Đua nhau “rút ruột” sông Tiền, sông Hậu

00:00 12/10/2020

Do nhu cầu tiêu thụ cát ngày càng cao phục vụ cho việc san lấp, xây dựng các công trình, thời gian qua, hàng trăm sà lan “tụ tập” trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày đêm khai thác các mỏ cát.

Sà lan khai thác cát trên sông Tiền, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: H.X

Khai thác triệt để “thủ phủ” cát Anh Nguyễn Văn Lê (ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) chở chúng tôi ra khu vực cồn Thường Thới Tiền trên sông Tiền (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp) – nơi được xem là “thủ phủ” cát ở miền Tây. [box] Theo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (MRC), từ năm 1992-2014, lượng trầm tích lơ lửng ở lưu vực sông Mekong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm (còn 75 triệu tấn/năm). Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện tại mỗi năm, các con sông ở ĐBSCL đã bị lấy đi 34 triệu m3 trầm tích (tương đương 55 triệu tấn, trong đó 90% là cát).[/box] Anh Lê vừa chỉ về hướng các sà lan vừa nói, mỗi ngày nơi đây có rất nhiều sà lan đến lấy cát. Tình trạng này trở nên sôi nổi từ trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay. Để đủ cát cung cấp, các sà lan phải hoạt động hết công suất từ sáng đến tối và ngày càng di chuyển vào sâu bên trong nhánh sông Tiền. Tình trạng này gây sạt lở cho đôi bờ sông thuộc xã Thường Thới Tiền và Long Khánh A của huyện Hồng Ngự. “Với đà khai thác như thế này, không bao lâu cồn này sẽ biến mất. Khi không còn đất cồn, nước từ dòng chính trên sông Tiền sẽ đâm thẳng vào khu dân cư gây sạt lở” – anh Huỳnh Minh Tấn, xã Thường Thới Tiền lo lắng. Không riêng gì ở Đồng Tháp, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, trái phép. Trước thực trạng trên, mới đây Giám đốc Công an TP.Cần Thơ đã chỉ đạo tăng cường  tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép. Theo đó, đã phát hiện hàng chục trường hợp sai phạm. Nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát ồ ạt, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan về tăng cường công tác quản lý, phòng chống các vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương lân cận như An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và TP.Cần Thơ trong công tác quản lý khai thác cát sông, trong đó đặc biệt lưu ý những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở. Nói không với khai thác trái phép Cùng với tỉnh Đồng Tháp, TP.Cần Thơ, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng “nói không với khai thác cát”. Theo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bến Tre), tới đây sẽ mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh. “Lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra 15 “điểm nóng” trên 3 tuyến sông chính: Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền đi qua địa bàn tỉnh” - thượng tá Lê Văn Minh - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bến Tre) thông tin. Được biết, những tháng đầu năm 2017, tỉnh Bến Tre đã xử phạt 393 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép với tổng số tiền trên 4,3 tỷ đồng và buộc các phương tiện bơm cát trả lại cho lòng sông. Về việc chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đại tá Phạm Văn Ngân - Phó Giám đốc Công an tỉnh này cho biết, bản thân Đại tá cũng đã nhiều lần trực tiếp tham gia kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát. Từ đó tình trạng khai thác cát trái phép, quá mức trên các tuyến sông đã giảm. Tuy nhiên, theo đại tá Ngân, thời gian qua, việc kiểm tra, xử lý trên gặp nhiều khó khăn. “Có nhiều lúc nhìn thấy sà lan khai thác cát trái phép trên sông Tiền mé bờ Vĩnh Long, nhưng khi chúng tôi điều khiển phương tiện tới địa điểm đó, chiếc sà lan đã chạy qua mé bờ tỉnh Bến Tre. Vì vậy, không thể xử lý được” – đại tá Ngân nói. Ngành chức năng các địa phương ĐBSCL cho rằng, thủ đoạn của “cát tặc” rất tinh vi, thường xuyên cho người cảnh giới, do đó lực lượng kiểm tra rất khó phát hiện và bắt quả tang. [box] Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL: Phải chấn chỉnh lại việc khai thác cát Lượng phù sa trên hệ thống sông rạch đang giảm dần, nguy cơ sạt lở tăng cao. Phải chấn chỉnh lại việc khai thác cát, không thể để mất đi nguồn tài nguyên vô giá này. TS Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ): Khai thác quá mức, đồng bằng sẽ thêm xói lở Các địa phương cấp phép khai thác cát nhiều là nguyên nhân gia tăng sạt lở. Nếu việc khai thác cát quá mức, trái phép vẫn tiếp diễn thì đồng bằng sẽ thêm xói lở. PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ): Cát hình thành tự nhiên không đủ bù đắp lại Khai thác cát là nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở. Phải mất hàng chục năm mới hình thành được một bãi cát dưới lòng sông trong khi khai thác thì rất nhanh, cát hình thành tự nhiên không đủ bù đắp lại. Xây Huỳnh (ghi)[/box] Theo danviet