Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Vẫn thừa, vẫn chồng chéo

00:00 12/10/2020

Theo các chuyên gia, “nội dung như dự thảo vẫn là chồng lấn, chồng chéo với hàng loạt các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo hiểm, ngân hàng, và hàng loạt các luật chuyên ngành khác”.

 Ảnh minh họa, Nguồn: Internet

Để như dự thảo thì có tiền không tiêu được

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (Dự thảo) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban. Tuy nhiên cho đến nay, giới chuyên gia vẫn thấy nhiều điều bất ổn. Ngay trong  phạm vi điều chỉnh của Luật như Dự thảo đã cho thấy không rõ ràng, mơ hồ cả về pháp lý và ngôn ngữ.

Phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của Dự thảo là “hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài”. Đầu tư kinh doanh được định nghĩa là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên có chuyên gia cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo là không có cơ sở khoa học và pháp lý. Nếu để như Dự thảo, khi Luật được thực hiện sẽ dẫn đến việc diễn đạt và áp dụng tùy ý.

Còn nhớ trong buổi họp đầu tháng 3 nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật có điều chỉnh hoạt động kinh doanh không hay chỉ là đầu tư? Việc phê duyệt chủ trương đầu tư ở địa phương cần đơn giản hơn. Còn nếu như Dự thảo yêu cầu phải đánh giá hiệu quả công nghệ dự án đầu tư sẽ “làm khó” nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xây dựng rõ mục tiêu quản lý để thiết kế quy trình thủ tục đơn giản hơn, tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Ngoài ra, nên có đánh giá hiệu quả đối với các dự án đầu tư sau 3 - 5 năm; bổ sung phụ lục trình tự đầu tư trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện thống nhất…

Như vậy, để Luật rõ ràng và có cơ sở, theo các chuyên gia, Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh nên được viết lại như sau: “Luật này quy định về hoạt động việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài”.

Một nội dung nữa được chuyên gia đề cập, đó là theo dự thảo “Chấp thuận chủ trương đầu tư” được định nghĩa là “việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này”.

Nhưng theo các chuyên gia, một trong các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai phải do nhà đầu tư tự quyết định. Nhà nước không nên, thậm chí không thể can thiệp vào mục tiêu, quy mô, tiến độ và thời hạn thực hiện đầu tư; mà chỉ có thể can thiệp vào địa điểm đầu tư dưới giác độ quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường…

Nhà đầu tư không biết đâu trước đâu sau

Một trong những lý do và nguyên nhân cần phải sửa Luật Đầu tư đó là trong 4 năm thực hiện Luật này đã thấy sự trùng lặp, chồng chéo giữa Luật này với các Luật khác, đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Đồng thời còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường...

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, từ khi bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh vào thực tế, nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn là các điều kiện và thủ tục hành chính kèm theo. Các điều kiện, thủ tục này được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy…). Trong khi đó, thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật lại không thống nhất, chồng chéo với nhau. Vì thế nhiều khi khiến nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không.

Tại cuộc họp lấy ý kiến cho Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, VCCI đã chỉ ra 25 nhóm vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, như đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chọn dự án đầu tư… Nhưng những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trong Dự thảo Luật cho dù Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan (như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Đồng thời sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng. Nhưng theo các chuyên gia, “nội dung như dự thảo vẫn là chồng lấn, chồng chéo với hàng loạt các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo hiểm, ngân hàng, và hàng loạt các luật chuyên ngành khác”.

Như vậy với nội dung như Dự thảo thì hệ thống pháp luật về kinh doanh lại tiếp đối mặt với vấn đề bất cập lớn, đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nếu như sự chồng chéo, chồng lấn, thiếu rõ ràng này chưa được giải quyết thì tình trạng “không biết đâu mà lần” lại tiếp diễn.

“Nói cách khác, phần lớn nội dung của Luật không chỉ thừa, mà còn chồng chéo lên hàng chục các luật khác; và những nội dung đó không tốt cho môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước”, một chuyên gia bình luận.

Linh Lương