Đưa xuất nhập khẩu qua 'chợ online' vào khung khổ

00:00 12/10/2020

Trước việc xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử gia tăng như vũ bão, việc đưa hoạt động này vào khung khổ pháp lý là điều cần thiết, nhưng cũng cần tương thích với cam kết trong các hiệp định thương mại.

Bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Phụ trách kinh doanh của công ty TNHH Dala Group (chuyên sản xuất những dòng bột rau củ quả từ vùng nguyên liệu ở Lâm Đồng), cho biết sản phẩm của công ty đang phân phối mạnh qua các “chợ trực tuyến (online)” ở trong nước. Thế nhưng, khi thấy nhiều khách nước ngoài đặt mua rồi mang hàng xách tay về nước, nên kế hoạch sắp tới có thể sẽ đưa sản phẩm lên các “chợ online” quốc tế.

XK nông sản đang nhắm vào nhà thu mua qua kênh TMĐT

Chưa có quy định riêng

Để có thể xuất khẩu (XK) sản phẩm rau củ chế biến thành dạng bột qua “chợ online”, công ty này bước đầu đã có được giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Điều quan trọng hơn, như chia sẻ của bà Tuyền, sản phẩm này có thể “đánh” vào thị hiếu của khách hàng nước ngoài – vốn rất thịnh hành ở Nhật, EU, Mỹ… Tuy vậy, để có thể XK qua “chợ online”, công ty phải cần có thời gian tìm hiểu thêm.

Trên thực tế, ngoài việc XK sản phẩm nông sản hay hàng hóa Việt Nam hiện nay theo kênh truyền thống, nhiều doanh nghiệp (DN) đã, đang hoặc rục rịch XK qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) là các “chợ online” toàn cầu.

Từ tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã tổ chức các buổi đào tạo miễn phí cho hàng trăm DN có thể XK qua kênh TMĐT. Hay như Amazon có kế hoạch hỗ trợ 100 DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của hãng tại 185 quốc gia trên thế giới.

Điều đáng chú ý, Việt Nam hiện chưa có các quy định riêng đối với việc quản lý nhà nước về TMĐT đối với hàng hóa XK và cả việc nhập khẩu (vốn chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính). Trong khi đó, các số liệu dự báo cho thấy kinh doanh TMĐT trên toàn cầu năm 2019 ước tính đạt 3,4 nghìn tỷ USD và tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

Riêng ở Việt Nam, theo số liệu công bố của Statista (hãng nghiên cứu thị trường của Đức), doanh thu TMĐT năm ngoái đã đạt 2,269 tỷ USD. Báo cáo 3 năm liên tiếp 2017 – 2019 về Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25 – 30%.

Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính mới đây đưa ra dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đang gây sự chú ý đối với giới DN cũng như các cá nhân đang tham gia vào hoạt động này.

Đương nhiên, trong mục tiêu của Đề án có đề cập đến vấn đề “tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại”.

Tương thích với FTA

Hiện nay, hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XK, nhập khẩu ở Việt Nam thường được thực hiện theo 2 hình thức. Thứ nhất, người mua tại Việt Nam thực hiện đặt hàng, sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam (hàng nhập khẩu); người mua tại nước ngoài thực hiện đặt hàng hóa tại Việt Nam, sau đó hàng hóa được chuyển ra nước ngoài cho khách hàng (hàng XK).

Thứ hai, các DN kinh doanh TMĐT (thường là các chủ sàn giao dịch TMĐT) thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam (hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan), khi khách hàng đặt hàng thì DN thực hiện giao hàng hóa cho khách hàng tại Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định việc xuất nhập khẩu qua kênh TMĐT đang có vấn đề vướng mắc. Đó là người nhập khẩu, người XK thực hiện việc XK hàng hóa không thường xuyên (thậm chí chỉ thực hiện một lần duy nhất), số lượng sản phẩm nhỏ, nên người mua hoặc người bán không có kiến thức, kinh nghiệm về việc XK, nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, họ thường không có thông tin cơ bản liên quan đến việc thực hiện thủ tục XK, nhập khẩu hàng hóa; không biết hàng hóa có bị cấm nhập khẩu tại Việt Nam không?

Một số DN cũng băn khoăn là liệu hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh TMĐT có chịu sự quản lý của kiểm tra chuyên ngành không? Thủ tục hải quan được thực hiện như thế nào? Việc xác định thuế suất, trị giá tính thuế… được thực hiện ra sao?

Theo các chuyên gia, cần lưu ý thêm khi xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hoá xuất nhập khẩu là cần có sự tương thích, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.

Đơn cử như cam kết về chính sách của các thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với TMĐT. Theo chuyên gia Lê Trần Quốc Công (Đại học Luật Tp.HCM), các quốc gia thành viên CPTPP thống nhất chính sách của mình về cơ bản sẽ tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó có 3 nguyên tắc chủ yếu.

Thứ nhất là không đánh thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử. Thứ hai là không phân biệt đối xử các sản phẩm số. Thứ ba hài hòa hóa và tạo thuận lợi về khung pháp lý trong nước về giao dịch điện tử.

“Các quốc gia CPTPP phải đảm bảo áp dụng và duy trì các biện pháp minh bạch và hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại khi tham gia vào hoạt động TMĐT. Đồng thời, duy trì các quy định pháp luật nhằm mục đích ngăn cấm các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng”, ông Công chia sẻ.

Thế Vinh