Dùng điện tái tạo, doanh nghiệp có lo?

00:00 12/10/2020

Quyết tâm dùng điện tái tạo để phục vụ sản xuất, nhưng doanh nghiệp chưa kỳ vọng nhiều về khả năng tiết giảm chi phí điện năng. Tuy nhiên, việc hợp tác lâu dài với nhà cung cấp thiết bị có thể giúp doanh nghiệp tránh áp lực về vốn đầu tư.

Gần đây, để thu hút các doanh nghiệp (DN) lắp đặt hệ thống pin mặt trời, không ít nhà cung cấp, công ty lắp đặt đã dùng những "lời có cánh" là DN có thể giảm đến 100% tiền điện với hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Liệu có đúng như vậy?

Khó giảm chi phí

Thực ra, các nhà máy, xưởng sản xuất có diện tích rất lớn nên tùy vào lượng điện tiêu thụ mà DN có thể quyết định mức công suất đầu tư lắp đặt pin mặt trời. Tuy nhiên, để tiết giảm chi phí điện năng và đầu tư pin mặt trời đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng điện của DN thì còn nhiều việc phải làm.

Như trường hợp công ty AB InBev (100% vốn của Bỉ) vào ngày 5/6 đã khai trương hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 840.600 kWh/năm tại nhà máy sản xuất ở khu công nghiệp VSIP II (tỉnh Bình Dương). Theo ông John Hsu, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của AB InBev, khả năng tiết giảm chi phí điện năng từ hệ thống điện mặt trời này rất là nhỏ.

Trên thực tế, công suất điện mặt trời tạm thời chỉ đóng góp 15 – 20% trong tổng số điện năng mà DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) này tiêu thụ. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông John Hsu cho biết, do giảm chi phí điện năng không đáng kể nên chi phí sản xuất không được giảm thiểu nhiều.

"Nhưng bù lại, việc đầu tư vào điện tái tạo của công ty có đóng góp tích cực cho môi trường. Từ việc này, chúng tôi cam kết tiến tới đảm bảo 100% điện cung ứng cho nhà máy tại Bình Dương được chuyển hoá từ nhiệt lượng vào năm 2025 và tất cả hệ thống nhà máy của công ty tại Việt Nam sẽ sử dụng 100% nguồn điện tái tạo trong 6 năm tới", ông John Hsu chia sẻ.

Trong câu chuyện DN đầu tư lắp đặt pin mặt trời để phục vụ cho việc sản xuất như hiện nay, một số ý kiến cho rằng có nhiều DN làm rất hoành tráng nhưng lại thừa nhận cũng để "diễn" là chính. Nguyên nhân là vì lượng điện tái tạo để DN sử dụng về mặt kỹ thuật sẽ gặp khó trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường như ở các tỉnh Đông Nam bộ.

Một câu hỏi cũng được đặt ra là hạ tầng lưu tích điện tái tạo có đủ đáp ứng cho yêu cầu của sản xuất nếu như có những DN trong khu công nghiệp muốn sử dụng 100% nguồn điện mặt trời?

Trong vấn đề này, chuyên gia về điện tái tạo Đào Trọng Hùng cho biết, nếu nguồn điện tái tạo sinh ra nhiều thì sử dụng nhiều, còn nếu do thời tiết thì sẽ sử dụng ít và DN sẽ sử dụng nguồn điện từ khu công nghiệp nhiều hơn. Nguồn điện mặt trời từ phía DN sản xuất ra sẽ bán ngược lại cho công ty điện của khu công nghiệp và hàng tháng, DN vẫn phải tính trên tổng số điện đã tiêu thụ.

Điểm thuận lợi là có những nhà cung cấp lớn về pin mặt trời cùng hợp tác với phía DN ở khu công nghiệp trong việc lắp đặt nhằm tránh áp lực về vốn. Theo ông Hùng, chẳng hạn khi DN sử dụng hệ thống pin mặt trời có công suất 800.000 kWh/năm, mỗi tháng chia ra thực tế DN dùng bao nhiêu thì số tiền đó sẽ được chi trả cho nhà cung cấp.

Về nguyên tắc thì phía DN sẽ ký hợp tác lâu dài với nhà cung cấp nếu như không gặp vấn đề gì về kỹ thuật hay thay đổi chính sách của Nhà nước. Do đó, DN sẽ không phải trả chi phí nào khác ngoài chi phí điện.

dien-tai-tao-JPG-1872-1559747547.jpg

DN muốn lắp pin mặt trời nhưng ngại áp lực về vốn

Vẫn có triển vọng

Ông Hùng cũng thừa nhận là việc tiết giảm chi phí điện năng trong thời gian đầu khi DN lắp pin mặt trời có thể rất nhỏ, nhưng theo hàng năm thì chi phí có thể sẽ giảm dần. Lợi ích chủ yếu của nguồn điện tái tạo này là cải thiện môi trường.

Việc có những DN trong 5 – 6 năm tới hướng tới việc sử dụng 100% nguồn điện tái tạo được giới chuyên gia ghi nhận là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh nguồn điện quốc gia từ thuỷ điện chiếm khoảng 30 – 35%. Điều đó đòi hỏi DN phải hợp tác cùng nhà cung cấp lắp đặt thêm nhiều tấm pin mặt trời.

Về lưới điện của Nhà nước, trong năm 2019, nguồn năng lượng sạch đã chiếm khoảng 35%. Chính sách của Nhà nước cũng hướng về năng lượng xanh, nên nhiều DN nội địa và DN FDI vẫn tin tưởng trong 5 năm tới, việc sử dụng điện tái tạo sẽ tăng lên nhanh hơn.

Theo dự báo, đến giai đoạn 2021-2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp điện. Vì mỗi lần mất điện thời gian dài ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh và tạo ra gánh nặng chi phí cao cho DN, nên khoảng 1/4 số DN phải tự chủ động trang bị máy phát điện hoặc trang bị, lắp đặt thiết bị điện tái tạo nhằm đối phó với vấn đề này để cung cấp điện tạm thời, đảm bảo dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn.

Trong khi đó, sản lượng điện phát từ máy phát điện của DN có chi phí cao. Còn với điện tái tạo, nếu như có sự hợp tác từ phía nhà cung cấp nhằm tháo gỡ áp lực bỏ số vốn lớn ra đầu tư thì việc phát triển nguồn điện này trong DN là hoàn toàn khả thi.

Mặt khác, giá điện tăng mạnh sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch, đặc biệt là điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Vấn đề là cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn về mặt chính sách, cơ chế sao cho phù hợp, giảm thiểu rủi ro. Các DN chỉ quan tâm đến việc dùng điện tái tạo khi thấy sự ổn định trong chính sách, thấy việc họ làm được đảm bảo về mặt lợi ích lâu dài.

Thế Vinh