Đừng thương mại hóa bệnh viện công

00:00 12/10/2020

Câu chuyện 30 triệu đồng cho một ca mổ, tiền khám, giường bệnh dịch vụ đắt ngang bệnh viện (BV) quốc tế 5 sao tại BV Nhi T.Ư đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, hầu hết các BV công, đặc biệt tuyến đầu ngành đều mở khu dịch vụ với giá cao. Trước thực tế này, Bộ Y tế sẽ siết hoạt động khám chữa bệnh này tại các BV công.
Đắt “cắt cổ”
Khoa Điều trị tự nguyện A, BV Nhi T.Ư có các mức giá khám dịch vụ cao nhất nước: Giá khám đa khoa có hẹn là 390.000 đồng – không hẹn là 580.000 đồng; khám chuyên khoa có hẹn: 580.000 đồng – không hẹn: 680.000 đồng; Tái khám chuyên khoa giá 390.000 đồng - tái khám đa khoa 290.000 đồng; khám cấp cứu giá 580.000 đồng. Giá giường dịch vụ tại khoa này từ 600.000 - 2,4 triệu đồng. Thậm chí, để được mổ tim sớm, gia đình người bệnh phải đóng thêm tiền dịch vụ lên đến 30 triệu đồng.
   
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Khoa Điều trị tự nguyện A, Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Nhật Nguyên
Trước băn khoăn của dư luận về giá dịch vụ quá đắt tại BV này, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho rằng, giá dịch vụ theo yêu cầu đều được BV báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Mức giá này đã tính cả tiền lương và tiền lãi, BV thu đủ bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo (khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm). Còn số giường dịch vụ tại BV chiếm 20 - 25% trong tổng số giường bệnh. Trong khi đó, Bộ Y tế chỉ cho phép BV có không quá 10% giường dịch vụ.
Với vấn đề mổ tim dịch vụ 30 triệu đồng mỗi ca, ông Lê Thanh Hải cho biết, trước đây, bệnh nhân mổ phiên phải đợi hàng năm, thì nay đợi 2 - 3 tháng. Nếu mổ theo yêu cầu, người bệnh phải nộp thêm tiền dịch vụ, tùy theo mức độ bệnh, trong đó ca khó nhất, phải huy động lực lượng nhiều nhất, số tiền lên 30 triệu đồng. “Đây là những ca mổ tự nguyện ngoài giờ, còn trong giờ hành chính, các bác sĩ đều mổ theo lịch bệnh nhân đã xếp và mổ cấp cứu” - ông Hải khẳng định.
Tại các BV đầu ngành khác, giá dịch vụ khá đắt, như  BV Lão khoa T.Ư, phòng dịch vụ loại 2 giường có tivi, máy lạnh giá 1,4 triệu đồng/giường/ngày, đêm. Tại BV Bạch Mai, giá phòng dịch vụ từ 500.000 - 2 triệu đồng/người/ngày, đêm. BV Việt Đức, phòng dịch vụ 2 giường, giá  750.000 đồng/bệnh nhân/ngày đêm.
Nhiều nghịch lý
Trong khi quá tải tại các BV tuyến trên vẫn đang là bài toán nan giải, thì những đơn vị này vẫn tiếp tục mở thêm dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, phòng điều trị tự nguyện. Mới đây, qua kiểm tra của Bộ Y tế cho thấy, tại Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai), số bệnh nhân điều trị nội trú gấp đôi số giường thực kê. Cụ thể, Viện có 278 giường nhưng có tới 525 bệnh nhân. Tại Khoa Thần kinh của BV có 200 giường nhưng cũng có tới 264 bệnh nhân điều trị nội trú. Theo báo cáo của BV Bạch Mai, BV có 2.300 giường nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày. Đặc biệt quá tải nhất xảy ra tại Viện Tim mạch, Khoa Thần kinh, Trung tâm điều trị ung bướu và y học hạt nhân.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc các BV mở khu vực dịch vụ là thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu của BV, làm giảm áp lực ngân sách, đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu của những người bệnh có khả năng chi trả. Chủ trương là đúng nhưng việc thực hiện chủ trương này trong thực tế còn nhiều điều bất cập. TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng bày tỏ, dịch vụ tư trong BV còn nhiều điều “nhập nhằng”, chưa minh bạch.  Trong khi BV sử dụng nhân lực công, diện tích công, thời gian công, thậm chí trang thiết bị công nhưng lại thu giá cao để thu lợi làm mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Một chuyên viên ngành y tế cho rằng, trong khi BV công lập được lập ra để phục vụ cho số đông bệnh nhân thì nhiều BV lợi dụng chính sách xã hội hóa để thu lợi gây bất bình trong dư luận.
Sẽ áp giá trần dịch vụ
Trước sự nhập nhằng công - tư, Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh. Tại dự thảo này, Bộ Y tế quy định mức giá của dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, trong đó tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giá thu tối đa 200.000 đồng/lần khám và giá giường bệnh các phòng điều trị theo yêu cầu ở mức 2,4 triệu đồng – 1,2 triệu đồng – 800.000 đồng - 600.000 đồng/ngày (tương đương với loại phòng đặc biệt, 1 giường/phòng đến loại 3, 4 giường/phòng). Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giá khám tối đa 150.000 đồng/lần và giá giường ở mức 1,8 triệu đồng - 900.000 đồng – 600.000 đồng – 450.000 đồng/ngày. Với các tỉnh còn lại, giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường 300.000 đồng - 1,2 triệu đồng/ngày, tùy loại phòng.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, việc xây dựng dự thảo nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các BV công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà BV quy định. Các mức giá dựa trên tính toán các chi phí trang thiết bị vật tư, từ găng tay, bông băng đến chi phí máy móc, lương bác sĩ...
(theo kinhtedothi.vn)