tổng hợp từ một hệ thống sản xuất tự động hoá truyền thống sang hệ thống kết nối sản xuất linh hoạt để có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tự học và thích nghi với nhu cầu thị trường và sản xuất.

Hiểu đơn giản đó là kết nối phần mềm ứng dụng vào hệ thống máy móc để đưa ra quyết định hỗ trợ tối ưu nhất cho công việc quản lý và điều hành nhà máy.

Tuy vậy, khi trả lời câu hỏi triển khai nhà máy thông minh ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào, bà Hương cho biết đến thời điểm hiện tại, theo kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa hơn 10 năm nay, thực tế khách hàng chính của DN này là DN FDI chứ chưa có DN Việt Nam nào.

Theo bà Hương, để làm được nhà máy thông minh trước hết phải áp dụng được tự động hoá trong sản xuất. Các DN Việt Nam cũng đang tiếp cận và mong muốn áp dụng tự động hóa để tăng năng suất nhưng có không ít vướng mắc khiến việc ứng dụng chưa nhiều.

“Chúng tôi không phải không mong muốn cung cấp giải pháp công nghệ cho DN Việt Nam nhưng khi chào hàng cho DN Việt Nam thì DN gặp nhiều khó khăn trong quyết định đầu tư, đó là chi phí đầu tư cho công nghệ tự động hóa quá lớn. Đây cũng là khó khăn nhất với DN Việt Nam”.

Cùng với đó, nhận thức của lãnh đạo về tự động hoá sản xuất cũng là một điểm khó. Làm sao để DN hiểu được ý nghĩa của tự động hóa trong quá trình sản xuất là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Giac-mo-nha-may-thong-minh-van-2529-4893

Điểm sẵn sàng về nhà máy thông minh của DN Việt rất thấp

Trợ lực cho DN có “tâm”

Hoạt động trên thương trường đã lâu, song ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, thừa nhận DN này vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc chuyển đổi quá trình sản xuất. Công ty mới chỉ thực hiện thúc đẩy tin học hóa các dây chuyền, còn chuyển đổi số thành DN thông minh thì còn rất xa.

Ông Thăng cho biết để DN sản xuất thông minh thì phải có một kho dữ liệu. 60 năm nay, Rạng Đông cũng có tương đối nhiều dữ liệu nhưng không khai thác và phân tích được, không tạo được giá trị.

“Phải có trí tuệ thông minh để dự đoán được tình hình, rủi ro, xu hướng sắp tới để ra quyết định. Một nhà máy thông minh, thực tế ảo còn rất là xa, chúng tôi mới thực hiện được giai đoạn đầu nhưng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Thăng nói.

Chuyển đổi số ở các DN đối mặt nhiều rủi ro và không thành công nhiều, một số liệu thống kê chỉ ra có tới 70-80% DN đối mặt với thất bại trong chuyển đổi số nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và được hưởng những ưu đãi cụ thể.

Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ xây dựng nhà máy đèn Led 4.0, chi phí ít nhất là trên 800 tỷ đồng, vì vậy công ty Rạng Đông cho biết rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiền thuê đất, thuế ưu đãi.

Tuy vậy, thực tế là có những DN có tiền cũng không thể tự động hóa hoàn toàn trong sản xuất. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết ngành may là ngành sử dụng lao động lớn. Ví dụ, May 10 có 12.000 lao động ở 18 nhà máy, nên làm sao cố gắng tự động hoá sản xuất, ít có sự tham gia của người lao động là tốt nhất.

Vậy nhưng, bản thân lãnh đạo May 10 cũng chia sẻ một số lý do đặc thù khiến việc áp dụng dây chuyền máy móc hạn chế như sản phẩm may mặc là sản phẩm đặc thù. Nam giới mặc veston, sơ mi thì không cái nào giống cái nào… Nguyên liệu, chất liệu tạo ra sản phẩm cũng đa dạng. Cùng áo sơ mi nhưng có vài trăm chủng loại vải, cấu trúc dệt khác nhau, độ co giãn khác nhau, thành phần khác nhau, tính thời vụ của sản xuất, nhìn như có thể sản xuất hàng loạt nhưng lại là sản xuất đơn chiếc trong dây chuyền sản xuất hàng loạt. Điều đó dẫn tới khó khăn để nhà máy chuyển đổi số hoàn toàn.

Ông Việt cho biết DN này sẵn sàng đầu tư những thiết bị hàng đầu của Đức và Nhật nhưng các thiết bị này cũng chỉ giải quyết được một vài công đoạn, nhà máy thông minh ở khâu cắt và hoàn thiện đóng gói, còn khâu may rất khó tự động hoá. Ví dụ máy cắt thay thế 8 lao động và tự động hoàn toàn từ rải vải, dắt mẫu, là, gấp nhưng may thì rất khó, trong khi công đoạn này chiếm 70% quy trình sản xuất.

“Do vậy, tuy nói ngành may dễ bị rotbot thay thế và mất 80% lao động nhưng để tự động hoá 30% là tốt lắm. Kể cả đầu tư nhà máy thông minh từ đầu đến cuối nhưng sản xuất chất liệu thay đổi liên tục nên sẽ rất khó khăn để áp dụng tự động hóa”, ông Việt chia sẻ.

Lê Thúy