EVFTA - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

00:00 12/10/2020

Được đánh giá là quan trọng và vô cùng ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đem lại phúc lợi tương ứng với 3,2 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2020.

Cùng với đó, nhờ EVFTA nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu cũng tăng lên và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của hiệp định này, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc cải thiện tác động lan tỏa từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của EU cũng như các vấn đề về an sinh và môi trường.

Ảnh minh họa

Đòn bẩy tăng trưởng

Sau 6 năm, quá trình đàm phán EVFTA đã khép lại và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Ngay từ trước khi EVFTA được ký kết, EU đã là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 50,4 tỷ USD trong năm 2017.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Theo các chuyên gia thương mại, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

Đặc biệt, đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.

Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được đàm phán tới nay.

Một nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế thực hiện mới đây cho thấy, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Chẳng hạn như FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019, xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới năm 2028 sẽ tăng thêm tới 75-76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA.

Riêng với dệt may, hiệp định có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định EVFTA là hiệp định chất lượng cao nên việc xóa bỏ hàng rào thuế quan ở mức cao nhất và lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm Việt Nam.

Theo tính toán, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ nhận được tác động lớn từ hiệp định này. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD năm 2019 và đến năm 2028 tăng 70 tỷ USD.

Không những thế, lợi ích lớn là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp nên thuận lợi là rất lớn từ hiệp định này, nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác, tổ chức sản xuất đảm bảo lợi ích hợp tác.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi cam kết mở cửa thị trường phải tính đến áp lực cạnh tranh EU và Việt Nam như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ôtô, công nghệ thông tin, nông sản chăn nuôi và thực phẩm chế biến.

Đây là cơ hội giúp Việt Nam định hướng và phát triển cao hơn, có chuỗi giá trị chung với các đối tác và từ đó mang lại hiệu quả đầu tư với các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội luôn kèm theo những thách thức và đối với EVFTA thì từ năm 2019 trở đi.

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước; trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu).

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) phải tự thực hiện các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành bằng chứng về xuất xứ mà cụ thể là khai thông tin về xuất xứ trong các chứng từ thương mại (chẳng hạn như hóa đơn) mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.

Hệ thống này đã được sử dụng ở EU hơn 40 năm nay và cho thấy những ưu điểm như: đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan.

Chính vì vậy, trong các FTA mà EU đã ký hoặc đang đàm phán đều yêu cầu phía đối tác áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, thậm chí EU còn đang xem xét áp dụng cơ chế này trong chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Chủ động để phát triển

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP. Do đó, việc doanh nghiệp bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang EU là khá gấp gáp.

Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn Ngân chia sẻ: "Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là cơ chế rất mới đối với Việt Nam bởi hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải xin chứng nhận xuất xứ (C/O) tại một cơ quan có thẩm quyền."

Mặt khác, không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ mà phải được cấp phép bởi một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (thường là hải quan).

Để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, theo ông Trần Thanh Hải trước khi áp dụng phía EU sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian quá độ khoảng 6 tháng.

Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp nào chưa tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều có thể xin C/O từ các cơ quan chức năng giống như hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ không cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận hàng hóa bởi EU bắt buộc doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia họ.

Chính vì vậy, Bộ sẽ mở các lớp đào tạo để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và khi có vấn đề xảy ra Bộ Công Thương sẽ nắm được thông tin nhằm phối hợp với EU truy xuất nguồn gốc hàng hóa và doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, EVFTA sẽ tạo động lực và sân chơi mới cho các doanh nghiệp EU muốn rót vốn vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đồng thời đem lại nguồn hàng hóa nhập khẩu chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Hơn nữa, EVFTA còn góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng thể chế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn ở EU khi EVFTA đi vào cuộc sống song việc khai thác thị trường này còn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp.

Do vậy, sự chủ động sẵn sàng của doanh nghiệp là quan trọng hơn cả vì họ là chủ thể khai thác cơ hội và ưu đãi các cam kết của hiệp định, nhưng cũng là chủ thể chịu tác động từ hiệp định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm: "Mặc dù các chương trình hành động Chính phủ ban hành đầy đủ, nhưng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tiếp cận nguồn lực để đưa EVFTA thực sự nằm trong quan điểm, tư tưởng và nhận thức của từng doanh nghiệp."

Để làm được điều này không phải dễ dàng bởi doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô 97% nên hạn chế nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin là điểm nghẽn mấu chốt.

Đây là bài học để Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đưa ra tương tác hai chiều với các bộ, ngành.

Ngoài ra, trước bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, xu thế bảo hộ mậu dịch đang hình thành rõ nét thì việc chủ động hội nhập, hình thành chính sách, vượt qua trở ngại, thậm chí liên quan đến hoạt động tranh chấp thương mại như bán phá giá... là bài học quý báu cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Theo TTXVN/VIETNAM+