Game show hài sẽ thế nào nếu khán giả quay lưng?

00:00 12/10/2020

Rating của một số game show hài đang giảm mạnh từ những tháng cuối năm 2016 đến đầu 2017. Thực trạng này ngầm báo về sự quay lưng của khán giả đối với các game show. Và game show liệu có thể “sống” nổi nếu cứ để thực trạng này kéo dài.

Rating game show hài đang giảm mạnh? Theo thống kế của một công ty chuyên về cung cấp các giải pháp quảng cáo trên truyền hình thì năm 2016, Việt Nam có 30 chương trình hài hước với đủ các thể loại từ ca nhạc, diễn xuất đến vận động, thử thách phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương. Có đến hơn 85% game show được phát sóng vào các khung giờ từ 10h - 14h và 18h - 22h mỗi ngày. Theo báo cáo của công ty Vietnam - Tam trong tháng 4/2016, thời lượng mỗi khán giả dành để xem ti vi đạt 2h36’ mỗi ngày. Trong đó, có đến 1h50’ thời lượng dành để theo dõi các chương trình thể loại game show. Nhóm chương trình âm nhạc, tài năng, truyền hình thực tế… thuộc Top những lĩnh vực được nhiều người xem quan tâm theo dõi ở cả hai khu vực Hà Nội và TPHCM, rating đạt 1.5 - 2.0% mỗi tuần). Dẫn đầu các game show hài là: Ơn giời! Cậu đây rồi, Cười xuyên Việt và Thách thức danh hài. Đa phần các game show "bùng nổ" trên màn ảnh nhỏ hiện nay hầu hết do các nhà sản xuất tại TPHCM như: BHD, Cát Tiên Sa, Truyền thông Khang, Đông Tây Promotion, Điền Quân Media... mua bản quyền từ nước ngoài về Việt hóa, “biến tấu” để sản xuất, phát sóng. Vì thế, bên cạnh một số game show thu hút khán giả bằng những sáng tạo mới lạ thì nhiều game show phải sử dụng đến các chiêu trò để “hút” khán giả. Và “chiêu” mà nhà sản xuất nào cũng “mò” tới đó là “chiêu dụ” bằng được những tên tuổi “hot” giữ vai trò giám khảo, huấn luyện viên, MC... Trước đây, Hoài Linh - Việt Hương được xem là hai tên tuổi “bảo chứng tỷ suất người xem” cho nhiều game show và phim chiếu rạp. Tuy nhiên, “cán cân” đã có sự dịch chuyển khi Trấn Thành và Trường Giang “bám đuổi” sát nút. Chỉ tính riêng năm 2016, Trấn Thành và Trường Giang “phủ sóng” tới 15 game show lớn nhỏ. Cả hai diễn viên này chiếm sóng truyền hình nhiều tới mức nhiều người phải thốt lên: “mở ti vi là thấy Trấn Thành”, “mở ti vi là phải xem Trường Giang…”. Với mật độ phủ sóng một cách dày đặc trên các game show truyền hình khiến cho các diễn viên hài trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo. Nói như một số nghệ sĩ là họ không có thời gian để tái tạo tư duy nghề nghiệp và trau dồi cho tác phẩm của mình. Vì lẽ đó, họ bị cạn kiệt sức sáng tạo, đi vào lối mòn của chính mình và bế tắc trước những đòi hỏi của game show. Về lâu dài, họ bị trượt dài trong lối mòn của chính mình và tạo nên sự nhàm chán cho khán giả. Ngoài ra, game show hài với một format không thay đổi, sử dụng nhiều chiêu trò biến tiếng cười càng lúc càng bị dễ dãi, nhảm nhí và tục tĩu… khiến cho khán giả càng mất lòng tin. Và đó là một trong những nguyên nhân khiến game show trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2017 bị sụt giảm đáng kể về lượng rating. Theo tìm hiểu, dù được phát sóng vào khung giờ vàng và từng là nhóm chương trình có tỷ suất thu hút khán giả cao nhất từ những tháng đầu năm 2016 đến nay nhưng tính đến nay nhiều game show hài đã bị sụt giảm rating đáng kể. Kéo theo đó là giá quảng cáo cũng hạ thấp theo. Ghi nhận của Vietnam - tam, nếu trong tháng 4/2016, mức giá cao nhất cho một Spot quảng cáo 60s đã đạt 440 triệu đồng; chi phí cao nhất cho một Spot 30s cũng đạt mốc 250 triệu đồng một lượt phát sóng thì nay con số nay đã bị giảm khá đáng kể. Game show truyền hình làm gì nếu khán giả quay lưng? Từ câu chuyện ồn ào của thí sinh Tấn Lợi đoạt giải Quán quân của “Thách thức danh hài” nhờ trò diễn hài tục tĩu và những phản ứng của ca sĩ Hương Lan trước những trò đùa của Việt Hương - Hoài Tâm trong đám cưới Đình Bảo vừa qua, câu chuyện về việc “tẩy chay” game show hài nhảm lại được xới lại mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Rất nhiều khán giả đã lên tiếng chỉ trích những “trò lố” của các game show hài, đồng thời đề nghị tẩy chay hoặc quay lưng với các game show đó. Ngay sau hai bài viết “Vì sao người diễn hài nhiều mà tiếng cười lại rẻ rúng, dung tục?” và “Game show hài, nghệ sĩ trẻ đang làm “biến dạng” tiếng cười?” đăng trên báo Dân trí, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời chia sẻ của bạn đọc về thực trạng sân khấu hài hiện nay. Phần đa ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với hai bài viết khi phản ánh đúng thực trạng của game show hài và đề nghị các nhà đài cần có sự kiểm duyệt nghiêm túc hơn đối với các game show này. Theo nhiều khán giả, đó chính là cách để níu khán giả ở lại với game show và cũng là cách tôn trọng khán giả - những người đang bỏ tiền để nuôi sống nhà đài, nuôi sống game show. Một độc giả có nick name “Trăm nhớ ngàn thương” viết rằng: “Những lời cô Hương Lan viết cho Việt Hương rất chí lý, chí tình. Nghệ thuật và văn hóa luôn phải song hành nhau. Nói đến nghệ thuật thì không thể không nói đến mỹ từ, cũng như nói đến người có văn hóa cẩn phải nói lời tao nhã. Trong các lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam hiện nay mà cụ thể là lĩnh vực hài, các nghệ sĩ mà rõ rệt nhất là Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Hoài Tâm… và nhiều nghệ sĩ hài khác mặc nhiên văng tục, nói lời khiếm nhã, thô thiễn… để chọc cười khán giả. Rất mong các anh chị hãy xem lại cách làm nghệ thuật của mình để xứng đáng với tư cách và tên gọi “nghệ sĩ” mà khán giả đã giành tặng cho các anh chị”.

Độc giả Hoàng Đặng lại cho rằng: “Sở dĩ game show hài đang làm rẻ rúng tiếng cười như vậy là bởi nhu cầu thưởng thức của chúng ta đã quá dễ dãi. Bởi chúng ta im lặng trước cái xấu trong văn hóa đến khi chúng đã lớn và ta chợt nhận ra ta có anh em dị tật. Hãy mạnh dạn chữa trị nó bằng cách đồng loạt tẩy chay. Chỉ có cách đó mới cứu được người anh em này!”. Độc giả Lê Các chia sẻ: “Chương trình game show hài hiện nay đang đi vào lối mòn khi thường xuyên sử dụng câu chuyện, ngôn ngữ dung tục cũng như luôn đem chuyện tình cảm cá nhân trêu đùa để chọc cười người xem. Khán giả không phải ai và không phải lúc nào cũng thấy hài hước được mà sẽ càng lúc càng ác cảm đối với các nghệ sĩ. Đặc biệt, điều đó còn ảnh hưởng đến nhận thức, cách hành xử của giới trẻ. Các em bé nhỏ tuổi thì ngây ngô bắt chước theo. Xin các nghệ sĩ hãy tôn trọng những khán giả đã yêu mến ủng hộ mà lao động văn hóa chuyên nghiệp, nghiêm túc hơn”. Bản thân nghệ sĩ Tấn Beo cũng đề nghị rằng, các nhà sản xuất nên có sự tôn trọng khán giả và sớm điều chỉnh lại những điều mình đang đi quá xa. Còn riêng nhà đài, đơn vị kiểm duyệt và phát sóng chương trình thì cũng cần nhìn nhận đúng đắn hơn tổng thể các chương trình của đài. Đừng vì một “con sâu” mà phải đổ cả “nồi canh”, kéo theo hệ lụy là sự quay lưng của khán giả với các chương trình khác và đội ngũ phóng viên - biên tập viên dàn dựng các chương trình ý nghĩa khác. Hà Tùng Long/theo dantri