FED hạ lãi suất, tỷ giá VND/USD có biến động?

00:00 12/10/2020

Trước động thái giảm lãi suất khẩn cấp của FED, tác động nhãn tiền có thể thấy là diễn biến của tỷ giá VND/USD.

USD-VND-8655-1583402644.jpg

Sau 2 ngày FED hạ lãi suất, tỷ giá trung tâm của tiền đồng liên tục giảm (Ảnh minh hoạ: Internet)

Đêm 3/3 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bất ngờ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản mà không cần chờ tới cuộc họp chính thức ngày 17 - 18/3. Ngay lập tức, tỷ giá VND/USD giảm và giá vàng trong nước vượt lên ngưỡng gần 47 triệu đồng/lượng. Với Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng là ưu tiên chống dịch Covid-19 và có những chính sách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh hiện nay nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.

Tỷ giá VND/USD giảm

Sau 2 ngày FED hạ lãi suất, tỷ giá trung tâm của tiền đồng liên tục giảm. Cụ thể, ngày 4/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm VND với USD ở mức 23.204 đồng (giảm 5 đồng). Theo đó, đa số các ngân hàng thương mại giảm mạnh tỷ giá ngoại tệ đồng USD so với cuối phiên giao dịch ngày 3/3, phổ biến ở mức 23.150 đồng (mua) và 23.290 đồng (bán).

Ngày 5/3, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 23.203 đồng (giảm 1 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.850 đồng (giảm 5 đồng).

Các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh tỷ giá ngoại tệ đồng USD so với cuối phiên giao dịch ngày 4/3, phổ biến ở mức 23.145 đồng (mua) và 23.285 đồng (bán). Chẳng hạn, Vietcombank và Vietinbank niêm yết ở mức 23.145 đồng (mua) và 23.285 đồng (bán); BIDV: 23.140 đồng (mua) và 23.280 đồng (bán); ACB: 23.160 đồng (mua) và 23.270 đồng (bán).

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc FED hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước dịch Covid-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của nhiều quốc gia khác trên thế giới chứ không riêng VND, nhưng lần này tác động của điều chỉnh sẽ sâu hơn đối với tỷ giá VND/USD và sâu xa hơn là vấn đề xuất khẩu của Việt Nam.

Có thể thấy, năm 2019, FED hạ lãi suất 3 lần, tỷ giá trung tâm VND/USD cũng giảm khá tương ứng. Cùng với đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam cũng giảm. Các mức từ 2,5% - 2,8%/năm tùy kỳ hạn đầu năm 2019 đã từng bước giảm xuống còn 1,7% đến hơn 2%/năm, duy trì khá ổn định đến nay.

Thông tin về hoạt động ngân hàng từ ngày 24-28/2 được NHNN mới công bố cho thấy, lãi suất USD bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong tuần gần như không có sự dao động so với mức lãi suất tuần trước ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 1,63%/năm, 1,7%/năm và 1,81%/năm.

Hiện, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.

Nay, quyết định mới của FED cũng sẽ tác động đến lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay giữa ngân hàng với các tổ chức doanh nghiệp

Nên sử dụng chính sách tài khóa

Trước động thái giảm lãi suất khẩn cấp của FED, các chuyên gia đưa ra nhận định VND sẽ mạnh lên trong ngắn hạn, bởi lãi suất USD giảm trong khi lãi suất VND vẫn đang giữ ổn định và chưa có biện pháp quyết liệt giảm lãi suất.

Bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích vĩ mô Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, không loại trừ khả năng xuất hiện sự khủng hoảng mạnh hơn khi Covid-19 ngày càng có diễn biến trầm trọng.

"Hiện tại, thị trường vẫn chỉ dự đoán kinh tế suy giảm chứ chưa thể xảy ra khủng hoảng, nhưng nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp thì không ai nói trước được. Lúc đó sẽ là "cuộc đua xuống đáy" của tất cả các quốc gia trên thế giới như phá giá tiền tệ, giảm lãi suất. Tỷ giá của VND sẽ không nằm ngoài vòng xoáy này", bà Yến nhấn mạnh.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ và NHNN nên xem xét hạ trần lãi suất, bởi hiện nay một số quốc gia trên thế giới cũng đã hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên cần phải thận trọng bởi lạm phát đang quay trở lại. Đồng thời, NHNN vẫn hút tiền về qua kênh tín phiếu nên không thể mạnh tay cắt giảm lãi suất như các nước khác.

"Chính sách tiền tệ không hiệu quả và không nhiều dư địa, vì vậy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế nên thiên về tài khóa nhiều hơn", đại diện BVSC khuyến nghị.

Đồng tình, nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng, trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Thanh Hoa