Giá trị Sản phẩm OCOP: Hướng tới tầm quốc gia, toàn cầu

00:00 12/10/2020

Khẳng định hiệu quả khi góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được kỳ vọng không chỉ là chương trình địa phương mà sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm lên tầm quốc gia, toàn cầu.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh luôn thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, mua sắm

Khởi nghiệp từ cây trà hoa vàng, trước đây, anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) thường vào rừng tìm kiếm từng bông trà hoa vàng rồi gom lại đem bán cho thương lái Trung Quốc. Xác định trà hoa vàng từ rừng rồi sẽ hết, nhất là trong bối cảnh khách hàng tăng thu mua cả bông, lá, thân và rễ cây, từ năm 2006, anh bắt đầu vỡ đất hoang, trồng cây trà hoa vàng. Năm 2013, anh mang trà hoa vàng đến hội chợ bán, người dân bắt đầu biết đến sản phẩm. Sau đó, được sự hỗ trợ của Chương trình OCOP trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tư vấn thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, đến năm 2017, sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã được Ban điều hành OCOP chấm điểm đạt tiêu chuẩn 5 sao, là sản phẩm chủ lực cấp quốc gia. Nhờ sản phẩm này, đến nay, thu nhập của anh Nịnh Văn Trắng đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Sản phẩm trà hoa vàng không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn được tiêu thụ rất tốt ở thị trường nội địa.

Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh là một trong số rất nhiều sản phẩm đã rất thành công sau khi tham gia Chương trình OCOP. Thực tế triển khai đã khẳng định Chương trình OCOP là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh. Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, đây không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, hỗ trợ sản xuất và quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Nếu như năm đầu tiên tổ chức, hội chợ OCOP Quảng Ninh chỉ có gần 40 sản phẩm tham gia thì đến nay, đã có khoảng 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP diễn ra mới đây tại Bắc Giang, hiện cả nước có 4.823 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP. Nhân rộng hiệu quả của chương trình này, đã có một số bộ, ngành và 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề cương, 30 tỉnh lập xong đề án và 4 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam phê duyệt Ðề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020.

Khẳng định vai trò quan trọng của chương trình OCOP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước.

"Dù OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Để làm được điều này, nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ chính sách, chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần phát huy tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường để nhân rộng hiệu quả của Chương trình OCOP.

Từ nay đến năm 2020, Chương trình OCOP sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP

Bảo Ngọc