Eximbank: Hành trình trượt dốc của một ngân hàng đầu ngành

00:00 12/10/2020

 Đã từng có thời điểm Eximbank thuộc top 5 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam nhưng hiện tại ngân hàng này chỉ còn là cái bóng của chính mình 5 năm về trước.

Nhiều năm tăng trưởng "thần kỳ" Nhìn lại 10 năm hoạt động kinh doanh của Eximbank, hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước chặng đường đầy thăng trầm mà ngân hàng này đã trải qua. Năm 2006, Eximbank khi đó vẫn là một ngân hàng TMCP với quy mô nhỏ, tổng tài sản vào khoảng 18.327 tỷ đồng, lãi thuần 352 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế còn lại khoảng 258 tỷ đồng. Khi đó Eximbank cũng chưa đầu tư vào nhiều lĩnh vực như hiện nay. Trong vòng 5 năm, từ 2006 đến 2010, các chỉ số của Eximbank tăng cực kỳ ấn tượng, khiến nhiều chuyên gia cũng như giới đầu tư phải ngạc nhiên.
Đấu đá nội bộ là một trong những nguyên nhân chính khiến Eximbank "tuột dốc không phanh"
Đấu đá nội bộ là một trong những nguyên nhân chính khiến Eximbank "tuột dốc không phanh"
Từ một ngân hàng TMCP cỡ nhỏ, năm 2010 Eximbank trở thành ngân hàng TMCP tầm trung với tổng tài sản lên tới 131.111 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với 5 năm trước đó. Các chỉ số cho vay khách hàng, tiền gửi của khách hàng cũng đều tăng hơn 6 lần so với năm 2006. Thu nhập lãi thuần năm 2010 đạt 2.883 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, gấp tới 7 lần so với năm 2006. Đỉnh điểm phát triển của Eximbank chính là giai đoạn 2011 - 2012. Có thể nói đây là quãng thời gian hoàng kim nhất của ngân hàng  này kể từ khi đi vào hoạt động chính thức năm 1990. Trong năm 2011, tổng tài sản ngân hàng đạt 183.567 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2010. Đây cũng là năm Eximbank khẳng định được vị trí của mình trong toàn hệ thống, khi tổng số tiền mà ngân hàng này gửi và cho vay tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác là 64.529 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010. Số tiền này vào năm 2010 cũng đã tăng rất mạnh so với 2009. Các TCTD khác cũng đã đẩy mạnh gửi tiền vào Eximbank lên tới 71.859 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm trước. Trong năm, lãi thuần của Eximbank tạo đỉnh 5.304 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế cũng đạt đỉnh 3.039 tỷ đồng. Năm 2012, các chỉ số của Eximbank đạt được vẫn vô cùng ấn tượng. Tổng tài sản ngân hàng đạt 170.156 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước; lãi thuần đạt 4.902 tỷ đồng; lãi ròng sau thuế đạt gần 2.139 tỷ đồng. Đây cũng là năm Eximbank mang tới một bất ngờ cho toàn ngành ngân hàng khi công bố đã nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát. Dẫn tới có nhiều người dự đoán về sự hợp nhất giữa Eximbank và Sacombank tạo ra một ngân hàng hàng đầu với tổng tài sản lên tới gần 330.000 tỷ đồng, lớn nhất khối ngân hàng tư nhân. Vì sao Eximbank “lao dốc không phanh”? Tuy nhiên sau đó, Sacombank lại sáp nhập với SouthernBank chính vì vậy Eximbank đã buộc lòng phải rút vốn khỏi ngân hàng đối tác. Cũng từ thời điểm này mà kết quả kinh doanh của Eximbank bắt đầu lao dốc. Các chỉ số liên tục giảm những năm tiếp theo, năm 2014, thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt trên 2.710 tỷ đồng, thế nhưng các khoản trích lập dự phòng cùng với chi phí hoạt động quá cao đã kéo lãi ròng sau thuế ngân hàng xuống rất thấp. Thậm trí, quý 4/2014, Eximbank báo lỗ tới 678 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng rủi ro tăng vọt gấp 5 lần, điều này đã đánh sập gần như toàn bộ lợi nhuận của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Lãi ròng Eximbank năm 2014 chỉ còn 56 tỷ đồng, con số vô cùng nhỏ bé so với chính nó 2 năm trước. Năm 2015, tình hình còn tồi tệ hơn với Eximbank khi tổng tài sản ngân hàng chỉ còn 124.850 tỷ đồng, giảm tới 22,5% so với năm trước, nguyên nhân là do các khoản tiền gửi của các TCTD khác vào Eximbank đã giảm rất nhiều, chỉ còn 7.933 tỷ đồng, so với con số 41.043 tỷ đồng năm trước đó. Eximbank cũng phải thu hồi lại các khoản tiền gửi tại các TCTD khác, từ 39.463 tỷ năm 2014, xuống 7.833 tỷ năm 2015. Lãi thuần ngân hàng đạt 3.398 tỷ, tăng so với năm 2014, thế nhưng một lần nữa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động lại kéo lãi ròng sau thuế xuống chỉ còn 40 tỷ đồng. Thậm trí, chỉ trong quý 4/2015, Eximbank báo lỗ 463 tỷ đồng. 2015 cũng là năm đánh dấu sự chia rẽ của nội bộ Eximbank. Cuộc tranh giành quyền lực tại ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt giữa 2 nhóm cổ đông, bên cạnh đó cũng xuất hiện một loạt những bê bối, cũng như thông tin xấu ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng vẫn chưa thể tổ chức được ĐHĐCĐ năm 2016, để bầu ra HĐQT mới điều hành ngân hàng. 6 tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của Eximbank vẫn rất kém. Khi mà dư nợ cho vay giảm còn 80.842 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ xấu lại tăng cao một cách kỷ lục từ 1,9% cuối năm 2015 lên thành 5,3% cuối quý 2/2016; lợi nhuận 6 tháng ngân hàng chưa nổi 80 tỷ đồng; dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp đôi cùng kỳ lên 324 tỷ đồng. Tổng nợ xấu ngân hàng là 4.285 tỷ đồng, trong đó có 2.415 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn, 797 tỷ đồng nợ nghi ngờ, và 1.073 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Có lẽ để tìm lại được ánh hào quang xưa của mình, Eximbank sẽ phải rất cố gắng trong thời gian tới, trước mắt chính là giải quyết ổn thoả những mâu thuẫn từ nội bộ ngân hàng để lập ra đội ngũ lãnh đạo chèo lái con tàu Eximbank vượt qua khó khăn hiện tại.
Quang Minh/kintedothi.vn