'Đường lớn' đã thông, Việt Nam sẽ hút nhiều vốn khủng từ trời Âu?

00:00 12/10/2020

Hiệp định EVFTA, EVIPA được kỳ vọng sẽ tạo cú hích giúp nhà đầu tư châu Âu mạnh tay rót vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và DN của châu Âu muốn có một khung pháp lý có thể dự đoán được.

Mới đây, Tesa - một trong những nhà sản xuất băng dính kỹ thuật và cung cấp giải pháp hệ thống tự dính hàng đầu thế giới đã công bố khoản đầu tư 55 triệu Euro (60,3 triệu USD) vào nhà máy băng dính ở Việt Nam, trở thành địa điểm sản xuất thứ 15 của Tesa trên thế giới bên cạnh các nhà máy lớn khác ở Đức, Ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Khơi thông dòng vốn châu Âu

Theo giới nhận định, Tesa là một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sản xuất băng dính công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Đức. Quyết định đầu tư tại Việt Nam cho thấy tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

se-co-nhieu-hon-nha-dau-tu-cha-1556-8675

Sẽ có nhiều nhà đầu tư châu Âu mạnh tay rót vốn vào Việt Nam (Ảnh: TL) 

Trước đó, một thương vụ đầu tư gây bất ngờ lớn trong ngành dược, đó là tập đoàn dược Adamed Group của Ba Lan chi 50 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm). Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam. Theo các nhà đầu tư này, việc thực hiện M&A chính là bước đệm để đón đầu EVFTA.

Các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để đưa ra dự báo đã và đang có một làn sóng quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư châu Âu trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm sản xuất, hàng tiêu dùng, năng lượng tái tạo và công nghệ.

Hiện tại, nghiên cứu chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm do phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trên thực tế, sau hơn 30 năm thu hút FDI, dù rất mong muốn và kỳ vọng nhưng Việt Nam chỉ thu hút được một khoản vốn khiêm tốn từ các nhà đầu tư châu Âu.

Lũy kế cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 376 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vốn đầu tư của châu Âu chỉ là 27,5 tỷ USD, nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi khi EVFTA có hiệu lực.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định EVFTA và EVIPA sẽ là cú hích rất lớn đối với dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam.

Phó Chủ tịch VAFIE cho biết, hiện nay, lượng vốn FDI từ EU vào Việt Nam không tương xứng với tiềm năng và quan hệ thương mại của Việt Nam với EU.  EU đứng thứ 5 trên tổng số nước đầu tư vào Việt Nam. Xét từng nước, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức - vốn đầu tư ra nước ngoài rất lớn nhưng chỉ đầu tư 2-3 tỷ USD luỹ kế vào Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đây là con số rất khiêm tốn.

"Đức đầu tư 50-60 tỷ USD ra nước ngoài, Pháp đầu tư 30-40 tỷ USD... nhưng họ đầu tư vào Việt Nam rất ít... Việc EVFTA được ký kết sẽ là cú hích, thời cơ để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam và luồng vốn dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam thành công trong chống Covid-19 là điểm cộng để thu hút FDI", ông Toàn cho biết.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), kỳ vọng: Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới giữa Việt Nam và EU. 

Riêng về đầu tư, nó sẽ giúp các DN EU tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng trung lưu đang phát triển của Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các lĩnh vực như giáo dục đại học, viễn thông và ngân hàng cho đầu tư của châu Âu.

Doanh nghiệp châu Âu mong điều gì?

Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cho hay, các nhà đầu tư và DN của châu Âu muốn có một khung pháp lý có thể dự đoán được và môi trường đầu tư và thương mại cạnh tranh, thân thiện với DN.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đối với các DN, cũng như trong việc hiện đại hóa các luật điều chỉnh thương mại và đầu tư quốc tế. EuroCham khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện phương hướng cải cách này.

"Thương mại tự do, công bằng và dựa trên các quy tắc là chìa khóa để mở ra nhiều hợp tác thương mại và đầu tư hơn trong tương lai giữa Việt Nam và EU", ông Nicolas nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, chính sách thu hút FDI cần có sức hút mang tính toàn diện, không chỉ là những ưu đãi cắt giảm thuế đối với các DN đầu tư. Điều quan trọng là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hấp dẫn, có sự minh bạch trong thủ tục hành chính, thực thi chính sách của mình cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hoạt động hiệu quả. Nếu không có những yếu tố này thì sẽ khó thu hút FDI từ EU chất lượng cao.

Chính phủ Việt Nam phải tạo ra cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư. Việc số hoá các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi đơn giản hóa, thủ tục hành chính cũng cần phải được thúc đẩy.

Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn cho rằng để hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. Nhà đầu tư châu Âu cần được bảo hộ về vốn, tài sản, đất đai, đối xử bình đẳng... Đây là những nội dung sẽ được được giải quyết khi EVIPA có hiệu lực.

Nếu trước đây nhà đầu tư EU vẫn sợ sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch của chính sách, với EVFTA và EVIPA, họ có cơ sở hơn để tin vào sự thay đổi của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư quốc tế. Nhưng vấn đề vẫn nằm ở việc thực hiện của Việt Nam.

Đồng thời, theo các chuyên gia, nếu không chủ động thu hút FDI, chúng ta sẽ không tận dụng được các cơ hội trên. Việt Nam cần nỗ lực tự cải thiện chính mình để mời gọi họ vào hợp tác đầu tư thay vì ngồi chờ nhà đầu tư mang dự án đến.

Những lĩnh vực nào sẽ hút nhiều vốn châu Âu

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm. Đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU. Doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu các nhà đầu tư EU nói riêng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định theo hướng minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích và định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết với doanh nghiệp nội địa trong việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng. Thực hiện các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư...

Lê Thúy