Gang thép Thái Nguyên: Nhiều đại gia ngành thép "xin mua"

00:00 12/10/2020

Ít nhất đã có 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của TISCO. Sắp tới Bộ Công Thương cũng sẽ đấu giá bán cổ phần Nhà nước góp vào TISCO khoảng hơn 1.000 tỷ đồng”, lãnh đạo Bộ Công Thương tiết lộ.

gang-thep-thai-nguyen

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Với dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), trao đổi với báo chí, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay, dự án này phải thẩm định giá xong thì mới có thể có phương án chính xác để xử lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước mắt chủ trương là không để nhà máy phải phá sản. Hiện để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử lý đối với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án và của công ty. Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, sắp tới Bộ Công Thương dự kiến sẽ đề nghị thanh tra toàn bộ dự án. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án này. Tuy nhiên cho biết, dự án có thể sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân. "Ít nhất đã có 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của TISCO. Sắp tới Bộ Công Thương cũng sẽ đấu giá cổ phần Nhà nước góp vào TISCO. Vốn Nhà nước vào TISCO khoảng hơn 1.000 tỷ, giờ thoái số vốn này”, vị này cho hay. Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hiện đang là 1 trong 12 dự án nằm đầu tư hiệu quả kém phải xử lý thuộc ngành công thương. Mới đây nhất, chiều ngày 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công văn yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách Nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo từng đơn vị để xử lý các dự án, xem xét kỹ, toàn diện các mặt để có phương án xử lý sớm nhất, đồng bộ, hiệu quả tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bình luận về phương án xử lý dự án này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) từng cho rằng: “Thà bỏ đi một lần còn hơn”. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng từng cho biết, không nên “ném” thêm tiền vào dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Vị chuyên gia này cũng cho biết, tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, rà soát nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Trường hợp xét thấy không thể đảm bảo hiệu quả phải “cắt đi”, tìm cách xử lý thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì nếu tiếp tục có thể còn mất nhiều hơn. Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng, trong đó 45% vay VDB, 45% Vietinbank và 10% vốn tự có của chủ đầu tư. Dự án mở rộng được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án vẫn chưa hoàn thành. Tính đến thời điểm 30/6/2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt 4.539,7 tỷ đồng. Công ty đã lập báo cáo số 282 ngày 10/5/2016 để kiến nghị Bộ Công Thương về các đề xuất phê duyệt điều chỉnh lần 2 tổng mức đầu tư dự án kèm theo các điều kiện ưu đãi về cơ chế tín dụng, thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng được hoàn của tổng mức đầu tư. Tại thời điểm trên, TISCO đang trong “thế kẹt” giữa việc tiếp tục hay buông bỏ dự án khi số tiền giải ngân đã quá lớn. Phát biểu trên báo chí, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc TISCO cho biết, có hai lối thoát có thể lựa chọn là đầu tư tiếp, khi dự án hoạt động tốt Nhà nước mới thoái vốn cho tư nhân làm, hoặc Nhà nước bán toàn bộ công ty, để tư nhân nắm quyền chi phối thì mới có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư bên ngoài. Không lâu sau đó, phát biểu tại một hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố thẳng rằng “Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa”. Tiếp đó, hồi tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: bán dự án, bán Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Phương Dung/dantri