Đường ngàn tỷ ven biển: Nếu còn chuyện lợi ích, thì...

00:00 12/10/2020

Hợp tác công tư không tách bạch, rõ ràng dễ dẫn tới tình trạng nhập nhèm, doanh nghiệp đẩy phần khó cho nhà nước, phần dễ doanh nghiệp hưởng. Thi công dự án tuyến đường ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng. PGS.TS Từ Sỹ Sùa đánh giá cao chủ trương xây dựng dự án đường bộ ven biển của Thái Bình nhưng để đánh giá được hiệu quả của dự án cần phải đặt dự án nằm trong bối cảnh phát triển chung của cả nước để so sánh. Quan trọng hơn theo vị chuyên gia là phải có sự kết nối, phát triển đồng bộ giữa các loại hình phương thức vận tải khác thì dự án đường bộ ven biển mới phát huy hết hiệu quả. Tuy nhiên, dựa trên điều kiện phát triển thực tế của Thái Bình cũng như nhiều tỉnh thành, địa phương khác, PGS Từ Sỹ Sùa băn khoăn về tính hiệu quả của toàn dự án tuyến đường bộ ven biển xuyên 6 tỉnh. Phải ưu tiên đường sắt Trước hết, vị chuyên gia nhấn mạnh vai trò của ngành vận tải đường sắt và cho rằng Việt Nam đang đầu tư lớn cho phát triển đường bộ, đường hàng không nhưng bỏ quên đường sắt là một sai lầm lớn. Trong khi, ngành vận tải đường sắt vẫn được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và nó tham gia vào quá trình lưu thông tạo ra giá trị của kinh tế. Giao thông đường sắt có một lợi thế so với các phương thức vận tải khác đó là khối lượng vận tải lớn, tạo ra năng suất cao, tạo giá trị cạnh tranh của nền kinh tế lớn. Nhất là đối với một đất nước có địa hình dài từ Bắc vào Nam, vận tải đường sắt có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước, đặc biệt là việc kết nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng những đầu tư cho lĩnh vực vận tải này lại quá "bèo bọt", thậm chí đang bị lãng quên. Thống kê cho biết, tỉ trọng đầu tư đường sắt trong giai đoạn 2011- 2015 chỉ chiếm 2,77%, thấp hơn cả tỉ trọng đầu tư cho đường biển. Nếu so sánh trong bản đồ ngành đường sắt thế giới, đường sắt Việt Nam đang bị thụt lùi không chỉ về công nghệ mà còn bị thu hẹp cả về quy mô. Vì vậy, PGS Từ Sỹ Sùa cho rằng để tận dụng tốt những lợi thế cũng như khai thác tốt nhất hiệu quả của mỗi dự án, thì phải phát triển đồng bộ, cân đối, bền vững cả năm phương thức vận tải. Tuy nhiên, Thái Bình chưa có đường sắt đã vội lo làm đường bộ ven biển, việc này được vị chuyên gia ví von giống như câu chuyện của con nhà nghèo chưa lo ăn đã lo mặc. Lý giải về sự sốt sắng trên, ông nói thẳng có yếu tố lợi ích. "Ở đây là câu chuyện con gà và quả trứng, nói ngắn gọn là bài toán "lợi ích". Do đặc thù đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt là giá thành cao, đầu tư vào hạ tầng đường sắt đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn trực tiếp khó khăn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Vì vậy, cả địa phương và chủ đầu tư thường tính toán để dòng tiền chảy vào khu vực có thể nhìn thấy ngay lợi ích trước mắt thay vì chọn cửa đi mạo hiểm, rủi ro cao", PGS Sùa nói. Tuy nhiên, ít người nhìn ra được cái lợi ích lâu dài. Ông lo ngại, tư duy trên sẽ dẫn tới tình trạng phát triển mất cân đối giữa các phương thức vận tải tại địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Có vấn đề lợi ích Đặt dự án trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn, PGS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng việc tính toán đầu tư phải cân nhắc thận trọng, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Nếu một dự án mà bị phủ lên quá nhiều lợi ích khác, lợi ích của người dân bị xem nhẹ, dự án đó không hiệu quả. Ông lấy ví dụ từ dự án thu phí trên đường QL5 cũ để bù cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cho rằng việc này không thể chấp nhận được. "Tôi cho rằng, có yếu tố lợi ích ngay từ khâu phê duyệt chủ trương xây dựng dự dự án này. Dự án đường ven biển phải lấy đó làm bài học và không được lặp lại những sai lầm tương tự", vị chuyên gia bức xúc. Ông Sùa cho biết, theo quy định của nhiều nước đối với các dự án BOT phải là những dự án được đầu tư mới hoàn toàn. Tiếp đến, BOT phải có tính liên thông từ trục đường này thông sang trục khác để tránh hiện tượng thu phí hai lần. Trong khi đó, tại Việt Nam tình trạng thu chồng phí, thu sai phí, thu phí nhiều lần đang xảy ra ở nhiều dự án khiến người dân bức xúc, mất lòng tin. PGS.TS Từ Sỹ Sùa nói thẳng, nếu một dự án mọc lên mà khiến dân bức xúc, dân buồn, dân không mong muốn, dự án đó không được coi là có hiệu quả. Thêm một vấn đề nữa khiến ông lo ngại là chủ trương xin đầu tư theo hình thức PPP của Thái Bình và nhiều địa phương khác. Ông Sùa cho hay, PPP là hình thức đầu tư đối tác công tư, trong đó có yếu tố nhà nước cùng tham gia. Cụ thể ở đây là Thái Bình đầu tư tuyến đường có chiều dài 35km với tổng mức đầu tư 3.972 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên sẽ được chia làm 3 phần, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.100 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.072 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT là 1.700 tỷ đồng. Trong trường hợp này nếu không tách bạch, rõ ràng dễ dẫn tới tình trạng nhập nhèm, doanh nghiệp đẩy phần khó cho nhà nước, phần dễ doanh nghiệp hưởng. Theo Đất Việt