Gánh nặng “giấy phép con”

00:00 12/10/2020

Có thể khẳng định rằng, giấy phép con là “nỗi kinh hoàng” của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Nhưng kể từ ngày 1.7.2016, khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, nỗi ám ảnh kinh hoàng sẽ “ẩn nấp” ở đâu? Liệu có còn “tác oai, tác quái” đối với các DN khi tham gia thương trường?

con-dau Trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, thông điệp nhất quán của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các loại giấy phép con bất hợp lý; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển. Thông điệp này cho thấy, việc đề cao các loại “giấy phép con” để cho phép các DN ra đời - vốn được coi là trọng trách của “tiền kiểm”, thì bằng việc xóa bỏ, cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các loại giấy phép con bất hợp lý để chuyển sang quản lý các DN bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng với các DN khi đã đi vào hoạt động là một cuộc cách mạng trong việc phát triển DN cho nền kinh tế. Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong trường hợp này được hiểu là thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh - tức là đặt ra rào cản với DN ngay từ khi gia nhập thị trường, thì từ 1.7.2016, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển sang quản lý DN bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng với hàng hóa sau khi DN đã đi vào hoạt động. Và với quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển sang hậu kiểm, các công chức sẽ không thể còn ngồi trong phòng máy lạnh để ra các điều kiện kinh doanh như bấy lâu nay, mà phải sát cánh với DN để đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để từ đó cùng thực hiện theo yêu cầu của thị trường và nhu cầu xã hội. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cần ban hành điều kiện kinh doanh đối với nhiều ngành nghề, như điều kiện để kinh doanh mũ bảo hiểm hay kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, quản lý, vận hành nhà chung cư, hay kinh doanh sàn giao dịch BĐS. Cơ quan quản lý cũng chẳng cần các điều kiện kinh doanh quy định về quy mô kinh doanh tối thiểu, mà cụ thể như muốn xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, muốn kinh doanh gas phải có ít nhất 100.000 vỏ bình gas hay muốn kinh doanh taxi phải có ít nhất 50 ôtô… Theo đó, những quy định cản trở các DN nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các DN lớn sẽ được bãi bỏ, mà thay vào đó là việc phải quản lý các loại sản phẩm phải phù hợp với thị trường, thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng, xã hội mới là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng DN. Bằng việc chuyển sang “hậu kiểm”, gánh nặng giấy phép con bấy lâu đè lên cộng đồng DN sẽ “đổi vai” sang các cơ quan quản lý nhà nước. Và nếu muốn hoàn thành được trọng trách quản lý DN thời hậu kiểm, sẽ không còn cảnh công chức nhà nước “sáng cấp ô đi, chiều cắp về”. Bởi nếu không thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn để qua đó quản lý chặt chẽ DN, cộng đồng doanh nhân hãy cứ vô tư làm những điều mà luật pháp không cấm. Còn không quản lý được thì đó là trách nhiệm của cơ quan công quyền.

 CÔNG THẮNG/laodong.com.vn