Đường Trần Nhật Duật

00:00 12/10/2020

Đường Trần Nhật Duật từ đầu cầu Long Biên chạy dọc theo đê sông Hồng đến ngã năm Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Huân, Phất Lộc, Hàng Mắm. Đường dài 800m nằm trên đất thôn Nguyên Khiết thượng, Nguyên Khiết hạ, thôn Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ.

phố trần nhật duật xưa

Ban đầu đây là lối đi mòn men theo khúc đê mới đắp nhỏ như con chạch, cao khoảng 40cm. Dần dần đê được củng cố, bồi đắp, chân đê to rộng, thân đê cao lên để chống đỡ cơn lũ trên sông Hồng hàng năm đổ về. Năm 1910 mặt đường mới được trải đá sơ sài. Gặp lúc trời mưa, lối đi bùn đất lầy lội. Khi nắng to gió hất bụi mù mịt, xe bò, xe cút kít, xe tay chạy lọc xọc trên con đường mấp mô sỏi đá. Phía ngoài sông Hồng thời đó đê chưa cao, bãi cát ngoài đê nhỏ, hẹp, thuyền bè có thể đỗ sát bờ. Đây là khu vực tấp nập, nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Thuyền mành từ miền trung ra, thuyền mành từ miền xuôi lên. Những bè nứa chở củ nâu, vỏ trầu, măng khô, mộc nhĩ… Hàng đổ vào các lều kho trong phố. Người dân gọi đoạn phố từ chân cầu Long Biên đến Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu.

ngôi trường mang tên trần nhật duật

Đoạn dòng sông Hồng từ Ô Quan Chưởng đến cửa sông Tô Lịch (Chợ Gạo) thuyền các tỉnh đồng bằng đến miền trung du chuyên chở thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ, hoa quả về Hà Nội. Nhiều nhất là thóc sau mỗi vụ gặt. Hoa Kiều mua về say sát rồi xuất sang Hương Cảng, Tân Gia Ba… Nơi đây thành bến cảng đông vui sầm uất hội tụ thuyền bè, tầu thủy. Có tới 3 bến tầu trên cửa sông Tô Lịch.  

1) Bến ký Bưởi (nơi đỗ tàu của Doanh nhân Bạch Thái Bưởi)

2) Bến tàu hiệu (nơi đỗ tàu của Hoa Kiều)

3) Bến Sô va (nơi đỗ tàu của hãng Sô va).

Thời Pháp thuộc đoạn đường từ chân cầu Long Biên đến cửa sông Tô Lịch, Pháp đặt tên Ke Clê măng xô (Quai Clemenceau). Dịch ra tiếng Việt: Đường bờ sông có bến thuyền đậu. Sau chiến tranh thế giới (1914 - 1918) phương tiện giao thông bằng ô tô phát triển - phố Ke clê măng xô trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Dân trong làng ra mặt phố mở các nhà trọ, quán nước bán quà bánh lặt vặt, những sạp tre, nứa, vầu, những lều, kho chứa hàng nông, lâm sản, củ nâu, chè mạn, măng khô, mộc nhĩ…

62711917

img_4383 Hàng hóa tràn ngập đổ vào các con phố phía đằng sau phố Ke clêmăng xô (đường Trần Nhật Duật ngày nay), tạo nên một vùng “phố thị” rộng lớn mang nét đặc trưng của khu phố cổ với những tên phố thật gần gũi, thân thương: Phố Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Vôi, Hàng Tre, Hàng Đường, Hàng Chĩnh, Hàng Bát Đàn, Hàng Bát sứ, Hàng Chiếu, Hàng Buồm, Hàng Mây... Năm 1888, Hà Nội thành thành phố nhượng địa cho Pháp. Chúng xây “tòa thương chính” gần cửa Ô Đông Hà (Ô Quan Chưởng ngày nay). Đây là ngôi nhà to, cao hai tầng trên khu đất rộng rãi, để chúng kiểm soát và đánh thuế hàng hóa qua lại cửa sông Tô Lịch và cửa Ô Đông Hà. Sát bên tòa thương chính là trụ sở của hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi - nhà tư sản dân tộc. Ông có đội tàu lớn hoạt động ngang dọc trên các dòng sông miền Bắc. Trụ sở của hãng tàu thủy với 3 tầng đồ sộ, cao vợi, lại có thêm một tầng hầm xây toàn bằng đá xanh quý hiếm. Đây là ngôi nhà cao sang nhất nhì Hà Nội đầu thế kỷ XX. Khi “tòa thương chính” dời vào sâu trong thành phố, Pháp chuyển khu này thành Trường tiểu học Ecole Quai Clemenceau, nhân dân gọi là Trường Ke (chữ Quai phát âm là Ke).

img_4391

img_4390

img_4389

img_4385

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Trường Ke là một vị trí quan trọng, cửa ngõ của Liên khu I, đầu mối liên lạc của Trung đoàn Thủ đô với bên ngoài. Ngôi trường có gác cao trông ra đầu cầu Long Biên. Ngày 7/2/1947, thực dân Pháp dùng xe tăng án ngữ các ngả đường Hàng Chiếu, Hàng Mã ngăn lực lượng tiếp viện của quân ta tới Trường Ke. Chúng mở 8 đợt xung kích với hỏa lực mạnh cố đánh chiếm vị trí then chốt. Nhưng toàn đơn vị quyết chiến đấu bảo vệ vị trí quan trọng, tự lực đánh bật mọi cuộc tiến công của giặc cho đến khi có lệnh mới. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, thành phố Hà Nội quyết định đổi tên Ke Clê măng xô (Quai clemenceau) là đường Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật (1254 - 1330), ông là con thứ 6 của vua Trần Thái tông. Tương truyền khi mới sinh trên tay ông đã có 4 chữ: Chiêu văn đồng tử (cậu bé thích gọi và đón cái đẹp). Ông sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long. Năm 12 tuổi, ông đã được phong Chiêu Văn Vương. Là một chàng trai ham học hỏi, giỏi giao tiếp, am hiểu ngôn ngữ nhiều dân tộc. Ngoài 20 tuổi triều đình nhà Trần giao đặc trách công việc về các dân tộc có liên quan. Tên tuổi, sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà  Trần. Ông là người tổ chức thành công cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng khi quân xâm lược Nguyên Mông hùng hổ tràn vào hòng cướp nước ta. Tháng 4/1285 ông lập chiến công vang dội trong trận đánh Hàm Tử Quan bên sông Hồng mở đường quân ta tiến vào giải phóng Thăng Long, chiến thắng oai hùng, oanh liệt ở Hàm Tử Quan là một chiến thắng vẻ vang nức tiếng trong cuộc kháng chiến thần kỳ chống quân Nguyên Mông và trong cả lịch sử oai hùng chống quân xâm lược bảo toàn nguyên vẹn lãnh thổ Việt Nam.

img_4381

img_4382

Tài năng, đức độ với sự nghiêm minh độ lượng, khoan dung nhân ái cùng nhãn quan quân sự uyên thâm, Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật góp phần cho sự tồn tại hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.   Giờ đây đường Trần Nhật Duật là một trong những con đường giao thông huyết mạch của Hà Nội. Khi sông Hồng chuyển hướng dòng chảy sang phía Gia Lâm thì những chiếc thuyền, tàu thủy không còn bến đỗ bên bờ đường Trần Nhật Duật. Phương tiện giao thông chủ yếu để vận chuyển hàng hóa về Hà Nội và đi các tỉnh là ô tô. Trên phố Trần Nhật Duật chỉ có dãy nhà số chẵn bên kia đường là con đê sông Hồng. Gần một nửa số nhà bên dãy chẵn với ba mươi cửa hàng sửa chữa, mua bán phụ tùng thiết bị nội thất ô tô, sơn, sửa, gò, hàn các linh kiện ô tô, xe máy, xe đạp điện. Con đường nhỏ hẹp xưa kia không đủ sức chuyển tải số lượng quá lớn phương tiện giao thông, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thành phố đã mở rộng con đường với hai làn đường hai chiều, mỗi làn rộng 30m cùng những cầu vượt, cầu cạn phía đầu cầu Chương Dương. Ngày 24/4/2015, khánh thành điểm đỗ xe Trần Nhật Duật với dàn đỗ xe cần cẩu thép diện tích 412m2, bốn tầng cao 8,5m, sức chứa 91 ô tô. Kinh phí đầu tư xây dựng công trình 30 tỷ đồng. Điểm đỗ xe Trần Nhật Duật đã giải quyết thỏa đáng nhu cầu gửi xe, giải tỏa các điểm trông xe bên lòng đường, tăng diện tích giao thông, không còn cảnh ùn tắc trên đường Trần Nhật Duật. Phía bên sông Hồng nơi con đê um tùm cỏ dại trước kia, giờ là con đường gốm sứ khánh thành để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Có thể xem đây là “Bảo tàng nghệ thuật gốm sứ ngoài trời” bất chấp thời gian, không gian. Với một ý tưởng táo bạo, một niềm đam mê nghệ thuật mạnh mẽ của tác giả Nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy, chị được vinh danh “Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội”. Niềm khát khao cháy bỏng của chị đã lôi cuốn không chỉ những nghệ nhân khắp vùng miền Tổ quốc cùng nhiều nghệ nhân nước ngoài hăng hái nhiệt tình chung tay góp sức cho công trình vĩ đại - Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Đi trên con đường Trần Nhật Duật đông vui, nhộn nhịp, ngăn nắp, trật tự thông thoáng, đẹp đẽ hôm nay thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thực hiện niềm mong ước khát khao của Bác: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Lê Nhật Tăng