Đừng làm xấu đi tiếng Việt!

00:00 12/10/2020

Ấn tượng đầu tiên của một du khách phương xa khi đến Hà Nội, có lẽ chính là… biển chữ
Chữ hiển thị khắp nơi trong các biển quảng cáo dán treo chi chít, dày đặc trên biển cửa hàng dọc các con phố lớn nhỏ. Trên biển chữ ấy có đủ cả các thứ tiếng Việt, Hàn, Anh, Trung…
Sính ngoại
Còn nhớ 10 năm trước, con phố nhỏ nơi thị trấn ngoại ô Hà Nội còn lác đác vài tấm biển hiệu chữ viết theo lối chân phương, còn sai chính tả như: “Cá lục đông lạnh”, một số biển viết ngô nghê “Bán sim thẻ Việt theo, Mô bai”. Bây giờ, đứng từ xa nhìn về con phố nhà mình, chợt sững sờ, vì suốt dọc 2 bên đường phố ngập tràn biển quảng cáo. Đủ các loại chữ to, nhỏ, biển lớn, bé với 4 màu chính: Xanh, đỏ, vàng, trắng và các ngôn ngữ đan xen: Việt – Anh. Hàn – Việt, Nhật – Việt…
   
Một ví dụ điển hình là phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa). Đây là con phố ngắn, có hai làn đường, nhưng hai bên đường, có tới 60% biển hiệu cửa hàng được viết bằng chữ nước ngoài. Tất nhiên, những nhãn hàng từ nước ngoài không thể Việt hóa, nhưng những từ ngữ thông thường mà tiếng Việt có thể diễn đạt được vẫn cố tình hóa thân thành tiếng Anh: “Hanh’s design”, “Beauty Salon Hair”, “Shoes”, “Men’s Style”, “You and Me”, “Mini Food Shop”, “Wear”…
Hay nhiều năm nay, người ta gọi phố Kim Mã, Linh Lang, Đào Tấn là con phố Nhật. Tiếp đến, khu phố Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân được gọi là phố Hàn. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, siêu thị, thể dục thể thao có biển chữ Hàn, Nhật mọc lên dọc khắp các con phố này. Đi cùng với đó là hàng loạt các biển hiệu mang tên Hana Yuki, Yoshino, Sukura Hottel, Pokkiri... cũng vì thế mà hình thành.
Nghĩ đến mai sau
Có thể Hà Nội là mảnh đất giao lưu hội tụ, nên những cửa hàng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống cũng bắt kịp xu thế. Nhưng điều này không liên quan gì đến… ngoại ngữ của biển quảng cáo. Được biết các đô thị lớn nhỏ ở các quốc gia trên thế giới, ngoài những nước đương nhiên sử dụng tiếng Anh, thì những nước không nói tiếng Anh, không sử dụng hệ thống chữ Latin như một số nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… họ đều sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong việc viết các biển hiệu quảng cáo. Rất ít khi thấy một biển hiệu bằng tiếng Anh. Những quốc gia ấy, số lượng khách quốc tế đến thăm và lưu trú không ít hơn Thủ đô của Việt Nam. Vậy thì làm cách nào họ không dùng tiếng nước ngoài viết biển quảng cáo, mà người nước ngoài vẫn có thể biết chính xác những cửa hàng phục vụ thứ họ cần?
Một câu hỏi đặt ra, tại sao người Việt ra nước ngoài du lịch lại phải học tiếng nước ngoài, trong khi khách nước ngoài đến Việt Nam lại đương nhiên không phải lo lắng về tiếng Việt. Vì có những hướng dẫn viên bản địa sẵn sàng nói tiếng nước họ cho họ hiểu? Và tại sao ở khắp Hà Nội và rộng ra là trên cả nước, những biển hiệu quảng cáo lại nhất thiết phải dùng tiếng nước ngoài, hoặc nửa Việt nửa Tây, mặc dù rất đơn giản là họ phục vụ chủ yếu là người Việt? Người Việt đang sính ngoại, đến mức coi nhẹ tiếng mẹ đẻ, hay họ chưa có ý thức làm đẹp, làm giàu tiếng mẹ đẻ - vốn là một đặc thù cũng là một thứ tài sản của người Việt? Sẽ là không đúng nếu nói người Việt sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để làm quảng cáo là “mất gốc”, nhưng giá như họ sử dụng tiếng Việt như một sự khẳng định thương hiệu, một niềm tự hào quốc gia thì hay biết bao.
Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ xoay quanh những tấm biển cửa hàng, cửa hiệu. Tiếng Việt là của người Việt, nhưng sẽ thật khó để nuôi dưỡng sự yêu mến, trân trọng tiếng mẹ đẻ trong các thế hệ sau, khi hàng ngày chúng đối diện với sự pha tạp ngôn ngữ nước ngoài như vậy. Phải nói thật lòng, nghe một câu hội thoại pha tạp ngôn ngữ, chẳng khác gì nhai cơm phải sạn. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy viết “Tình ca” cứ đau đáu nỗi niềm: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”
Hà Nội bây giờ phố đã… như Tây
   
Nhà văn Hà Nguyên Huyến sinh ra tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Làm du lịch ở mảnh đất quê hương ấy, nên ông có khá nhiều thời gian tiếp xúc với khách quốc tế. Ông cũng có quan điểm khá mạch lạc khi nhìn về những biển hiệu viết bằng tiếng nước ngoài.
Ông có nghĩ gì không về hình thức quảng cáo bằng tiếng nước ngoài cho… người Việt trên những biển hiệu cửa hàng?
- Họ dùng nhiều tiếng Anh quá. Có thể thế hệ chúng tôi đã lớn tuổi, không theo kịp xu hướng thời cuộc. Khi khách du lịch đến thăm nhà cổ của chúng tôi, tôi thường giới thiệu với họ văn hóa làng cổ, nhưng đã có các hướng dẫn viên truyền tải nội dung. Còn các biển quảng cáo trên phố thì khác, chẳng có hướng dẫn viên nào giải thích nghĩa cho họ cả. Ngay trước cửa báo Văn nghệ có một số biển tiếng nước ngoài, nhưng tôi không biết họ bán thứ gì, nếu không nhìn rõ được hàng hóa bày bán trong cửa hiệu. Có lẽ họ chỉ dành cho giới trẻ, những người biết tiếng Anh; còn những người lớn tuổi cảm thấy như rơi vào lạc lõng và nó có gì đó không truyền thống, không Việt Nam tí nào.
Trong quá trình hội nhập, không tránh khỏi những mâu thuẫn trong đời sống văn hóa, mà hiện tượng sính ngoại ngữ chỉ là một khía cạnh. Vậy tại sao, ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ hội nhập nhanh, nhưng tiếng Anh rất hãn hữu trên biển quảng cáo?
- Người Nhật Bản và Hàn Quốc đều sử dụng biển quảng cáo bằng chữ của họ, gốc chữ vuông. Là người biết chữ Hán, tôi thấy người Nhật Bản cải tiến chữ Hán, nhưng vẫn dùng chữ phồn thể của Trung Quốc, cho nên người Nhật nào cũng biết được chí ít tên của họ viết bằng chữ Hán. Tức là họ gần như sử dụng song song hai ngôn ngữ. Lạ là điều đó không gây lộn xộn. Nhưng ở nước mình, có một sự rất thiếu trật tự.
Ông có cho rằng đây là một kiểu tư duy: phải sính ngoại ngữ mới thu hút được khách hàng?
- Hình như giới trẻ rất thích những gì của ngoại. Nhiều bạn trẻ mặc quần, áo mang dòng chữ nước ngoài, mà không hiểu nghĩa của nó. Người mặc có khi lại nghĩ, như vậy mới sành điệu, hợp mốt. Ở những người kinh doanh, họ cũng mang tư duy ấy để làm biển quảng cáo cho cửa hàng của mình. Và tất nhiên nó thu hút một số đối tượng trẻ, nhưng nhìn chung, có cái gì đó khập khiễng về văn hóa.
Đứng về góc độ quản lý và góc độ truyền thống văn hóa, theo tôi nên xem lại hiện tượng này, bởi vì phố phường của mình mà cứ như… Tây cả. Có những khi đổi kênh truyền hình bất chợt, thấy cảnh quay phố phường, có đầy biển quảng cáo mà không biết ở nước nào. Chỉ thấy đường phố dập dìu quen quen, thì đoán là…Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Thúy (thực hiện
Theo kinhtedothi.vn