Gần 50% máy tính tại Việt Nam bị lây mã độc

00:00 12/10/2020

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, đại diện Bộ Thông tin&Truyền thông (TT&TT) cho biết, gần 50% máy tính tại Việt Nam bị “nhiễm độc"

Ngày 9/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, do Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (BCĐ 138/CP) tổ chức, đại diện Bộ Thông tin&Truyền thông (TT&TT) cho biết, gần 50% máy tính Việt Nam bị “nhiễm độc". Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì. Lo ngại tình trạng máy tính bị “nhiễm độc” Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, năm 2015 có hơn 19.000 lượt tấn công mạng xảy ra ở Việt Nam, trong đó hơn 8.000 cuộc tấn công thay đổi giao diện tên miền “.vn”; hơn 200 cuộc tấn công thay đổi giao diện tên miền “.gov.vn”. Trong 9 tháng đầu năm 2015 có hơn 3 triệu địa chỉ IP nhiễm mã độc, 18.000 website nhiễm mã độc; 164 cổng thông tin điện các cơ quan Nhà nước bị thay đổi giao diện… Ngoài ra, theo các hãng bảo mật, gần 50% máy tính ở Việt Nam bị lây mã độc (xếp thứ 5 thế giới), hơn 60% cơ quan, tổ chức không ghi nhận, cảnh báo, dò quét hành vi tấn công của kẻ xấu…Nhưng nhiều cơ quan, tổ chức,  DN buông lỏng công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị cũng đã triển khai Kết luận của Ban bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 và sơ kết 06 tháng đầu năm 2016 của BCĐ 138/CP. Tại hội  nghị, báo cáo về một số loại tội phạm khác cũng đáng lo ngại. Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, các lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 153 vụ mua bán người, bắt giữ 202 đối tượng... Phần lớn các vụ việc xảy ra ở các tỉnh chung đường biên giới phía bắc, tây nguyên, các tỉnh phía nam. Đại diện CA TP Cần Thơ cho biết, hiện địa phương này có 800 trẻ em, được sinh ra từ buôn bán người, có “giấy khai sinh” quốc tịch nước ngoài. Khi đăng ký đi học, các cháu phải làm lại giấy khai sinh, mang họ ông, bà, thậm chí cô, dì, chú, bác bên ngoại… Tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2016, Cục 45 (Bộ CA)  khám phá 1 vụ, với 2 đối tượng buôn bán người, riêng từ tháng 5 đến tháng 7/2016, không có vụ nào. Ngoài ra, phạm pháp hình sự trên địa bàn TP giảm 15,2% so cùng kỳ 2015; kết quả khám phá chung đạt 78,7%, trọng án đạt 96,2%... Các loại tội phạm như: cướp, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hiếp dâm, cố ý gây thương tích… đều giảm, không để tồn tại các tụ điểm về TNXH gây nhức nhối trong dư luận; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội hoạt động lộng hành, kéo dài. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2016, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn TP, bảo đảm an toàn, không để xảy ra trọng án. Không để xã hội “đen” lộng hành Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết,  nhiệm vụ những tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTP, theo phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả); đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công khai, minh bạch các chủ trương, quan điểm xử lý của lãnh đạo các cấp trong công tác bảo vệ ANTT. Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ và có hiệu quả thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp đã ký kết, thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT trên tất cả các lĩnh vực, củng cố ngày càng vững chắc các nhân tố ổn định chính trị - xã hội ở Thủ đô. TP Hà Nội đề xuất với TƯ 4 kiến nghị. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật PCTP, có sự thống nhất trong đường lối xử lý tội phạm, tránh để những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong xử lý tội phạm ở địa phương, như khi xử lý án ma túy…; Điều chỉnh Luật thống nhất và phù hợp với thực tiễn đấu tranh PCTP (như danh mục các hành vi vi phạm TTATXH) để áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, đưa vào cơ sở GD bắt buộc… ; Nhanh chóng luật hóa các nội dung thực tế phát sinh trong đấu tranh PCTP (chất ma túy mới đưa vào danh mục quản lý; quản lý vũ khí, vật liệu nổ…, quản lý đối tượng phạm tội hoạt động lưu động; người sử dụng ); tăng cường công tác phối hợp PCTP, với các địa phương lân cận Hà Nội như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn…; Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm; Thủ đô cần có cơ chế đặc thù trong phòng chống và đấu tranh với các loại tội phạm. Phát biểu kết luận hội nghị,  Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu, các cấp ủy Đảng, và chính quyền địa phương phải tích cực vào cuộc trong công tác PCTP, nêu cao vai trò người đứng đầu cơ quan, địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác này. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, với các địa phương để tập trung chống buôn bán ma túy, buôn bán người, gian lận thương mại… ; Làm tốt công tác dự báo, mà nòng cốt là  lực lượng Công an, có các giải pháp triển khai hiệu quả, để ngăn chặn những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao…  Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, không để tình trạng xử án oan sai, để loạt tội phạm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận kiến nghị của TP Hà Nội và yêu cầu Ban chỉ đạo 138/CP xem xét, nghiên cứu để có cơ chế, giải pháp phù hợp với thực tiễn của Thủ đô trong công tác PCTP.
Anh Quý/kinhtedothi.vn